Yên Hòa: Quyết tâm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên quê hương Anh hùng
27/07/2018 - 10:27

TĐKT - Nằm ở phía Tây Nam của huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, năm 2011, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã miền núi Yên Hòa mới chỉ đạt 3/19 tiêu chí, là xã đứng trong tốp cuối của huyện Yên Mô. Nhưng phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, với tinh thần quyết tâm chính trị cao, đảng bộ và nhân dân Yên Hòa đã huy động tối đa các nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của nhà nước, lồng ghép các chương trình, dự án thực hiện xây dựng NTM.

Duy trì và giữ vững các tiêu chí đã đạt được

Đến tháng 9/2015, xã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn của xã đã có nhiều khởi sắc. Yên Hòa đang từng ngày đổi mới; cơ sở hạ tầng hoàn thiện, đồng bộ; kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

Không dừng lại và hài lòng với những kết quả đã đạt được, xác định chương trình xây dựng nông thôn mới là một chương trình lâu dài và xuyên suốt, Đảng bộ và nhân dân Yên Hòa quyết tâm tập trung giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu đưa xã trở thành một xã nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2020.

Toàn cảnh khu trung tâm xã Yên Hòa

Ông Phạm Văn Ngân, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết: Để đạt mục tiêu trên, ngay từ đầu năm 2017, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã đã tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia duy trì, giữ vững các tiêu chí đã đạt và tiếp tục huy động các nguồn lực để nâng cao chất lượng các tiêu chí theo quy định tại Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020.

Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho nhân dân, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô tập trung, đảm bảo an toàn thực phẩm, phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc thù trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, khí hậu, lao động, kỹ thuật của nhân dân, giữ gìn bảo vệ môi trường, phát huy công năng sử dụng các công trình văn hóa, thể thao trên địa bàn...

Phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập

Trên cơ sở quy hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020, yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương, UBND xã đã rà soát, bổ sung quy hoạch mở rộng diện tích lúa gieo vãi, lúa chất lượng cao; mở rộng vùng sản xuất rau rút, rau cần – ươm nuôi cá giống; chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất lúa - cá; chuyển diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả kết hợp nuôi thủy sản, xây dựng các mô hình ”ao nổi”, thâm canh các đối tượng thủy đặc sản...

Để đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp sớm đi vào cuộc sống, xã đã tập trung tuyên truyền thông qua các hội nghị, hệ thống đài truyền thanh để nhân dân biết, thực hiện. Tổ chức hội nghị đối thoại giữa chủ tịch UBND xã với hơn 200 hộ dân có mô hình kinh tế để giải đáp các thắc mắc; tổ chức cho trên 100 hộ dân đi tham quan mô hình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp tại tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng, học tập mô hình trồng chuối tây Thái Lan ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên.

Mô hình trồng chuối kết hợp nuôi cá của  ông Vũ Khắc Vượng với quy mô 2,46 ha

Mặc dù ngân sách xã còn khó khăn nhưng năm 2017 xã đã trích ngân sách 260 triệu đồng để hỗ trợ cho những hộ có mô hình chuyển đổi diện tích từ 2 ha trở lên với mức 17 triệu đồng/ha; hộ có diện tích từ 1 ha đến dưới 2 ha  mức 13 triệu đồng/ha; hỗ trợ hộ có diện tích dưới 1 ha mức 11 triệu đồng/ha để khuyến khích nhân dân tích cực mở rộng diện tích.

Sau 1 năm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã đã dần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa tập trung có quy mô lớn, đến nay tổng diện tích các mô hình kinh tế trên địa bàn xã đã đạt 133,8 ha, chiếm 27% diện tích đất nông nghiệp.

Diện tích vùng sản xuất chuyên canh rau cần, rau rút kết hợp ương nuôi cá giống khu vực Liên Trì đã mở rộng với diện tích gần 61 ha, chuyển đổi sản xuất lúa – cá với diện tích 63 ha; chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng chuối tây Thái Lan kết hợp nuôi cá với diện tích hơn 10 ha; mô hình liên kết tiêu thụ chanh, ổi, chạch sụn, chạch đồng với diện tích 1,7 ha.

Mô hình chuyên canh rau rút làng Liên Trì

Để liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm đặc sản của xã, năm 2017 xã đã thành lập ra HTX sản xuất, tiêu thụ cây con đặc sản an toàn Yên Hòa với 54 thành viên. HTX đã thực hiện ký kết hợp đồng cung ứng giống và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cá chạch sụn với 1 doanh nghiệp ở tỉnh Nam Định với giá thu mua là 80.000 đồng/kg. Dự kiến năm 2018 sản lượng tiêu thụ đạt 180 tấn, doanh thu đạt 14,4 tỷ đồng.

Đồng thời, HTX tích cực đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm rau rút – rau cần làng Liên Trì và các sản phẩm khác, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các mặt hàng sản xuất.

Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội của Yên Hòa đã có bước phát triển vững chắc; đời sống của nhân dân dân ngày càng được nâng cao. Tính đến hết năm 2017 thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt 41 triệu đồng/người/năm; giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác đạt 140 triệu đồng/ha/năm.

Cùng với tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển sản xuất, xã Yên Hòa còn tiến hành chỉnh trang toàn bộ cơ sở hạ tầng, đường làng, ngõ xóm. Hiện nay xã đã vận động nhân dân cùng góp đóng ủng hộ, trồng được 14 km đường cau các loại gồm 1000 cây cau quả và trên 500 cây cau vua. Các nhà văn hóa thôn, trung tâm vui chơi, giải trí được nâng cấp, đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp.

Ông Phạm Văn Ngân, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết: Để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong thời gian tới, Yên Hòa sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung và mở rộng các vùng sản xuất cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và nhu cầu thị trường.

Cùng với đó, đẩy mạnh mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích tụ ruộng đất, đưa các loại cây trồng, con nuôi mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Tiếp tục có những chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho nhân dân phát triển các mô hình kinh tế, từng bước hình thành các vùng chuyên canh tập trung có quy mô lớn.

Với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, sự đồng thuận giữa  “Ý Đảng – Lòng dân”, tin tưởng rằng kinh tế - xã hội của Yên Hòa sẽ ngày một phát triển; thu nhập, đời sống người dân ổn định và nâng cao, cán đích xã nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2020.

Phương Thanh