Tiền An: gắn xây dựng nông thôn mới với mở rộng sản xuất rau an toàn
16/08/2016 - 00:00
TĐKT –  Nhằm phát triển kinh tế địa phương, đồng thời nâng cao mức sống của người dân, nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Tiền An (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) đã tập trung chỉ đạo và khuyến khích bà con dồn điền đổi thửa, thâm canh để phát triển vùng sản xuất rau an toàn. Nhờ đó, đời sống nhân dân trong xã đã được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.

Nghề trồng rau xuất hiện ở Tiền An từ những năm 1990 với quy mô nhỏ lẻ, thu nhập không đáng kể, rau chủ yếu bán quanh địa bàn xã. Vì lợi ích trước mắt, nhiều người dân đã sử dụng các loại thuốc tăng trưởng hay thuốc bảo vệ thực vật không rõ xuất xứ, gây ra hậu quả khó lường, cho sức khoẻ con người, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt... Trước nhu cầu thực tế, xã Tiền An đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn từng bước triển khai xây dựng vùng sản xuất rau an toàn theo hướng tập trung trên địa bàn xã.

Năm 2013, từ nguồn vốn của tỉnh và thị xã Quảng Yên, xã Tiền An đã xây dựng dự án “Ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển vùng sản xuất rau an toàn thị xã Quảng Yên” với tổng đầu tư hơn 35 tỷ đồng, và dự án Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu “Rau an toàn Quảng Yên” với tổng kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng. Năm đầu tiên thực hiện dự án, diện tích rau an toàn là 52 ha, bước sang năm 2014 đã phát triển lên thành 102 ha và có 185 hộ nông dân tham gia, với 4 vùng sản xuất lớn và 63 tiểu vùng tại các xóm trên địa bàn xã. Đến nay, các vùng sản xuất rau an toàn đã và đang được triển khai đồng bộ, thực sự phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Active Image

Nông dân xã Tiền An chăm sóc rau theo quy trình, kỹ thuật rau an toàn

Ông Đàm Quốc Toản, Chủ tịch UBND xã Tiền An cho biết: để thực hiện thành công dự án sản xuất rau toàn, xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm chuyển giao công nghệ, phổ biến kiến thức sử dụng vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng rõ ràng cho bà con nhân dân. Cùng với đó, quy trình sản xuất rau được tăng cường quản lý chặt chẽ hơn trước. Mỗi người trồng rau đều được các cán bộ chuyên môn xã hướng dẫn cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, ghi nhật ký sản xuất, chăm bón rau cụ thể. Công tác vệ sinh đồng ruộng như thu gom vỏ bao bì của thuốc sau khi sử dụng cũng được nông dân thực hiện nghiêm túc và đảm bảo. Các tuyến kênh mương được nâng cấp, kiên cố hóa, trục đường giao thông nội đồng được xây mới, cứng hóa, thuận tiện cho việc sản xuất, giao thương.

Ngoài ra, xã Tiền An còn khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển rau an toàn theo hướng hàng hóa và hỗ trợ các xã, phường thành lập tổ hợp tác. Điển hình, HTX rau an toàn Tiền An nằm tại xóm Đình được thành lập từ năm 2012 là ngọn cờ đầu trong phong trào xây dựng các vùng sản xuất rau an toàn ở Quảng Yên. Hiện nay HTX có 186 hộ xã viên, với hơn 52 ha chuyên canh rau màu, bình quân thu hoạch 10 tấn/ngày. HTX có vườn lưới thực hiện việc ươm giống tại chỗ, đảm bảo cây giống tốt, không  sâu bệnh. Một mô hình tiêu biểu khác là mô hình trồng rau an toàn khép kín của Công ty cổ phần đầu tư Song Hành Quảng Ninh tại xóm Vườn Chay. Để được công nhận là rau an toàn, cơ sở sản xuất phải đáp ứng hàng chục tiêu chí từ vị trí, đất, nước, không khí khu vực trồng rau, cho đến quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản rau; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất hoá học trên cây rau... Công ty còn đầu tư xây dựng nhà lưới để trồng trọt, giúp hạn chế sâu bệnh, cỏ dại, sương giá, nắng hạn, rút ngắn thời gian sinh trưởng của rau và ít phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Hàng tháng, công ty đều gửi các mẫu rau, đất, nước… đi kiểm nghiệm.

Đến thời điểm hiện tại toàn xã đã có 684 ha gieo trồng rau an toàn, sản lượng ước đạt 12.312 tấn rau. Cơ cấu cây trồng tập trung chủ yếu vào cây rau gia vị, rau cải các loại, rau ăn quả: cà chua, đậu đỗ, bầu, bí, mướp... Rau được trồng, chăm sóc theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng loại, đúng liều, đúng lúc, đúng cách). Chất lượng được kiểm soát chặt chẽ bởi nhóm giám sát nội bộ.  Nhờ trồng rau an toàn, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã có thu nhập khá, thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Theo ước tính của xã Tiền An mỗi năm các cánh đồng rau của người dân sản xuất từ 2 - 4 vụ, trung bình mỗi hộ có thu nhập từ 100-150 triệu đồng/vụ. Rau sản xuất ra được thu mua ngay tại ruộng và xuất bán tại các trung tâm đô thị lớn của Quảng Ninh. Rau của Tiền An được cấp giấy chứng nhận “Rau an toàn Quảng Yên” và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ độc quyền.

Ông Đàm Quốc Toản cho biết: trong thời gian tới, khai thác những lợi thế của địa phương, xã sẽ tiếp tục chú trọng đẩy mạnh phát triển vùng trồng rau an toàn trở thành những vùng rau sạch. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của xã đó chính là vốn đầu tư phát triển các vùng sản xuất rau sạch. Trong sản xuất rau an toàn, không chỉ cần đảm bảo các yếu tố về phân bón, hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật mà còn phải đầu tư cơ sở hạ tầng như nhà lưới, xưởng chế biến, kênh mương nội đồng... để đảm bảo chất lượng của rau. Nhìn nhận từ thực tế khách quan cho thấy, bước đầu người nông dân đã dần tiếp cận được phương thức sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh nhưng khâu tiêu thụ, phân phối sản phẩm vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún. Do đó, hy vọng trong thời gian tới, các cấp các ngành sẽ có những giải pháp hỗ trợ hiệu quả nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm rau an toàn của xã.

Nguyệt Hà