TĐKT - Ngày 12/7, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB). Đến dự và chỉ đạo hội nghị có PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế .
Hội nghị tổng kết 9 năm thi hành luật khám bệnh, chữa bệnh
Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội thông qua vào ngày 23/11/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011. Đây là đạo luật đầu tiên thể chế hóa quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân; tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh.
PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, việc ban hành Luật nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong hoàn cảnh Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới và cũng đã tham gia một số hiệp định quốc tế trong lĩnh vực hành nghề y khoa.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Luật cũng đã có một số hạn chế, bất cập như: Một số quy định chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam cũng như một số nội dung chưa bảo đảm tính hội nhập quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị nêu rõ những mặt đạt được, những hạn chế, bất cập của toàn bộ quá trình thi hành Luật.
Trong đó, cần lưu ý, xác định được những điều khoản, nội dung nào trong Luật gây vướng mắc, mâu thuẫn, ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn các thầy thuốc, nhân viên y tế. Đồng thời, nghiên cứu các nội dung cần sửa đổi cần đồng bộ với các Luật khác; xác định những nội dung hành lang pháp lý cần thiết phải ban hành nhưng chưa có trong Luật hiện tại. Các nội dung điều chỉnh, bổ sung cần đảm bảo phù hợp với quá trình quốc tế của Việt Nam.
Báo cáo tại Hội nghị, TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế cho biết: Trong những năm qua, các cơ sở y tế công lập được củng cố và phát triển cả về số lượng, chất lượng và quy mô, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống: Số cơ sở tăng nhanh, từ 11.397 cơ sở năm 1993 lên 13.541 cơ sở năm 2016, bao gồm cả phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh, trạm y tế xã, hiện đang được sắp xếp lại cho phù hợp.
Các cơ sở y tế tư nhân có bước phát triển lớn, đóng vai trò quan trọng trong cung ứng dịch vụ y tế cho người dân. Số bệnh viện và số giường bệnh ngoài công lập tăng nhanh: Năm 2005 có 43 bệnh viện trên địa bàn của 9 tỉnh, thành phố với 3.324 giường bệnh, nay đã tăng lên 250 bệnh viện với 15.475 giường bệnh (đạt 1,7 giường/vạn dân, chiếm 15% số bệnh viện và 5,6% số giường bệnh trong toàn quốc), có khoảng gần 40.000 nhà thuốc, 35.000 phòng khám đa khoa, chuyên khoa, cung cấp 43% dịch vụ ngoại trú và 2,1% tổng số dịch vụ nội trú cho người dân (một số bệnh viện 100% vốn nước ngoài có trang thiết bị hiện đại đã được đưa vào hoạt động). Một số phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân tham gia thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Bên cạnh đó, thành tựu lớn nhất trong thời gian vừa qua là đã từng bước khôi phục, củng cố và phát triển được mạng lưới y tế cơ sở… Nhiều trạm y tế xã được đầu tư nâng cấp, cơ sở vật chất khang trang, 66,1% xã năm 2015 và khoảng 70% xã năm 2016 đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã…
Đặc biệt, các bệnh viện tuyến tỉnh cũng đã chú trọng phát triển các kỹ thuật cao để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn. Nhiều kỹ thuật trước đây chỉ các bệnh viện Trung ương tuyến cuối mới thực hiện được, nhưng do đẩy mạnh đào tạo, chuyển giao kỹ thuật của tuyến trên và sự cố gắng, nỗ lực của các bệnh viện tuyến dưới, đến nay các bệnh viện tỉnh, huyện đã thực hiện được.
Trong giai đoạn tới, Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; tổ chức tốt việc thực hiện và áp dụng pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
Bộ Y tế kiến nghị sửa đổi đối với một số nội dung cụ thể trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh về các khái niệm trong Luật; về các hành vi bị nghiêm cấm; về quyền và nghĩa vụ của người bệnh; về cấp chứng chỉ hành nghề; cấp giấy phép hoạt động; các quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; về giải quyết tranh chấp trong khám bệnh, chữa bệnh; về ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh; về an ninh bệnh viện.
La Giang
Chính trị - Xã hội
Khai mạc triển lãm chuyên đề “Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày”
TĐKT – Sáng 12/7, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Ban Quản lý Di tích Côn Đảo và Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tổ chức khai mạc triển lãm chuyên đề “Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày” nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2019). Hình ảnh những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Triển lãm giới thiệu gần 300 tài liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu phản ánh sự hà khắc của hệ thống nhà tù thực dân, đế quốc – nơi giam giữ, tra tấn, đày ải các chiến sĩ yêu nước cách mạng Việt Nam, đây cũng là nơi tôi luyện ý chí đấu tranh cách mạng, quyết tâm giải phóng dân tộc của những người chiến sỹ cách mạng kiên trung. Những hình ảnh, tài liệu, hiện vật này được chia làm ba phần, gồm: Địa ngục trần gian; kiên trung bất khuất; ngày chiến thắng trở về. Triển lãm là sự tri ân công lao, sự hy sinh to lớn của những chiến sĩ cách mạng đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, góp phần tuyên truyền, giáo dục cho công chúng, nhất là thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Trong đó, xúc động nhất là những hình ảnh: Nhà tù Hỏa Lò (1896 – 1954); Nhà tù Sơn La (do thực dân Pháp xây dựng năm 1908); Trại 7 (Phú Bình) được người tù mệnh danh là “Chuồng cọp Mỹ”; Hầm số 8 được coi là “địa ngục trần gian” tại Nhà tù Chín Hầm (Huế); Giám thị Nhà tù Côn Đảo đóng đinh vào đầu ngón tay các chiến sĩ cách mạng; “Mẹ con ngày gặp mặt” thể hiện giây phút chiến sĩ tình báo Lê Văn Thức gặp mẹ khi từ Nhà tù Côn Đảo trở về… Nội dung trưng bày tại Triển lãm còn có nhiều hình ảnh thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn, đáp nghĩa” của Đảng, Nhà nước, quân đội đối với các chiến sĩ bị địch bắt tù đày. Đây là hoạt động tri ân, tôn vinh những đóng góp to lớn, sự hy sinh anh dũng của chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho công chúng, nhất là thế hệ trẻ, phát huy truyền thống, xây dựng ý chí quyết tâm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Phương ThanhPhối hợp và cấp cứu kịp thời bệnh nhân bị thành sắt xuyên qua gan, màng phổi.
TĐKT - Chiều 11/7/2019, kíp bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108 đã phối hợp và cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân nam bị thanh sắt xuyên qua gan, màng phổi hai bên tại Bệnh viện Quân y 105. Sức khỏe bệnh nhân ổn định sau phẫu thuật 1 ngày Bệnh nhân B.V.Q, 42 tuổi, ngã cầu thang do tai nạn lao động. Thanh sắt phi 10 xoắn đã xuyên từ bờ dưới của sườn bên phải ngang qua người, chếch lên phía trên của sườn bên trái. Các bác sĩ của Bệnh viện Quân y 105 đã tiến hành sơ cứu cho bệnh nhân. Ngay sau khi tổ chức hội chẩn liên việt, kíp bác sĩ của Bệnh viện TWQĐ 108 gồm: TS. Ngô Vi Hải – Chủ nhiệm khoa Ngoại lồng ngực, TS. Lê Văn Thành – Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Gan Mật Tụy đã có mặt tại Bệnh viện Quân y 105 và tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Kíp bác sĩ của Bệnh viện TWQĐ 108 đã chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị và các phương án cho ca phẫu thuật. TS. Lê Văn Thành – Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Gan Mật Tụy, Bệnh viện TWQĐ 108 chia sẻ: “Bệnh nhân bị thanh sắt xuyên qua người, qua gan có thể làm tổn thương các mạch máu lớn. Do vậy, chúng tôi đã kiểm soát các mạch máu lớn trên khu vực của thanh sắt đi qua để khi rút thanh sắt ra, nếu có chảy máu lớn thì sẽ kiểm soát được ngay lập tức.” Hình ảnh thanh sắt xuyên qua người bệnh nhân B.V.Q Rất may mắn, khi các bác sĩ rút thanh sắt ra, cho thấy thanh sắt đâm xuyên từ thành ngực phải qua góc sườn hoành, xuyên qua gan hạ phân thùy 6 đi lên phía trên của hạ phân thùy 4, đi sát bờ sau của tĩnh mạch chủ dưới rồi xuyên qua cơ hoành khoang màng phổi bên trái ra thành ngực trái. TS. Lê Văn Thành chia sẻ thêm: “Thanh sắt không làm rách tĩnh mạch gan, tĩnh mạch chủ, có đứt một số tĩnh mạch nhỏ, động mạch nhỏ đã được khâu lại.” TS. Ngô Vi Hải – Chủ nhiệm khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành mở ngực bên trái để kiểm tra và may mắn, không thấy tổn thương tim, nhu mô phổi. Sau đó, chúng tôi đã đặt dẫn lưu khoang màng phổi hai bên cho bệnh nhân.” Ca phẫu thuật diễn ra trong 2 tiếng đồng hồ. Sau phẫu thuật 1 ngày, sức khỏe của bệnh nhân ổn định. Đại tá, BSCKII Trần Văn Hà – Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 105 gửi lời cảm ơn đến các bác sĩ Bệnh viện TWQĐ 108 đã phối hợp cấp cứu bệnh nhân kịp thời. Sự phối hợp, hỗ trợ của Bệnh viện TWQĐ 108 và Bệnh viện Quân y 105 sẽ nâng cao chất lượng khám và điều trị cho người bệnh. Lan HươngTĐKT - Ngày 11/7, Tổng cục Thống kê tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố kết quả sơ bộ cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Theo đó, dân số Việt Nam ở thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2019 là 96.208.984 người.
Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết cuộc tổng điều tra dân số vào tháng 4/2019 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay và có kết quả sơ bộ được công bố nhanh chóng so với năm 2009. Đây cũng là lần đầu tiên Tổng cục Thống kê ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện các quy trình thu thập, tổng hợp và xử lý số liệu.
Đồng bằng sông Hồng vẫn là khu vực kinh tế - xã hội có đông dân cư nhất
Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Philippines. So với kết quả điều tra năm 2009, xếp hạng dân số Việt Nam trong Đông Nam Á không đổi và giảm 2 bậc trên bảng xếp hạng dân số thế giới.
Về cơ cấu giới tính của dân số Việt Nam, nam giới có 47.881.061 người (chiếm 49,8%) nữ giới là 48.327.923 người (chiếm 50,2%).
Sau 10 năm, dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người, tỷ lệ tăng giai đoạn 2009 - 2019 bình quân 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 10 năm trước.
Kết quả cuộc Tổng điều tra cũng cho thấy: Việt Nam là nước có mật độ dân số cao so với các nước trên thế giới và khu vực. Năm 2019, mật độ dân số Việt Nam là 290 người/km2. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có mật độ dân số đông nhất, tương ứng là 2.398 và 4.363 người/km2. Đồng bằng sông Hồng là khu vực tập trung dân cư lớn nhất cả nước, trong khi Tây Nguyên là nơi có ít dân cư sinh sống nhất.
Trong 10 năm qua, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, dân số khu vực thành thị là hơn 33 triệu người, mới chiếm 34,4%, dân số nông thôn vẫn chiếm tới 65,6%.
Trong tổng số 26,9 triệu hộ dân cư trên cả nước, vẫn còn 4.800 hộ không có nhà ở. Hầu hết dân cư Việt Nam đang sống trong các ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố (chiếm hơn 93%). Diện tích nhà ở bình quân đầu người là 23,5 m2/người, trong đó cư dân thành thị có diện tích nhà ở cao hơn cư dân nông thôn.
"Kết quả sơ bộ Tổng điều tra năm 2019 cho thấy trải qua 10 năm, quy mô dân số nước ta tăng chậm hơn so với giai đoạn 10 năm trước. Điều kiện nhà ở của các hộ dân cư được cải thiện rõ rệt, đặc biệt ở thành thị. Hầu hết các hộ dân cư đều có nhà ở và sống trong các loại nhà kiên cố và bán kiên cố; diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng lên đáng kể, sát với mục tiêu Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành", ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định.
Bản đồ phân bố dân cư của các tỉnh thành
Cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở toàn quốc được tổ chức 10 năm một lần. Năm nay là lần thứ 5 diễn ra Tổng điều tra, thực hiện từ ngày 1/4 đến ngày 25/4/2019. Do áp dụng các biện pháp công nghệ thông tin nên chỉ sau hơn 2 tháng kết thúc thu thập thông tin, công tác xử lý dữ liệu đã hoàn thành, sớm hơn khoảng 1 năm so với cuộc Tổng điều tra năm 2009.
Phát biểu tại buổi lễ công bố kết quả Tổng điều tra, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, những số liệu kết quả điều tra dân số và nhà ở phải làm cơ sở để hoạch định chính sách. Phó Thủ tướng lưu ý, mặc dù chúng ta đang trong tình trạng dân số vàng nhưng cũng đang trong tình trạng già hóa nhanh chóng, các chính sách dân số phải làm sao tránh được tình trạng "chưa giàu đã già". Mục tiêu của cuộc Tổng điều tra là Không để ai bị bỏ lại phía sau, do đó cần có chính sách phù hợp với những đối tượng khó khăn tại khu vực nông thôn, những người chưa có nhà ở hoặc nhà ở thiếu kiên cố. Từ nay đến khi công bố số liệu chính thức, Tổng cục Thống kê cần có những bảng phân tích, đánh giá số liệu để có kiến giải chính sách phù hợp, bởi kết quả Tổng điều tra không chỉ là những con số.
Dự kiến, vào ngày 20/12 (tức ngày Dân số Việt Nam), số liệu chính thức của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở sẽ được công bố.
La Giang
Lần đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật khoan sang thương động mạch vành bị vôi hóa nặng
TĐKT - Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa thực hiện thành công kỹ thuật khoan sang thương động mạch vành bị vôi hóa nặng (ROTABLATOR) trong quá trình đặt stent mạch vành. Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ thực hiện kỹ thuật khoan sang thương động mạch vành bị vôi hóa nặng Bệnh nhân là ông T.P.Đ, 55 tuổi, địa chỉ: Ninh Kiều, Cần Thơ được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng đau ngực khi gắng sức, mệt, khó thở. Sau khi kiểm tra, bác sĩ cho biết ông bị hẹp động mạch vành 2 nhánh từ 60% - 90%, tuổi cao và các bệnh kết hợp nội khoa nghiêm trọng như: Nhồi máu cơ tim cũ, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường không phụ thuộc insulin. Bên cạnh đó, khoảng 60 mm nhánh liên thất trước lan tỏa, đường kính mạch máu bị hẹp 90% kèm vôi hóa nặng, rất khó để thực hiện đặt stent thường quy. Các bác sĩ phải dùng một đầu mũi khoan có cấu tạo đặc biệt bằng kim cương rất nhỏ đưa vào lòng mạch vành, đến vị trí vôi hóa khoan với vận tốc 170.000 – 180.000 vòng/phút nhằm tái thông lòng mạch, sau đó mới thực hiện kỹ thuật nong bóng và đặt stent mạch vành. Kỹ thuật thực hiện thành công sau 2 giờ do Ths.Bs. Trần Văn Triệu – khoa Tim mạch can thiệp với sự hỗ trợ về mặt chuyên môn của GS. TS. Võ Thành Nhân – Chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp TP Hồ Chí Minh. Bác sĩ Triệu cho biết: Với một số trường hợp bệnh nhân có nhiều bệnh nội khoa kết hợp như: Tăng huyết áp, rối loạn lipit máu, đái tháo đường không phụ thuộc insulin… động mạch vành bị vôi hóa nặng là một trong những trường hợp khó đặt stent trong bệnh lý động mạch vành, thủ thuật viên không thể đưa dụng cụ qua được sang thương để tái thông lòng mạch. Kỹ thuật khoan sang thương động mạch vành bị vôi hóa nặng là kỹ thuật chuyên sâu, được thực hiện lần đầu tiên tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cũng như khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trước đây, những trường hợp tương tự phải chuyển đến TP Hồ Chí Minh và nay kỹ thuật này đã được thực hiện tại miền Tây, mở ra hy vọng mới trong cứu sống bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. La GiangSớm đưa bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai cơ sở 2 vào hoạt động
TĐKT - Trước phản ánh về việc cơ sở 2 của hai bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức ở TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam bị chậm tiến độ đưa vào hoạt động, vào cuối giờ sáng ngày 9/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thị sát trực tiếp tại 2 cơ sở này. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị với UBND tỉnh Hà Nam Tại cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai - nơi hiện đang vận hành Khoa khám bệnh ngoại trú, thông tin cho biết, hiện nay trung bình mỗi ngày Khoa Khám bệnh khám cho khoảng 380 - 400 bệnh nhân. Để đảm bảo hoạt động của Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai các phương án về cửa hàng phục vụ ăn uống cho người bệnh, người nhà bệnh nhân và cả nhân viên. Song song với đó, các máy bán hàng tự động cũng được lắp đặt để phục vụ các nhu cầu của bệnh nhân, người nhà. Bộ trưởng thị sát tiến độ xây dựng tại cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức tại Hà Nam Kiểm tra thực tế một số hạng mục, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu lãnh đạo bệnh viện và ban quản lý dự án cùng các nhà thầu, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ của những hạng mục công trình còn chưa hoàn thiện. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai điều tiết công tác khám, chữa bệnh giữa cơ sở 1 (tại Hà Nội) và cơ sở 2 để tránh tình trạng nơi thì quá đông bệnh nhân, nơi lại chưa phát huy hết công năng. Còn tại cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức, nhiều hạng mục đang được tiếp tục thi công. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu ban Quản lý dự án y tế trọng điểm của Bộ phối hợp với đơn vị thi công và các đơn vị liên quan tiến hành công tác vệ sinh sạch sẽ để lắp đặt trang thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh tại những khoa, phòng đã hoàn thành. Với những hạng mục công trình còn dang dở, Bộ trưởng yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo công trình được hoàn thiện và đưa vào sử dụng sớm nhất. Đại diện nhà thầu thi công công trình Bệnh viện Việt Đức, ông Lê Tiến Ngọc cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ để cuối tháng này có thể bàn giao cho Bệnh viện Việt Đức đưa vào vận hành. Tại cuộc làm việc buổi chiều cùng ngày giữa Bộ Y tế và UBND tỉnh Hà Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết các cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức được khởi công từ năm 2015, được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu. Trong quá trình triển khai đã có hai lần cắt giảm vốn đầu tư, mỗi lần 10% và mỗi lần cắt giảm đều phải điều chỉnh lại thiết kế. Theo Luật Xây dựng, các công trình xây dựng bệnh viện đều phải được Bộ Xây dựng thẩm định, việc thẩm định cho đến nay vẫn chưa được hoàn tất. Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng việc xây dựng bệnh viện không thể nhanh như những công trình dân dụng thông thường. Ngay khi công trình được xây dựng xong thì việc lắp đặt, vận hành trang thiết bị; việc triển khai các quá trình khám, chữa bệnh cũng phải được thẩm định và kiểm tra chặt chẽ. Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh và Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức Đồng Văn Hệ khẳng định hai bệnh viện đã sẵn sàng về nhân sự và trang thiết bị để khi nhận được bàn giao các phần diện tích hoàn thiện của công trình sẽ triển khai ngay hoạt động khám và chữa bệnh tại đây. Bộ trưởng chỉ đạo lãnh đạo hai bệnh viện cần đưa những cán bộ y tế giỏi về các cơ sở hai để đảm bảo sớm đưa vào vận hành hai cơ sở này. La GiangBệnh viện K thực hiện tốt Đề án Bệnh viện vệ tinh chuyên ngành ung bướu
TĐKT - Trong những năm 2000, cả nước chỉ có 3 bệnh viện chuyên ngành, 14 khoa ung thư tại bệnh viện đa khoa tỉnh, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu khám, chữa bệnh ung bướu của nhân dân thì tới năm 2019, trên toàn quốc đã có 8 bệnh viện chuyên ngành với các trang thiết bị y tế hiện đại, trình độ chuyên môn ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới, 69 trung tâm/khoa/đơn vị ung bướu, đáp ứng được phần lớn nhu cầu của người dân. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại Hội nghị sơ kết đề án bệnh viện vệ tinh Tại Việt Nam, mỗi năm có 164.671 ca mới mắc ung thư, 114.871 trường hợp tử vong do bệnh ung thư. Hơn 300.000 người đang sống chung với bệnh ung thư. Gánh nặng ung thư ngày càng gia tăng trên phạm vi cả nước và đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Chính vì vậy, ung bướu là một trong 5 chuyên khoa được lựa chọn đầu tiên trong Đề án bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế giai đoạn 2013 – 2020. GS. TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết: “Qua hơn 5 năm thực hiện, các bệnh viện vệ tinh đã được nâng cao năng lực về khám, chữa bệnh thông qua việc tăng cường đào tạo, cải tạo cơ sở kỹ thuật, nâng cấp trang thiết bị y tế, chuyển giao kỹ thuật và tư vấn khám, chữa bệnh bằng công nghệ thông tin. Đề án bệnh viện vệ tinh triển khai đã góp phần giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên, người dân được hưởng các dịch vụ y tế tốt, chuyên môn cao ngay tại chính địa phương của mình, góp phần giảm bớt chi phí điều trị, giảm gánh nặng bệnh tật, tạo lòng tin và an tâm điều trị cho người bệnh. Từ năm thực hiện đề án đến nay, Bệnh viện K đã có 17 bệnh viện vệ tinh, 11 bệnh viện tham gia dự án Norred, chỉ đạo tuyến cho 30 bệnh viện. Bệnh viện K đã đào tạo cho 2.972 lượt học viên, chuyển giao 291 lượt kỹ thuật cho các bệnh viện; biên soạn 12 cuốn sách chuyên môn phục vụ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Kết quả nổi bật là một số kỹ thuật được đào tạo, chuyển giao đã giúp cho các Bệnh viện hoàn toàn có thể tự chủ làm được, có tỷ lệ giảm chuyển tuyến đến 100% như: Phẫu thuật ung thư tuyến giáp, phẫu thuật nội soi thực quản, phẫu thuật ung thư cổ tử cung hay xạ trị ung thư vú, cổ tử cung, ung thư buồng trứng. Hay minh chứng nổi bật cho sự thành công của Đề án như Bệnh viện K đã hỗ trợ Bệnh viện đa khoa Phú Thọ từ chuyển tuyến hơn 70% nay đã chuyển tuyến dưới 1%. Hội chẩn từ xa cho các Bệnh viện về chẩn đoán ung thư, đặc biệt là mô bệnh học, hỗ trợ đào tạo liên tục, cầm tay chỉ việc cho bác sĩ tuyến dưới. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh: “Đề án bệnh viện vệ tinh đã khẳng định hướng đi rất đúng, hiệu quả của Bộ Y tế và có ý nghĩa nhân văn rất lớn, bệnh viện tuyến dưới được nâng cao trình độ, các bệnh viện tuyến trên sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung thực hiện các kỹ thuật cao ngang tầm quốc tế và nghiên cứu khoa học. Minh chứng cụ thể là Bệnh viện K hiện nay đã có rất nhiều kỹ thuật, trang thiết bị y tế, tỷ lệ chữa khỏi một số bệnh ung thư đã ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới”. GS. TS Nguyễn Viết Tiến đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho 6 bệnh viện đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 – 2018 Đặc biệt, Thứ trưởng đánh giá cao về chuyên môn và ghi nhận những cố gắng, tâm huyết của tập thể cán bộ y tế bệnh viện K đã nỗ lực điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Thị Liên bị ung thư vú giai đoạn cuối quyết tâm sinh con. Bệnh viện K vừa điều trị cho mẹ, vừa cố gắng kéo dài tuổi thai nhi từ tuần thứ 20 đến tuần thứ 31 và phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Trung ương mổ ngồi bắt con, đến nay sức khỏe của cả hai mẹ con đều ổn định. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cũng chỉ ra những khó khăn thách thức cũng như các giải pháp phát huy tốt nhất để thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới. Trong đó tập trung thực hiện các giải pháp: Một là, cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền cho người dân về phòng, chống chống ung thư, đi khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư. Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi người dân tiếp tục chủ động, tích cực tham gia BHYT. Ba là, cần tăng cường triển khai hình thức đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo gói dịch vụ và cấp kinh phí duy trì hiệu quả, tính bền vững cũng như việc tiếp tục duy trì, hỗ trợ các kỹ thuật đã được chuyển giao, tránh đào tạo dàn trải. Bốn là, Bệnh viện K và các bệnh viện vệ tinh cần tiếp tục đổi mới hơn nữa tinh thần thái độ phục vụ hướng đến sự hài lòng của người bệnh, năng động hơn trong quản lý, chặt chẽ hơn trong tổ chức để đảm bảo nâng cao chất lượng bệnh viện, tạo uy tín để thu hút người dân, người bệnh đến với bệnh viện; xem người bệnh là trung tâm, lấy hiệu quả điều trị là thước đo, mục tiêu phấn đấu. Với những nỗ lực không ngừng, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, GS. TS Nguyễn Viết Tiến đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho 6 bệnh viện đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 – 2018 gồm Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Ninh Bình, BVĐK tỉnh Phú Thọ, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, BVĐK tỉnh Điện Biên, BVĐK tỉnh Bắc Ninh và Bệnh viện Bãi Cháy tỉnh Quảng Ninh. Hồng ThiếtBộ Lao động và Thương binh Xã hội thi đua thực hiện tốt công tác người có công và xã hội
TĐKT - 6 tháng đầu năm 2019, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục thi đua thực hiện phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả”. Ngay từ những ngày đầu năm, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ, các đơn vị, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao với quyết tâm cao nhất nhằm phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch đề ra; trong đó tập trung vào 3 đột phá (xây dựng thể chế, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và phát triển thị trường lao động) và 2 ưu tiên (về giải quyết tồn đọng trong xác nhận, công nhận người có công với cách mạng và tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em). Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp thông tin chung về việc triển khai thực hiện các chính sách lao động, người có công và xã hội 6 tháng đầu năm 2019 Theo số liệu tổng hợp, các trường nghề tuyển sinh khoảng 1.081 nghìn người, đạt 48% kế hoạch; trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp khoảng 112 nghìn người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 969 nghìn người. Cũng trong 6 tháng đầu năm, có khoảng 200.000 lao động nông thôn, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số... được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Giải quyết việc làm cho trên 776,9 nghìn người lao động trong 6 tháng đầu năm 2019, bằng 98,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, đưa gần 67 nghìn người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của khu vực thành thị quý I/2019 ước tính là 2,95%. Dự kiến 6 tháng đầu năm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị duy trì ở mức dưới 4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 6 tháng đầu năm ước đạt 59,8%. Đồng thời, Bộ tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Tính đến tháng 5/2019, cả nước có 14,6 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và 347 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Rà soát, nắm tình hình nợ lương, nợ tiền tham gia bảo hiểm xã hội đối với người lao động. Bộ đã ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 72 năm Ngày thương binh liệt sĩ. Năm nay, Bộ sẽ tổ chức cuộc gặp, tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu đối với 500 thương binh nặng, mất sức lao động 81% trở lên tại Hà Nội. Tổ chức trao Bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 400 liệt sĩ qua xem xét, rà soát hồ sơ tồn đọng thời gian qua và dự kiến tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long. Thứ trưởng Bộ Lao động và Thương binh Xã hội, Doãn Mậu Diệp cho biết, phát huy kết quả đã đạt được, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về giảm nghèo theo Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011 - 2020, Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24/6/2014 của Quốc hội về việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững năm 2019; các chính sách thường xuyên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo (chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, khuyến nông và khuyến lâm, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng mô hình giảm nghèo, trợ giúp pháp lý…) ngay từ đầu năm. Triển khai kế hoạch đánh giá sơ kết thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và đề xuất kế hoạch khung Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Song song với đó, Bộ đã kịp thời chỉ đạo và kiến nghị giải quyết các vấn đề về thực hiện quyền trẻ em và các vụ việc xâm hại trẻ em; chủ động, tích cực phối hợp triển khai các biện pháp giải quyết các vấn đề về trẻ em, bạo lực với trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em. Chỉ đạo triển khai các hoạt động tổ chức Tết thiếu nhi cho trẻ em; xây dựng kế hoạch, tổ chức thăm, tặng quà và tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh nhằm thu hút đông đảo trẻ em tham gia… Quang cảnh buổi họp báo Thời gian qua, Bộ đã triển khai các giải pháp phòng, chống tệ nạn xã hội. Tăng cường công tác cai nghiện, phục hồi và quản lý sau cai; trên cả nước hiện có 105 cơ sở cai nghiện công lập thực hiện việc điều trị, cai nghiện cho 38.441 người nghiện, trong đó, có 26.494 học viên cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án, 3.923 học viên cai nghiện tự nguyện tại cơ sở công lập, 4.563 người nghiện tại cơ sở xã hội (không có nơi cư trú ổn định) và 3.461 người cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ngoài công lập. Đặc biệt, năm 2019, Bộ đặt mục tiêu cả năm phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhất là các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, trong đó, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60 đến 62%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 24 đến 24,5%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1 đến 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; chăm lo tốt hơn cuộc sống người có công và gia đình chính sách; bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em… Để đạt mục tiêu đề ra, từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành, trình Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi). Thực hiện các giải pháp đột phá mạnh mẽ, phát triển và đổi mới giáo dục nghề nghiệp. Thực hiện các giải pháp hoàn thiện, phát triển thị trường lao động, chú trọng công tác hướng nghiệp, dự báo, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cung - cầu nhân lực trong cả nước, khu vực và gắn với thị trường lao động quốc tế, khu vực ASEAN. Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, quan hệ lao động, tiền lương. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 14/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng. Hồng ThiếtNhật Bản chia sẻ kinh nghiệm với Hà Nội về phát triển giao thông công cộng
TĐKT - Sáng 10/7, tại Hà Nội, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Tập đoàn Michinori Holdings phối hợp với Sở Giao thông vận tải Hà Nội và Tổng công ty Vận tải Hà Nội tổ chức Hội thảo "Phát triển giao thông công cộng tại Hà Nội, chia sẻ kinh nghiệm từ Nhật Bản". Toàn cảnh Hội thảo Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án "Hợp tác phổ biến kinh nghiệm vận hành - quản lý vận tải xe buýt" do JICA cùng Tập đoàn Michinori Holdings thực hiện tại Hà Nội. Tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị đã giới thiệu tổng quan về tình hình giao thông công cộng tại Hà Nội; những thách thức và cơ hội cho việc phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng an toàn, thân thiện, bền vững. Hà Nội hiện có 8 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch; 1 tuyến BRT; mạng lưới xe buýt bao phủ 100% quận, huyện, 98% bệnh viện, 100% trường học, 86% khu công nghiệp, 90% khu đô thị; 20.000 taxi truyền thống, trên 25.000 uber taxi... Vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đang phải đối diện với những thách thức: Hạ tầng vận tải hành khách công cộng chưa đầy đủ, đồng bộ, ổn định (thiếu quỹ đất cho điểm đầu cuối, điểm trung chuyển, làn đường xe buýt, tỷ lệ nhà chờ thấp, hạ tầng giao thông đi bộ thiếu và bất cập...). Sự tăng trưởng hành khách công cộng không cao, chưa tương xứng với sự đầu tư phương tiện, mạng lưới... Tuy nhiên, những cơ hội trước mắt rất nhiều: Những chủ trương, chính sách mới tạo điều kiện triển khai các giải pháp hiệu quả, thu hút nguồn lực để phát triển mạng lưới bền vững; sự ra đời của các loại hình mới (BRT, đường sắt đô thị) là cơ hội cho việc tổ chức lại mạng lưới, thay đổi thói quen, thu hút người sử dụng; sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tạo điều kiện cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng tính hấp dẫn, tiện nghi của hệ thống; nhận thức của cộng đồng tiếp tục được cải thiện, tạo sự chuyển đổi thói quen sang sử dụng vận tải hành khách công cộng... Tại Hội thảo, đại diện của Bộ Đất đai Hạ tầng giao thông và Du lịch chia sẻ các biện pháp và chính sách thúc đẩy và duy trì sự phát triển bền vững của giao thông công cộng tại Nhật Bản; các Luật và chính sách liên quan đến tái cơ cấu mạng lưới giao thông công cộng, tạo nền tảng cho người dân, người sử dụng phương tiện công cộng, cơ quan quản lý, doanh nghiệp vận tải, chuyên gia...cùng thảo luận, xây dựng, hoàn thiện mạng lưới. Giới thiệu các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy việc sử dụng công nghệ tiên tiến hướng đến thành phố thông minh, giao thông thông minh mà Chính phủ Nhật Bản đứng ra phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện, ví dụ như phổ cập dịch vụ giao thông thông minh (MaaS), xây dựng kho dữ liệu mới (open - data), các công nghệ sẽ là công cụ giúp tăng hiệu quả của giao thông công cộng, tăng tính tiện dụng, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng. Các chuyên gia đến từ Nhật Bản cũng chia sẻ kinh nghiệm về các phương pháp xây dựng hạ tầng giao thông công cộng giúp thúc đẩy việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng và cải thiện chất lượng giao thông công cộng; giới thiệu cách bố trí, thiết kế các đầu mối trung chuyển giao thông, các làn đường ưu tiên, giúp giảm ùn tắc, tạo không gian giao thông thông thoáng, tiện dụng, tiết kiệm thời gian đi lại cho tất cả các thành phần tham gia giao thông. Ban tổ chức mong muốn các kinh nghiệm được chia sẻ trong Hội thảo, liên quan đến quản lý và phát triển mạng lưới giao thông công cộng, giảm các vấn đề xã hội như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, tăng tính tiện lợi và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, đứng trên cả khía cạnh quản lý nhà nước và doanh nghiệp vận tải, sẽ là những gợi ý góp phần cải thiện tích cực và hiệu quả hệ thống vận tải hành khách bằng xe buýt tại Hà Nội nói riêng và giao thông công cộng tại Hà Nội nói chung. Phương LinhTĐKT - Mùa hè này Nestlé Việt Nam tiếp tục ra mắt lựa chọn dinh dưỡng cho người tiêu dùng đa dạng lứa tuổi - sữa chua uống dinh dưỡng Nestlé YOGU có chứa tổ yến và năm loại vitamin và khoáng chất thiết yếu cho trẻ; sữa NESVITA 5 loại đậu đáp ứng nhu cầu khỏe và đẹp của phụ nữ hiện đại.
Sữa chua uống dinh dưỡng Nestlé YOGU có chứa tổ yến là thức uống dinh dưỡng cân bằng mong muốn của cả mẹ và trẻ, vừa có hương vị trẻ yêu thích vừa đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cân bằng cho trẻ. Sản phẩm được nghiên cứu phù hợp khẩu vị của bé với vị chua nhẹ và ngọt thanh.
Đồng thời Sữa chua uống dinh dưỡng Nestlé YOGU có chứa tổ yến là sản phẩm đột phá với công thức bổ sung nguyên liệu truyền thống tổ yến xay nhuyễn bên cạnh 5 dưỡng chất cần thiết giúp trẻ mạnh mẽ là vitamin C, canxi, vitamin D, kẽm, chất xơ. Sữa chua uống dinh dưỡng Nestlé YOGU hiện đóng gói trong hộp 115 ml tiện lợi với tác dụng kép, tích cực hỗ trợ tiêu hóa và hỗ trợ cho sức đề kháng và xương chắc khỏe. Hiện Sữa chua uống Nestlé YOGU đã có mặt tại cửa hàng tạp hóa, hệ thống các siêu thị toàn quốc và các trang thương mại điện tử.
Người tiêu dùng đã có thể trải nghiệm sản phẩm tại hệ thống siêu thị lớn trên toàn quốc trong tháng 7
Trong khi đó, thức uống dinh dưỡng sữa NESVITA 5 loại đậu là sản phẩm độc đáo Nestlé muốn mang đến cho phụ nữ hiện đại, đáp ứng xu hướng khỏe và đẹp từ trong ra ngoài và nhu cầu ngày càng tăng của thực phẩm có nguồn gốc thực vật với ưu điểm về thành phần dinh dưỡng lành mạnh.
Nghiên cứu người tiêu dùng về nhu cầu dinh dưỡng của phụ nữ hiện đại của Nestlé Việt Nam cho thấy sức hút đối với loại thức uống lấy cảm hứng từ kinh nghiệm dân gian với thành phần nguyên liệu từ thực vật, đặc biệt là khai thác nguồn đạm thực vật từ các loại đậu. Sữa NESVITA 5 loại đậu là nguồn bổ sung canxi và chất xơ, không Lactose, 100% đạm thực vật, tiện dụng và phù hợp bổ sung dinh dưỡng hằng ngày.
Sản phẩm sữa chua dinh dưỡng mới của Nestle
Sữa chua uống dinh dưỡng Nestlé YOGU có chứa tổ yến xay nhuyễn dành cho trẻ và Sữa NESVITA 5 loại đậu đáp ứng nhu cầu khỏe và đẹp của phụ nữ hiện đại nằm trong những nỗ lực không ngừng của Nestlé Việt Nam trong hoạt động nghiên cứu và cải tiến sản phẩm, để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng đòi hỏi ngày càng cao về sản phẩm thức uống dinh dưỡng chất lượng. Hiện nay, sữa NESVITA 5 loại đậu hiện đã có mặt tại hệ thống các siêu thị trên toàn quốc.
Nestlé Việt Nam trực thuộc tập đoàn Nestlé – Tập đoàn hàng đầu thế giới về dinh dưỡng, sức khỏe và sống vui khỏe có trụ sở tại Vevey – Thụy Sĩ. Nestlé đồng thời là tổ chức đi đầu trong hoạt động cung cấp giải pháp dinh dưỡng phù hợp với từng nhóm đối tượng người tiêu dùng có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau với Viện Dinh dưỡng Nestlé (Nestlé Nutrition Institute) đặt tại Thụy Sĩ cùng mạng lưới trung tâm công nghệ sản phẩm, các cơ sở nghiên cứu và phát triển trên toàn cầu.
Thục Anh
Trang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 203
- 204
- 205
- 206
- 207
- …
- sau ›
- cuối cùng »