Chính trị - Xã hội

HUBT tổng kết công tác coi thi THPT Quốc gia tại tỉnh Ninh Bình và tuyển sinh đại học chính quy khóa 24

TĐKT - Sáng 18/9, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác coi thi, chấm thi THPT Quốc gia năm 2019 tại tỉnh Ninh Bình và tuyển sinh đại học chính quy khóa 24 (năm học 2019 - 2020). GS.TS.NGND Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh của trường chủ trì Hội nghị. Hội nghị tổng kết công tác coi thi THPT Quốc gia tại tỉnh Ninh Bình và tuyển sinh đại học chính quy khóa 24 (năm học 2019 - 2020) của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: Huy Thuyết Dự Hội nghị có: TS. Đỗ Quế Lượng, Phó Hiệu trưởng thường trực, Phó Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh; PGS.TS. Hà Đức Trụ, Phó Hiệu trưởng. GS.TS.NGND Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: Huy Thuyết Tại Hội nghị, GS.TS.NGND Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh đã báo cáo một số điểm chính về công tác coi thi, chấm thi THPT Quốc gia 2019 tại tỉnh Ninh Bình và tuyển sinh đại học chính quy khóa 24. Theo đó, trường đã thành lập 17 đoàn tuyển sinh tại các tỉnh. Từ ngày 23 - 27/6/2019, trường đã cử hơn 500 cán bộ, giảng viên thực hiện công tác coi thi và chấm thi tại tỉnh Ninh Bình do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trường tiếp tục bắt tay vào công tác tuyển sinh đại học chính quy khóa 24 (năm học 2019 - 2020) và đã thu được những thành công rất đáng ghi nhận. Đó là tuyển sinh đủ chỉ tiêu ngay từ đợt đầu tiên. Hiện nay, các tân sinh viên đã hoàn tất các thủ tục nhập và bước đầu ổn định học tập tại trường. TS. Đỗ Quế Lượng, Phó Hiệu trưởng thường trực nhà trường phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Huy Thuyết Thay mặt Ban Giám hiệu nhà trường, TS. Đỗ Quế Lượng, Phó Hiệu trưởng Thường trực biểu dương và chúc mừng Ban chỉ đạo tuyển sinh, các thành viên Hội đồng cũng như những đơn vị liên quan đã tham gia, hỗ trợ hết mình trong công tác tuyển sinh vừa qua cũng như hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ coi thi, chấm thi tại Ninh Bình, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với địa phương sở tại. Tiến sĩ Đỗ Quế Lượng nhấn mạnh, công tác tuyển sinh các hệ, đặc biệt là hệ đại học chính quy là mục tiêu vô cùng quan trọng đối với uy tín, vị thế, thương hiệu của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trong hệ thống giáo dục nước ta. Công tác tuyển sinh đã hoàn thành, việc tập trung đào tạo cho sinh viên khóa 24 theo hệ thống tín chỉ cần phải được triển khai một cách đồng bộ và chuẩn xác, thực hiện sứ mệnh xuyên suốt của nhà trường, đó là đào tạo các nhà kinh tế và kỹ thuật - công nghệ thực hành, các bác sĩ, dược sĩ có tay nghề cao, tạo nguồn nhân lực cho việc hình thành một đội ngũ cán bộ chủ chốt của các tổ chức, doanh nghiệp trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, với 12 chữ: Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm - Văn minh. TS. Đỗ Quế Lượng cũng mong muốn Hội đồng tuyển sinh cùng các đơn vị liên quan tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình trong những kỳ tuyển sinh tiếp theo và rút kinh nghiệm thông qua một số thiếu sót trong kỳ tuyển sinh năm học năm nay. Thu Hương

Khai mạc Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN 36

TĐKT - Với chủ đề “Công nghệ thông tin và Truyền thông: Trao quyền đổi mới an sinh xã hội (ASXH)”, Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN (ASSA) 36 được tổ chức tại Brunei trong hai ngày 17 và 18/9. Hội nghị có sự tham dự và chia sẻ kinh nghiệm của đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Hiệp hội ASXH thế giới (ISSA) cùng đại biểu của 20 tổ chức thành viên ASSA. Với cương vị Chủ tịch ASSA nhiệm kỳ 2018 - 2019, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Thị Minh phát biểu khai mạc Hội nghị ASSA 36, nhấn mạnh: Trong một năm vừa qua, các tổ chức thành viên ASSA đã thực hiện Tuyên bố chung được ký kết tại Hội nghị ASSA 35 và cụ thể hóa bằng Kế hoạch hành động với nhiều hoạt động phong phú và thiết thực; nỗ lực hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển ASXH trong khu vực bền vững theo tinh thần và mục tiêu xuyên suốt của ASSA đã đề ra từ ngày đầu thành lập. Những kết quả đạt được là minh chứng sinh động cho hiệu quả hoạt động hợp tác của 20 tổ chức thành viên ASSA, từng bước đi vào chiều sâu và thực chất, tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của mỗi thành viên cũng như cả Hiệp hội. Trao giải thưởng ASSA 2019 cho các tổ chức thành viên Trong hai ngày diễn ra Hội nghị, các đại biểu sẽ rà soát việc thực hiện Kế hoạch hành động ASSA nhiệm kỳ 2018 - 2019, đánh giá vai trò điều phối, tổ chức của BHXH Việt Nam đảm nhiệm Chủ tịch và Tổng thư ký ASSA 2018 - 2019; giới thiệu ấn phẩm ASSA 20 năm do BHXH Việt Nam chủ trì biên soạn và xuất bản; thông tin chi tiết về 20 tổ chức thành viên, cùng những dấu mốc quan trọng xuyên suốt 20 năm thành lập ASSA. Các đại biểu đến từ 20 tổ chức thành viên Hiệp hội ASXH ASEAN - ASSA cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức thực hiện các vấn đề xoay quanh chủ đề chính: “Công nghệ thông tin và Truyền thông: Trao quyền đổi mới ASXH”. Tiêu biểu có thể kể đến bài tham luận “Công nghệ đối với ASXH: Xu hướng và tầm nhìn quốc tế” của chuyên gia Tổ chức ASXH thế giới - ISSA; nhận định, dự báo về bảo trợ xã hội và công việc trong tương lai của chuyên gia Tổ chức Lao động quốc tế - ILO; BHXH Việt Nam với lộ trình triển khai hệ thống tương tác đa phương tiện với người dân và doanh nghiệp; kinh nghiệm triển khai hệ thống thông tin của Hội đồng ASXH Myanmar (SSB); thủ tục đăng ký hưởng chế độ bằng sinh trắc học thông qua chính sách số định danh duy nhất của Tổ chức quản lý ASXH về việc làm Indonesia (BPJS Ketenagakerjaan)… Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, BHXH Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASSA điều hành Lễ trao giải thưởng ASSA năm 2019, trao 18 giải thưởng thuộc 6 hạng mục cho đại diện 18 tổ chức thành viên ASSA. Đặc biệt, BHXH Việt Nam được trao tặng giải thưởng về “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp”. Hội nghị dự kiến bầu Chủ tịch ASSA nhiệm kỳ 2019 – 2020, thảo luận định hướng, giải pháp hướng tới mục tiêu tiếp tục tăng cường liên kết và hợp tác chặt chẽ, hướng tới xây dựng một cộng đồng an sinh xã hội ASEAN đồng thuận và phát triển vì lợi ích của người dân, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực. Hồng Thiết

Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội triển khai công tác khảo sát đánh giá hiện trạng công nghệ thông tin trong lĩnh vực đào tạo

TĐKT - Ngày 16/9, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai công tác khảo sát đánh giá hiện trạng công nghệ thông tin trong lĩnh vực đào tạo sắp tới. Hội nghị có sự tham gia của đại diện Ban Giám hiệu, lãnh đạo các khoa, đơn vị, phòng ban chức năng trong toàn trường. Ảnh: Huy Thuyết Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS.NGND Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Trưởng phòng Quản lý - Đào tạo khẳng định: Công tác khảo sát, đánh giá hiện trạng công nghệ thông tin trong lĩnh vực đào tạo của trường là hoạt động quan trọng và cần thiết trong quá trình triển khai hệ thống tín chỉ. Việc áp dụng công nghệ thông tin vào công tác đào tạo theo hệ thống tín chỉ tại trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trong năm học 2019 - 2020 sẽ đáp ứng nhu cầu dạy và học cũng như tổ chức, quản lý sinh viên, giúp đạt hiệu quả cao, khắc phục những khó khăn phát sinh. Hội nghị cũng thông qua một số quyết định, mẫu biểu khảo sát liên quan đến công tác khảo sát hiện trạng công nghệ thông tin của nhà trường để từng bước tiến hành đánh giá hệ thống này và triển khai hoạt động đưa phần mềm quản lý hệ thống đào tạo theo tín chỉ trong giai đoạn sắp tới.  Thu Hương

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội gặp mặt tân sinh viên Khoa tiếng Trung - Nhật khóa 24

TĐKT - Sáng 16/9, Khoa tiếng Trung - Nhật, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức buổi gặp mặt tân sinh viên khóa 24. ThS. Bùi Văn Thanh, Chủ nhiệm Khoa tiếng Trung - Nhật chào mừng các tân sinh viên khóa 24. Ảnh: Huy Thuyết Phát biểu tại buổi gặp mặt, ThS. Bùi Văn Thanh, Chủ nhiệm Khoa tiếng Trung - Nhật nhiệt liệt chào mừng các tân sinh viên của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Đồng thời, chủ nhiệm Khoa cũng căn dặn các tân sinh viên cố gắng rèn luyện, không ngừng trau dồi kiến thức, nghiêm chỉnh chấp hành mọi nội quy, quy chế của trường và của khoa để đạt kết quả tốt nhất trong 4 năm học tập tại trường. Khoa tiếng Trung - Nhật là một trong 3 khoa đào tạo ngoại ngữ của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Mục tiêu đào tạo của khoa không đơn thuần là đào tạo tiếng Trung nói chung, mà là đào tạo tiếng Trung kinh doanh. Tiếng Trung kinh doanh đòi hỏi người thạo tiếng Trung phải đồng thời là người nắm vững một số kiến thức cơ bản về kinh tế - kinh doanh. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tiếng Trung và kiến thức kinh tế - kinh doanh tạo ra một sản phẩm kép: Vừa là chuyên gia tiếng Trung, vừa là nhà kinh doanh. Với hơn 10 năm xây dựng và phát triển, khoa đã gặt hái được nhiều thành công. Tới nay, khoa tiếng Trung - Nhật đã đào tạo được khoảng hơn 252 sinh viên hệ cử nhân chính quy và 1.250 sinh viên hệ du học. Nhiều sinh viên ra trường có cơ hội làm việc tại những công ty, tập đoàn lớn trong lĩnh vực kinh doanh, xuất nhập khẩu. Khoa đã có được đội ngũ giáo viên gồm 36 người, 90% là thạc sĩ được đào tạo tiếng Trung cơ bản ở Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Ngoài ra, hàng năm, khoa đều có một số giáo viên và chuyên gia tiếng Trung đến từ Trung Quốc, Đài Loan và Nhật bản tham gia giảng dạy tiếng Trung và tiếng Nhật. Trong quá trình phát triển, khoa có mối liên hệ, hợp tác chặt chẽ với các trường ở Trung Quốc và Đài Loan. Ngoài ra, có hợp tác với chuyên gia Đài Loan trong việc biên soạn giáo trình giảng dạy cho sinh viên du học Đài Loan. Để cập nhật chương trình giảng dạy cho khối chính quy, hàng năm, khoa còn tham gia biên soạn giáo trình phục vụ giảng dạy. Khoa hiện đào tạo một số chương trình: Cử nhân tiếng Trung và tiếng Nhật - Hệ chính quy (4 năm); tiếng Trung du học (Hệ 1+3; 2+2); cao đẳng tiếng Trung - Hệ chính quy (3 năm); văn bằng 2 tiếng Trung (2 năm) và các lớp tiếng Trung, tiếng Nhật ngắn hạn. Ngoài ra, khoa còn thường xuyên tổ chức các đợt sinh hoạt chuyên đề nhằm nâng cao chuyên môn cũng như phương pháp giảng dạy cho giáo viên, các lớp nâng cao về sử dụng máy tính trong giảng dạy ngoại ngữ. Hàng năm, khoa còn cử giáo viên tham gia các buổi hội thảo khoa học, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tiếng Trung tại các trường ở trong nước cũng như nước ngoài. Thu Hương

Nam Định: Trao tặng 2000 suất học bổng cho học sinh, sinh viên vượt khó hiếu học năm 2019

TĐKT - Chiều 15/9, tại TP Nam Định, Hội Khuyến học tỉnh Nam Định và các nhà tài trợ tổ chức Lễ trao tặng 2000 suất học bổng với tổng số tiền 2 tỷ 435 triệu đồng, trong đó có 1000 xe đạp (trị giá 1,1 tỷ đồng) tặng học sinh, sinh viên vượt khó, hiếu học năm 2019. Đây là năm thứ 7, Hội Khuyến học tỉnh Nam Định tổ chức trao học bổng cho học sinh các cấp trong tỉnh. Tại buổi lễ, Hội Khuyến học tỉnh Nam Định và các nhà tài trợ đã trao tặng xe đạp cho các em học sinh vượt khó, hiếu học Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh Nam Định đã khen thưởng, trao học bổng cho các em học sinh, sinh viên với trị giá gần 20 tỷ đồng. Tại các huyện, thành phố, xã, phường, dòng họ cũng thành lập các quỹ khuyến học, khuyến tài khuyến khích, hỗ trợ các em vươn lên trong học tập. Riêng Hội Khuyến học tỉnh Nam Định trong 9 tháng đầu năm 2019 đã trao 340 suất học bổng, tương đương 340 triệu đồng cho học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ; đỡ đầu 10 học sinh với số tiền 6 triệu đồng/học sinh/năm; trao 115 suất học bổng châu Á, tổng trị giá 506 triệu đồng; 59 triệu đồng học bổng Lá xanh cho 29 học sinh; trao 49 suất học bổng Vũ Đình Liệu tương đương 100 triệu đồng... Tỉnh Hội còn phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh trao học bổng Hoàng Ngân 751 triệu đồng và Hội Cựu chiến binh tỉnh trao học bổng Vòng tay đồng đội 500 triệu đồng... 1000 xe đạp lần này được trao cho học sinh nghèo vượt khó thuộc các đơn vị: TP Nam Định, các huyện: Vụ Bản, Mỹ Lộc, Xuân Trường, Hải Hậu, Giao Thủy, Ý Yên, Trực Ninh, Nam Trực, Nghĩa Hưng; Hội Người khuyết tật, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Hội Cựu Thanh niên xung phong, Hội Người mù, Hội Truyền thống Trường Sơn, Hội thiện nguyện cán bộ nữ hưu trí tỉnh. Tại buổi lễ, ông Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định khẳng định việc trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó là hoạt động ý nghĩa giúp các em vượt qua khó khăn, vươn lên học tập tốt, rèn luyện tốt. Để tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh vươn lên học giỏi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đề nghị chính quyền địa phương, hội khuyến học các cấp trong tỉnh thường xuyên quan tâm, rà soát những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để kịp thời giúp đỡ các em. Thời gian tới, các cấp hội khuyến học trên địa bàn tỉnh Nam Định cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào toàn dân tham gia xây dựng quỹ khuyến học, tổ chức nhiều hình thức vận động phong phú, sáng tạo thu hút sự quan tâm của nhân dân. Các hội khuyến học cơ sở, các dòng họ tăng cường hoạt động vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ xây dựng quỹ, phấn đấu hàng năm hội khuyến học các cấp đều tổ chức tuyên dương, khen thưởng, cấp học bổng cho học sinh… Phương Thanh    

Tích cực, chủ động loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn

TĐKT - Sáng 16/9, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo vệ tầng ô-dôn năm 2019 với chủ đề "32 năm nối tiếp hành trình bảo vệ tầng ô-dôn" và Hội thảo khởi động Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II (HPMP II). Thứ trưởng Bộ TNMT Lê Công Thành dự và phát biểu khai mạc. Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo vệ tầng ô-dôn năm 2019 Phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ TNMT Lê Công Thành cho biết: Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn (thuộc Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn) được ký kết năm 1987 tại Montreal, Canada, được đánh giá là một trong những hiệp ước quốc tế về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu thành công nhất trong lịch sử. Tháng 12/1994, Phiên họp Đại hội đồng Liên hoan quốc đã ra Nghị quyết số 49/114 lấy ngày 16/9 là Ngày Quốc tế Bảo vệ tầng ô-dôn. Hàng năm, tất cả các nước thành viên tham gia Nghị định thư Montreal đều tổ chức các hoạt động kỷ niệm trọng thể này. Kể từ đó đến nay, Ngày Quốc tế Bảo vệ tầng ô-dôn là dịp để các quốc gia trên thế giới tăng cường nhận thức và có những hành động thiết thực bảo vệ tầng ô-dôn, giữ gìn môi trường sống của nhân loại vì sự phát triển bền vững. Trong 25 năm qua, Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia thực hiện Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal, bảo vệ tầng ô-dôn và đạt được nhiều kết quả được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Thực hiện đúng lộ trình của Nghị định thư Montreal, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon và CTC từ ngày 1/1/2010; loại trừ hoàn toàn tiêu thụ HCFC-141b nguyên chất được sử dụng trong sản xuất xốp và cấm sử dụng Methyl Bromide cho các ứng dụng ngoài mục đích kiểm dịch hàng xuất khẩu từ ngày 1/1/2015, qua đó, đáp ứng nghĩa vụ loại trừ 10% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC. Hiện nay, Bộ TNMT đang triển khai Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC giai đoạn II (2018 - 2023) nhằm loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC. Dự án được triển khai thực hiện dự kiến sẽ hỗ trợ hơn 80 doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ nhằm đạt mục tiêu loại trừ tiêu thụ 1000 tấn HCFC-22 và loại trừ hoàn toàn HCFC-141b trộn sẵn trong polyol trong sản xuất xốp cách nhiệt; tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước về quản lý, loại trừ các chất HCFC; nâng cao nhận thức của các ngành người dân và các bên liên quan về loại trừ các chất HCFC ở Việt Nam. Hiệp định tài trợ giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới được chính thức ký kết ngày 7/3/2019. Thứ trưởng Bộ TNMT Lê Công Thành phát biểu khai mạc Tại Khóa họp lần thứ 28 của các bên tham gia Nghị định thư Montreal vào tháng 10/2016 diễn ra tại Kigali, Cộng hòa Ru-an-đa, các nước đã thông qua Bản sửa đổi, bổ sung Kigali để kiểm soát và loại trừ các chất HFC có xu hướng làm gia tăng sự nóng lên của khí hậu. Theo lộ trình đã được thông qua, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, sẽ ngưng tiêu thụ các chất HFC từ năm 2024 ở mức cơ sở và loại trừ dần các chất HFC, đến năm 2045 lượng tiêu thụ các chất HFC sẽ giảm 80% so với lượng tiêu thụ cơ sở. Thể hiện nỗ lực cao trong các hoạt động bảo vệ tầng ô-dôn và góp phần giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, ngày 4/9/2019, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 64/NQ-CP chính thức phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Việc phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thể hiện trách nhiệm của Việt Nam là thành viên tham gia Nghị định thư Montreal, tích cực, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sẵn sàng tăng cường hợp tác với các nước, cộng đồng quốc tế trong việc kiểm soát và loại trừ các chất HFC. Triển khai thực hiện Bản sửa đổi, bổ sung Kigali loại trừ các chất HFC ở Việt Nam sẽ giúp loại trừ hàng triệu tấn CO2 tương đương, góp phần cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo vệ tầng ô-dôn năm 2019, Bộ TNMT tổ chức Hội thảo khởi động Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II (HPMP II). Đây là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế, hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp và các bên liên quan trao đổi, thảo luận, có những ý kiến đóng góp, đề xuất sáng kiến cho công tác bảo vệ tầng ô-dôn ở Việt Nam nói chung và loại trừ các chất HCFC, HFC ở Việt Nam nói riêng theo đúng lộ trình thực hiện Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal.  Phương Thanh

Khởi động Cuộc thi Thử thách sáng tạo xã hội Việt Nam VSIC 2019

TĐKT - Ngày 12/9, tại Hà Nội, Trường Đại học Ngoại thương tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi Thử thách sáng tạo xã hội Việt Nam (VSIC) năm 2019. Cuộc thi được phát động trên quy mô toàn quốc với đơn vị thực hiện là Đội tuyển Enactus FTU Hanoi ở khu vực phía Bắc và Business Ideas Team ở khu vực phía Nam. Họp báo giới thiệu cuộc thi VSIC là cuộc thi lâu đời nhất về khởi nghiệp xã hội dành cho các bạn trẻ, nhằm cung cấp nguồn lực hỗ trợ về cố vấn, netswork và cơ hội mở rộng ra thị trường quốc tế. Với chủ đề năm 2019: “Khởi nghiệp giải quyết các vấn đề môi trường”, VSIC 2019 hy vọng sẽ tìm kiếm, hỗ trợ ươm tạo các sáng kiến khởi nghiệp tiềm năng giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường đang diễn ra nghiêm trọng hiện nay. Đồng thời, hướng đến việc truyền cảm hứng cho những người trẻ niềm đam mê khởi nghiệp và nâng cao ý thức - trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường. Cuộc thi diễn ra trong 4 tháng, gồm 4 vòng thi hấp dẫn: Vòng 1 (từ 1/9 - 21/10): Vòng đơn. Các nhóm 3 - 4 thành viên đăng ký dự thi qua đơn online. Ban tổ chức sẽ tổ chức 2 lễ khai mạc cuộc thi tại 2 miền Bắc, Nam và sự kiện talkshow bên lề để truyền cảm hứng - kiến thức cho người trẻ. Ban giám khảo chọn ra top 24 đội thi vào vòng 2. Vòng 2 (từ 22/10 - 25/11): Tổ chức Camp cung cấp kiến thức về xây dựng mô hình kinh doanh, quy trình cơ bản để xây dựng sản phẩm mẫu MVP, từ đó chọn ra top 12 toàn quốc. Vòng 3 (từ 26/11 - 8/12): Tổ chức các buổi networking, mentoring chuyên sâu để đội thi có thể hoàn thiện mô hình kinh doanh và phát triển sản phẩm. Tổ chức buổi triển lãm mở MVP Exhibition là cơ hội để đội thi thể hiện thành quả và nhận sự đóng góp từ các chuyên gia và ban giám khảo. Vòng này sẽ chọn ra top 6 toàn quốc. Vòng 4 (từ 8/11 - 22/12): Là giai đoạn nước rút để các đội chơi phát triển mô hình hoàn chỉnh nhất. 6 đội chơi xuất sắc nhất từ 2 miền sẽ tham dự chung kết toàn quốc được tổ chức ở Hà Nội, cùng nhau tranh tài để trở thành quán quân của cuộc thi và nhận nhiều giải thưởng có giá trị của chương trình. Ngoài ra, sau cuộc thi, những đội chơi xuất sắc sẽ được Ban tổ chức hỗ trợ toàn bộ chi phí để tham gia 3 cuộc thi quốc tế: Đội chơi giành quán quân sẽ được lọt vào chung kết cuộc thi Mekong Challende 2020 tổ chức tại Myanmar. Đội á quân sẽ lọt vào top 100 thế giới của “Lee Kwan Yew Global Business Plan Competition” được tổ chức tại Singapore. Đội chơi giành giải ba sẽ được tham dự Global Entreprneurship Bootcamp được tổ chức tại Malaysia. Phương Thanh

HUBT hợp tác với Tổ chức giáo dục IGlobal University (Hoa Kỳ)

TĐKT - Chiều 11/9, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) có buổi đón tiếp và làm việc với TS. David Sohn, Người sáng lập, Hiệu trưởng kiêm Giám đốc điều hành Tổ chức giáo dục IGlobal University Hoa Kỳ. Đại diện hai đơn vị chụp ảnh lưu niệm Buổi đón tiếp đại diện Tổ chức giáo dục IGlobal University Hoa Kỳ do Phó Hiệu trưởng Trần Đức Minh, Viện trưởng Viện Hợp tác quốc tế chủ trì. Về phía Viện Hợp tác quốc tế Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có: Ông Nguyễn Xuân Đậu - Phó Viện trưởng; ông Nguyễn Xuân Phúc - Phó Viện trưởng và các cán bộ, nhân viên của Viện. Trước đó, hai bên đã cùng nhau thỏa thuận hợp tác về một số lĩnh vực đào tạo là thế mạnh của hai bên. Buổi làm việc lần này không chỉ giúp hai bên thảo luận thêm những điều khoản trong biên bản hợp tác mà còn mang lại nhiều thông tin hữu ích cho sinh viên muốn học tập theo chương trình. Phó Hiệu trưởng Trần Đức Minh chủ trì buổi đón tiếp đại diện lãnh đạo Tổ chức giáo dục IGlobal University. (Ảnh: Huy Thuyết) Tại buổi đón tiếp, Phó Hiệu trưởng Trần Đức Minh đã giới thiệu với TS. David Sohn, Người sáng lập, Hiệu trưởng kiêm Giám đốc điều hành Tổ chức giáo dục IGlobal University và đoàn làm việc về lịch sử hình thành và phát triển cũng như những thế mạnh trong nghiên cứu khoa học và đào tạo của trường. Đồng thời, Phó Hiệu trưởng mong muốn hai trường tiếp tục có những hợp tác sâu rộng trong các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh. Phó Hiệu trưởng cũng khẳng định lãnh đạo nhà trường luôn khuyến khích và ủng hộ mạnh mẽ những hoạt động hợp tác của các đơn vị trong trường với các trường đại học là đối tác chiến lược và có uy tín như Tổ chức giáo dục IGlobal University. TS. David Sohn, Người sáng lập, Hiệu trưởng kiêm Giám đốc điều hành Tổ chức giáo dục IGlobal University phát biểu tại buổi đón tiếp. (Ảnh: Huy Thuyết) Phát biểu tại buổi tiếp, TS. David Sohn cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, thân tình của Ban lãnh đạo nhà trường dành cho đoàn công tác, đồng thời cũng giới thiệu đôi nét cơ bản về Tổ chức giáo dục IGlobal University và những kế hoạch trao đổi, hợp tác giữa hai trường trong thời gian tới. Theo đó, IGlobal University là một trong những tổ chức giáo dục được đánh giá có uy tín hàng đầu tại Mỹ, có trụ sở tại 8133 Leesburg Pike, #230 Vienna, VA 22182, Hoa Kỳ. Với sứ mệnh mang đến cho tất cả mọi người trên toàn thế giới một nền giáo dục chuyên nghiệp, sáng tạo và hiệu quả ở mọi lứa tuổi, bất kể giàu hay nghèo, dù là đặc quyền hay không đặc quyền, IGlobal University đã, đang khẳng định vị thế của mình trong hệ thống giáo dục đại học tại Hoa Kỳ và sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh sẵn có, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để người học nâng cao kiến thức, hoàn thiện kỹ năng thực hành thông qua các chương trình thực tập, hoàn thành mục tiêu, gặt hái nhiều thành công trong tương lai. TS. David Sohn chia sẻ: Trong những năm qua, IGlobal University đã hỗ trợ học phí, tài trợ học bổng cho nhiều sinh viên thuộc khu vực châu Á. Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đã được mời vào làm việc tại một số tập đoàn lớn, công ty danh tiếng tại Mỹ và một số quốc gia trên thế giới. Ông cũng bày tỏ mong muốn, chuyến làm việc lần này, hai bên sẽ thống nhất các kế hoạch trao đổi và hợp tác trong những lĩnh vực đào tạo. Cuối buổi đón tiếp, đoàn công tác đã đi thăm cơ sở vật chất của trường. TS. David Sohn dành nhiều lời khen tốt đẹp đối với Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Ông khẳng định rằng: Trường là một tổ chức đào tạo uy tín, có chiến lược phát triển rõ ràng, bền vững, với một hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư mạnh mẽ, vô cùng khang trang, hiện đại tại Việt Nam và số lượng sinh viên theo học đông đảo. Chính vì vậy, hợp tác với trường là một cơ hội quý báu đối với IGlobal University. Thu Hương

Bảo hiểm y tế học sinh - sinh viên đã có sự tiến bộ vượt bậc

TĐKT - Theo thống kê, thời gian qua, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế học sinh - sinh viên (BHYT HSSV) có sự phát triển ổn định, tăng dần qua các năm. Năm học 2009 - 2010 có khoảng 10,7 triệu (gần 70%) HSSV tham gia, thì đến năm 2016 cả nước có khoảng 15,9 triệu HSSV tham gia BHYT, đạt tỷ lệ hơn 92,5%; năm 2017 có hơn 16 triệu em tham gia, chiếm hơn 93% và đến năm học 2018 - 2019 đã có hơn 17 triệu (chiếm 95,3%) HSSV tham gia BHYT. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết: Việc phát triển BHYT HSSV những năm vừa qua đã có sự tiến bộ vượt bậc. Điều đó thể hiện trước hết ở nhận thức của những người làm công tác BHYT cho HSSV là cơ quan BHXH đến các cơ sở giáo dục và đặc biệt là nhận thức của các bậc phụ huynh… đã được nâng cao. Tất cả các bên liên quan đều ý thức sâu sắc BHYT là quyền lợi gắn bó thiết thực với quyền lợi trẻ em và đã không còn xuất hiện sự “lựa chọn ngược”. Chúng ta biết rằng, trước đây có những phụ huynh vì con mắc bệnh trọng, cần điều trị với chi phí lớn đã sẵn sàng bỏ tiền ra mua BHYT cho cả lớp, mục tiêu là để con mình được hưởng chế độ BHYT. Hiện nay, vấn đề này đã được khắc phục, nhận thức của cha mẹ các em đã được nâng lên, đã chủ động tham gia BHYT cho con em mình ngay từ khi còn khỏe mạnh. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn Trước đây không ít người có điều kiện khá giả không muốn tham gia BHYT HSSV, thích bỏ tiền túi để thanh toán viện phí hoặc chỉ mua BHYT thương mại, thì bây giờ tư duy đó đã thay đổi. Các gia đình đã tích cực tham gia liên tục BHYT cho HSSV do nhà nước tổ chức thực hiện. Đối với HSSV, công tác giáo dục của các nhà trường cũng nâng cao tầm hiểu biết của các em. Học sinh (HS) ngay từ bậc học phổ thông đã có ý thức về thông báo cho bố mẹ về việc tham gia BHYT HS như một trách nhiệm chia sẻ cộng đồng. Với nhà trường, các cán bộ quản lý, giáo viên cũng có sự thay đổi quan điểm về trách nhiệm phát triển BHYT HSSV trong đơn vị trường, lớp. Trước đây, nhiều người cho rằng đó là nhiệm vụ được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Sở GD&ĐT, Phòng Giáo dục giao nên chỉ “nhân tiện” những buổi họp đầu năm học thì thông tin để ai muốn tham gia thì tham gia. Khi nhận thức thay đổi, nhà trường, các thầy cô giáo đã vận động HSSV tham gia BHYT một cách bài bản hơn, có sự giải thích, thuyết phục... để yêu cầu "bắt buộc" trở thành ý thức tự giác của HS, sự đồng tình của phụ huynh. Theo quy định của pháp luật, BHYT là loại hình bảo hiểm bắt buộc toàn dân. Từ thực tế tổ chức thực hiện chính sách BHYT, quy định này nhằm bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe cho người dân đã được quy định tại Hiến pháp. Với riêng HSSV, việc bắt buộc tham gia BHYT mang ý nghĩa nhân văn rất sâu sắc,. Thông qua việc tham gia, hiểu đúng ý nghĩa của BHYT, HSSV sẽ học được cách chia sẻ, đồng cảm với những người không may gặp rủi ro về sức khỏe xung quanh, có thể đó là bạn bè, anh em gần gũi với các em. Từ đó, góp phần định hình nhân cách sống tốt đẹp của thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước: Một thế hệ không chỉ biết sống có trách nhiệm với bản thân mình mà còn sống có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn nhấn mạnh, để thực hiện tốt hơn nữa công tác BHYT HSSV, tiến tới đạt mục tiêu bao phủ 100% đối tượng này, cần phải giữ vững và tiếp tục nâng cao nhận thức của các nhà quản lý, người dân nói chung, các bậc cha mẹ nói riêng về ý thức trách nhiệm cũng như lợi ích khi tham gia BHYT. Đã đến lúc cần đưa chương trình giáo dục về an sinh xã hội nói chung, BHXH, BHYT nói riêng vào chương trình giáo dục trong nhà trường... Bên cạnh đó, phải hướng tới sự hài lòng của người bệnh, của các nhóm đối tượng tham gia BHYT khi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, trong đó có HSSV. Tại nhà trường, các cơ quan quản lý nhà nước phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy định, trong đó xác định cụ thể các điều kiện khả thi, hướng dẫn cụ thể việc tổ chức thực hiện… để nguồn kinh phí được trích từ quỹ BHYT bảo đảm tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các em trong thời gian học tập tại trường. Đồng thời, ngành BHXH cũng nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan thực hiện chính sách thông qua cải cách hành chính, chuyển mạnh sang tinh thần phục vụ; đẩy mạnh tuyên truyền qua nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức liên quan, các cơ sở giáo dục, thầy cô giáo cũng như nhận thức của các em HSSV cùng các bậc phụ huynh…, để tất cả mọi người trong xã hội hiểu rằng việc thực hiện chính sách, tham gia BHYT không chỉ là trách nhiệm đối với cá nhân mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng, với xã hội. La Giang

Họp báo Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ 9

TĐKT - Ngày 9/9, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức họp báo về Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ 9, nhiệm kỳ 2019 – 2024 và khai trương hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của MTTQ Việt Nam. Theo thông tin từ ban tổ chức, tính đến ngày 31/7, 63/63 tỉnh, thành phố hoàn thành xong Đại hội. Ban tổ chức trả lời các câu hỏi của báo chí Với chủ đề “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển”, Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 9, nhiệm kỳ 2019 - 2024 sẽ diễn ra từ ngày 18 - 20/9 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, với sự tham dự của 1.300 đại biểu, trong đó có 999 đại biểu chính thức. Trong đó, đại biểu nữ là 326 người, chiếm trên 32%. Đại biểu là người ngoài Đảng là 497 người (49,74%), đại biểu là dân tộc thiểu số là 281 người (28,13%); đại biểu các tôn giáo là 192 người (19,22%); đại biểu là người Việt Nam ở nước ngoài: 25 người (2,5%); đại biểu là các nhà doanh nghiệp: 84 người (8,45%)... 235 đại biểu là cán bộ Mặt trận chuyên trách, tương đương 23,5%. 74% đại biểu có trình độ đại học trở lên, trong đó có 18 giáo sư, 36 phó giáo sư, 84 tiến sĩ, 136 thạc sĩ… Đại biểu cao tuổi nhất là hòa Thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Hội đồng chứng minh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, 102 tuổi (sinh năm 1917). Đại biểu trẻ tuổi nhất: 21 tuổi (sinh năm 1998) là các ông, bà: Bà Lê Thị Nga, vận động viên bắn súng tỉnh Đồng Nai; ông Huỳnh Minh Phương, sinh viên K16 Khoa Luật, Chủ tịch Hội sinh viên trường Đại học Kinh tế - Luật TP Hồ Chí Minh và ông Lý Xuân Lèng, cá nhân tiêu biểu dân tộc Cờ Lao, xã Bạch Dích, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Đại hội có nhiệm vụ đánh giá toàn diện tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ 8, nhiệm kỳ 2014 – 2019, rút ra những bài học thực tiễn sâu sắc, đề ra các chương trình hành động thiết thực trong nhiệm kỳ mới. Đại hội sẽ đề ra 5 chương trình hành động Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ 9, nhiệm kỳ 2019 – 2024, gồm: Chương trình 1: Tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân; củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chương trình 2: Vận động nhân dân thi đua lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước. Chương trình 3: Thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh. Chương trình 4: Tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân; Chương trình 5: Tăng cường củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Các đại biểu ấn nút khai trương hệ thống hội nghị trực tuyến toàn quốc của MTTQ Việt Nam Dịp này, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ấn nút khai trương hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của MTTQ Việt Nam. Đây là một trong những công trình chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024. Mai Thảo

Trang