Xây dựng nông thôn mới giúp nông dân “đổi đời”
20/07/2018 - 16:29

TĐKT – “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” là một trong những phong trào trọng tâm của quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phát động thời gian qua. Việc triển khai thực hiện phong trào này đã tạo ra không khí thi đua vô cùng sôi nổi; nhận được sự hưởng ứng, đóng góp rộng khắp của các tầng lớp nhân dân trên cả nước.

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi”, phong trào ngày càng khẳng định tính hiệu quả thiết thực. Đặc biệt đối với nông dân và cộng đồng dân cư sinh sống ở khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới là cơ hội giúp họ “đổi đời”.

Làm giàu từ chăn nuôi lợn

Trước đây gia đình anh Hoàng Văn Chung cũng như nhiều gia đình khác trong thôn Phú Nhiêu, xã Phú Lương, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang luôn ở trong tình trạng sản xuất không đủ ăn, năm nào cũng thiếu ăn trong thời gian giáp hạt; ốm đau không có tiền bồi dưỡng; con cái không được ăn no, mặc đẹp để đến trường; nhà cửa tạm bợ.

Nhưng bây giờ không chỉ gia đình anh mà phần đông gia đình bà con trong làng đã có cuộc sống khấm khá hơn nhiều, người đói không còn, người nghèo cũng giảm dần, cuộc sống thấy vui vẻ, rộn ràng. Nhà nào cũng lo được cho con đến trường để học chữ. Mỗi nhà cũng tự biết cách lo đi nương rẫy sản xuất cây lúa, cây mía, trồng rừng để xóa cái đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình anh Hoàng Văn Chung

Anh Hoàng Văn Chung chia sẻ: Tất cả đó là nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới. Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và các cấp Hội nông dân đã hỗ trợ đầu tư đường bê tông mới, điện được kéo về để bà con sản xuất và sinh hoạt, xây  trường học khang trang, sạch đẹp để con em chúng tôi đi học, có trạm xá để chữa bệnh lúc ốm đau... Không chỉ vậy, các ngành các cấp của huyện, của xã đã hỗ trợ, chỉ bảo cho chúng tôi cách sản xuất, cách áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để làm ra nhiều sản phẩm; vận động dân làng chúng tôi bỏ các tập tục lạc hậu, các tệ nạn xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống văn hoá tốt đẹp của người dân tộc Cao Lan nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung.

Kể lại hành trình thoát khổ, vươn lên làm giàu của mình, anh Chung cho biết: Năm 2008, nhận thấy nhu cầu lớn của thị trường, được sự giúp đỡ của Đảng ủy, chính quyền địa phương, gia đình anh bắt đầu đầu tư vào chăn nuôi lợn.

Với diện tích đất rừng hiện có 2 ha và một chút vốn liếng, gia đình anh đã đầu tư cải tạo xây dựng trang trại chăn nuôi lợn với quy mô lúc đầu là 20 lợn nái ngoại và sáu trăm con lợn thịt/năm.

Thời gian đầu do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên việc nuôi lợn lái của gia đình anh Chung gặp nhiều khó khăn, hiệu quả mang lại chưa cao. Sau nhiều lần rút kinh nghiệm và được Hội Nông dân cho tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi việc nuôi lợn lái đã mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập ổn định.

Đến nay, anh Chung tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, hiện gia đình anh có 120 lợn nái ngoại, 2.880 lợn thịt, sản lượng ước đạt 316,8 tấn lợn hơi/ năm. Mỗi năm bình quân anh thu về 12,7 tỷ đồng, lợi nhuận là 2,7 tỷ đồng.

Với những nỗ lực của bản thân và gia đình, từ một hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn, đến nay gia đình anh Chung đã có cuộc sống sung túc về vật chất, các con anh có điều kiện học tập và đều có công việc ổn định.

Từ sự nỗ lực của bản thân, anh Chung đã vận động bà con trong thôn cùng học hỏi, xây dựng mô hình phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Nhờ vậy trong làng không còn hộ nghèo. Anh và gia đình đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang, Hội Nông dân tỉnh tặng Bằng khen, UBND xã Phú Lương tặng giấy khen.

Thành công nhờ mạnh dạn thay đổi tư duy

Phong trào xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi tư duy của nhiều nhà nông. Họ sẵn sàng đón nhận những công nghệ tiến tiến, phương thức canh tác hiện đại để nâng cao chất lượng cũng như số lượng của sản phẩm nông nghiệp.

Cách đây gần 10 năm, vì yêu những sắc hoa của xứ lạnh, anh Nguyễn Hữu Trí đã cất công từ tỉnh Bình Dương lên thôn Đa Quý, xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng để tìm hiểu cơ hội làm giàu từ những loài hoa. 

Anh  mua 1,7 ha đất ở thôn Đa Quý để canh tác. Để có kiến thức về trồng hoa, anh đã tìm gặp nhiều nông dân Đà Lạt để học hỏi kinh nghiệm thực tiễn và kỹ thuật sản xuất hiện đại.

Ban đầu, anh thử trồng, sản xuất và tiêu thụ các loại hoa ngoài trời, trong đó anh dành 0,1 ha để trồng thử nghiệm hoa lily che lưới đen. Khởi đầu khá thuận lợi bởi các loại hoa đều đạt được số lượng như mong muốn và được tiêu thụ tốt ở chợ Sài Gòn, cho thu nhập cao, ổn định.

Tỷ phú hoa Nguyễn Hữu Trí bên mô hình trồng hoa lily trong nhà kính

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, anh biết đến mô hình trồng hoa lily trong nhà kính. Đây là một loại hoa cao cấp, cho giá trị cao. Nhiều người đánh giá đây là loài hoa tiềm năng của vùng nông nghiệp Đà Lạt, có thể tạo ra bước đột phá về thu nhập cho người nông dân. Anh quyết tâm thử sức mình.

Tuy nhiên, vốn đầu tư cho mô hình trồng hoa lily trong nhà kính không nhỏ, đòi hỏi qua mỗi ngày chăm sóc phải đạt các yêu cầu khắt khe về nhiệt độ không khí, ẩm độ của đất nền và đất giá thể, cường độ ánh sáng vừa đủ, dinh dưỡng cân đối, sử dụng cửa thông gió phù hợp…

Bởi vậy, trong mấy lứa hoa lily nhà kính đầu tiên, anh Trí gặp không ít bỡ ngỡ, lúng túng và thiếu chuẩn xác trong mỗi công đoạn canh tác, dẫn đến cây bị nhiễm bệnh chết với tỷ lệ không nhỏ, năng suất thiệt hại khá nhiều.

Quyết tâm “thuần” bằng được loài hoa này, anh đã chấp nhận trả lương cao, thuê một kỹ sư nông nghiệp có nhiều kinh nghiệm thực tế trong trồng hoa lily trong các doanh nghiệp nước ngoài, cùng một nhà nông trồng hoa tay nghề cao ở Đà Lạt về “cầm tay chỉ việc” cho anh hàng ngày trên từng luống đất. Nhờ đó, hai năm sau, cơ bản anh Trí đã tự mình trồng hoa lily đạt kết quả tương đối và không còn bị thua lỗ nữa.

Tính đến nay, diện tích đất sản xuất của anh có 4 ha, chủ yếu trồng các loại như hoa lily, hoa tulip, lan hồ điệp, hoa hướng dương và hoa cẩm tú cầu. Từ nhu cầu thực tế của ngành sản xuất nông nghiệp là phải đưa ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào các khâu từ làm đất, giống, quy trình sản xuất, chế biến… gia đình anh đã đầu tư trang bị 2 máy cày, 2 máy phun thuốc, trang bị hệ thống tưới tự động, 1 nhà xưởng 200 m2 để sơ chế, đóng gói, trang bị hệ thống kho lạnh và các công cụ sản xuất khác có liên quan.

Đặc biệt, vào khu vực trồng lily trong nhà kính của gia đình anh, ai cũng ấn tượng. Cả một cánh đồng nhà kính trồng lily nhưng ở mỗi khu vực đều “số hóa” theo “nông lịch” chăm sóc khác nhau. Nếu căn nhà kính này mới xuống củ giống dưới lớp giá thể phối trộn hỗn hợp chất hữu cơ, vi sinh thì căn nhà kính cạnh bên đang nuôi dưỡng lớp vảy bọc thân cây cao gần cả mét, trên đó mọc ra từng tầng lá nhọn dài. Căn nhà kính tiếp theo đó chen chúc những “tai hoa” to phình vươn ngang, chúc xuống hoặc hướng lên trời, nổi lên đường vân màu hồng, đỏ, vàng… đang chờ ngày rực nở.

Anh Trí cho biết, sản lượng hoa cắt cành các loại đạt hàng năm là 2.500.000 cành, có tổng thu nhập 37,5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí là 23,7 tỷ đồng, lãi thu được 13,8 tỷ đồng. Gia đình đã giải quyết cho 25 lao động có việc làm ổn định hàng năm với thu nhập bình quân 6.000.000 đồng/người/tháng. Ngoài ra còn tạo việc làm cho hơn 50 lao động thời vụ vào những đợt xuống giống và thu hoạch hoa.

Mỗi năm gia đình anh tài trợ xây dựng 3 ngôi nhà Đại đoàn kết với tổng số tiền là 135 triệu đồng, tham gia tài trợ kinh phí cho các hoạt động trong khu dân cư. Hàng năm, anh cũng tài trợ 500 cuốn vở cho Chi hội khuyến học Đa Quý, tặng 30 suất quà (mỗi suất 300.000 đồng) cho các hộ cao tuổi và khó khăn trong thôn trong dịp Tết Nguyên Đán, hỗ trợ 12 bộ trang phục cho Tổ tự quản thôn Đa Quý tham gia trong công tác bảo vệ an ninh tại địa phương, tham gia tích cực trong đóng góp kinh phí duy tu, sửa chữa đình làng và các hoạt động trong khu dân cư…

Thục Anh