TĐKT - Với sự linh hoạt, sáng tạo của các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố (TP), cùng sự chung tay, đồng lòng, góp sức của người dân, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở TP Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. TP vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận TP hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM ngày 21/6 vừa qua.
Tuyến đường bê-tông ở xã Ninh Phúc
Là trung chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Ninh Bình, TP Ninh Bình có 14 đơn vị hành chính trực thuộc, trong đó có 11 phường và 3 xã (Ninh Nhất, Ninh Tiến, Ninh Phúc). Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện phong trào xây dựng NTM, đến nay 3 xã đều đạt chuẩn NTM, trong đó xã Ninh Phúc đạt chuẩn NTM nâng cao.
Quá trình xây dựng NTM, TP nhận được tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt trên 1.200 tỷ đồng, trong đó nhân dân tham gia đóng góp và đầu tư xây dựng gần 314 tỷ đồng, chiếm 26% tổng nguồn lực. Với nguồn vốn này, TP đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Hiện 100% đường đô thị, tuyến đường nối trung tâm TP đến các xã đã được đầu tư nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa, không còn lầy lội vào mùa mưa. Trường học các cấp của 3 xã đều được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ I và mức độ II. 30/30 thôn của các xã có nhà văn hóa với sân thể thao phổ thông. Trên 97% nhà ở dân cư đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng.
Về sản xuất, trên địa bàn các xã đã thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Định hướng cho người dân phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao. Nhờ đó, diện tích sản xuất rau màu cho thu nhập từ 200 - 320 triệu đồng/ha/năm; diện tích sản xuất hoa cho thu nhập từ 380 - 830 triệu đồng/ha/năm.
Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ cũng phát triển mạnh. Hiện xã Ninh Nhất đã xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xã Ninh Tiến tập trung vào các lĩnh vực như: Cơ khí, dịch vụ thương mại, máy gia công… Xã có 40 đơn vị doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thu hút 700 lao động với thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/tháng.
Riêng xã NTM nâng cao Ninh Phúc có 618 hộ kinh doanh dịch vụ, với gần 1.000 lao động. Thu nhập trung bình thường xuyên từ 5,5 triệu đồng đến 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển mạnh, đúng định hướng. Nhiều hợp tác xã (HTX) đã tổ chức liên kết và cung ứng vật tư; có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; doanh thu bình quân của các HTX nông nghiệp năm 2020 đạt gần 220 triệu đồng. TP Ninh Bình hiện có 5 sản phầm OCOP đã được công nhận xếp hạng.
Nhờ các định hướng đúng về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn TP đạt 65 triệu đồng/người/năm, tăng 27 triệu đồng so với năm 2015. Trong đó, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 56 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động ở 3 xã đạt 90,3%, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn 3 xã chỉ còn chiếm 1,77 %.
Cùng với đó, mức tăng trưởng kinh tế của TP bình quân 5 năm gần đây đạt 14,1%/năm. Tổng giá trị sản xuất năm 2021 đạt trên 46 nghìn tỷ đồng; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt trên 1.051 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (công nghiệp - xây dựng chiếm trên 67%; thương mại, dịch vụ, du lịch chiếm 32%, nông nghiệp chỉ còn 0,42%).
Để phát huy kết quả đạt được, thời gian tới TP sẽ tiếp tục tập trung thực hiện quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết số 12 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII về phát triển thành phố Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Đồng thời phát huy giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa và con người TP Ninh Bình; thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, 3 xã của thành phố phát triển thành phường, phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa.
Bên cạnh đó, TP sẽ tập trung xây dựng hạ tầng kết nối, chỉnh trang các đô thị hiện hữu, các công trình có tính chất lan tỏa, tạo động lực phát triển mạnh mẽ các ngành nghề, dịch vụ; tăng cường thu hút các dự án xây dựng khu đô thị đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính... phấn đấu xây dựng và phát triển TP trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Tuệ Minh