Vợ liệt sĩ đi đầu trong xây dựng nông thôn mới
30/07/2018 - 15:53

TĐKT – Mặc dù, tuổi cao sức yếu, hoàn cảnh gia đình cũng không mấy khá giả nhưng bà Nguyễn Thị Phước, ấp 6, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang vẫn cố gắng, tích cực tham gia và vận động bà con hàng xóm cùng chung tay với chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới.

Đi trên con đường được dải nhựa mới của xã Vĩnh Thuận Đông, rộng 3,5 mét, chạy thẳng qua cây cầu dẫn đến Trường Trung học cơ sở Vĩnh Thuận Đông, chúng tôi ai cũng vui và phấn chấn cảm nhận sự hiện hữu của nông thôn mới. Khi hỏi nhà bà Nguyễn Thị Phước (sinh năm 1937) - người ủng hộ kinh phí làm nên con đường này, bà con hai bên đường ai cũng nhiệt tình chỉ dẫn.

Một trong những người chỉ đường cho biết, trước đây, con đường này còn lầy lội, đi lại rất khó khăn, nhất là mỗi khi mùa mưa đến. Khi xã Vĩnh Thuận Đông phát động làm đường giao thông theo tiêu chí nông thôn mới, ai cũng nhiệt tình hưởng ứng, song đều lúng túng vì còn nghèo, đóng góp sẽ chẳng được bao nhiêu, không biết đến bao giờ mới đủ kinh phí làm đường.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phước đã không phân vân, do dự, không yêu cầu bồi thường, nhất trí hiến đất để Nhà nước đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường 3,5m trước nhà và mở rộng cầu, móng cầu thông thoáng bắt ngang qua Trường Trung học cơ sở Vĩnh Thuận Đông.

Từ khi đường được láng nhựa bằng phẳng, người dân rất vui mừng vì vận chuyển nông sản dễ dàng, các cháu đi học rất thuận tiện, an toàn.

Bà Nguyễn Thị Phước đứng trước cây cầu mới xây trên phần đất của gia đình

Bà Nguyễn Thị Phước cho biết, mình vốn sinh ra và lớn lên trên mảnh đất anh hùng Vĩnh Thuận Đông, có truyền thống cách mạng và chịu nhiều hy sinh mất mát trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Chồng bà tham gia cách mạng đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và đã hy sinh anh dũng trên chiến trường, được Nhà nước truy tặng liệt sĩ.

Gánh nặng gia đình đặt lên đôi vai gầy của người vợ liệt sĩ. Nhưng chưa bao giờ bà cảm thấy mệt mỏi. Ngược lại, người phụ nữ ấy luôn tự hào: Những việc làm, sự hy sinh của chồng bà và những người đã nằm xuống để đánh đổi độc lập tự do cho quê hương đất nước, là việc làm cao quý, là niềm vinh dự, tự hào của gia đình. Đó cũng là động lực để cả gia đình phấn đấu, góp công góp sức của mình vào công  cuộc đổi mới đất nước khi chiến tranh đã lùi xa.

Nông thôn mới về đến xã Vĩnh Thuận Đông mang theo bao hy vọng đổi đời cho bà con nơi đây. Sau khi nghe các anh cán bộ xã, ấp tuyên truyền, giải thích về ý nghĩa, nội dung của chương trình xây dựng nông thôn mới cũng như mục tiêu phấn đấu của xã Vĩnh Thuận Đông là sẽ về đích nông thôn mới vào cuối năm 2017, nhiều người không giấu nổi niềm hy vọng về một bức tranh nông thôn phát triển hơn, khấm khá hơn.

Bản thân bà Nguyễn Thị Phước cảm thấy rất phấn khởi. “Tôi hiểu rằng, việc xây dựng nông thôn mới là nhằm nâng cao đời sống của người dân chúng tôi và góp phần vào sự phát triển chung của địa phương. Nếu Nhà nước và nhân dân cùng làm thì chắc chắn sẽ thành công. Cho nên khi được chính quyền vận động, tôi đã không phân vân, do dự, tình nguyện hiến cho Nhà nươc gần 100 m2 đất và cây trái hoa màu để làm đường giao thông nông thôn, xây cầu tạo điều kiện để các em học sinh và người dân trong xóm ấp đi lại thuận tiện dễ dàng hơn.” – bà Phước chia sẻ.

Không chỉ gương mẫu, đi đầu trong hiến đất mở đường mà bà còn vận động nhiều bà con xóm giềng cùng tham gia đóng góp, ủng hộ tích cực cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Với 16 nội dung phần việc của bà con được chính quyền chỉ rõ trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, nội dung nào bà cũng nắm vững và thực hiện nghiêm túc.

Từ làm sạch môi trường đến mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất kết hợp cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn… người dân đều tích cực hưởng ứng. Nhờ đó, cuộc sống của người dân ở Vĩnh Thuận Đông ngày càng khởi sắc. Cuối tháng 8/2017, xã Vĩnh Thuận Đông đã vinh dự được công nhận là xã nông thôn mới.

Sống ở địa phương, bản thân bà Nguyễn Thị Phước và gia đình luôn chấp hành nghiêm chỉnh mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Là gia đình chính sách, mặc dù nhiều khoản đóng góp được miễn giảm, song bà và các con đều gương mẫu đóng góp, đồng thời tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động do địa phương phát động: Xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài, ủng hộ đồng bào vùng thiên tai, lũ lụt... Gia đình luôn có nếp sống văn hóa, nền nếp, tình làng nghĩa xóm chan hòa, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau nên được bà con làng xóm yêu mến, kính trọng.

Hưng Vũ