Người dân đồng lòng cùng nhau xây dựng nông thôn mới.
Thời gian qua, chung sức xây dựng NTM đã trở thành phong trào rộng khắp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, thu hút sự tham gia của toàn xã hội với những cách làm sáng tạo. Năm 2023, tỉnh Thái Nguyên có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM; 11 xã NTM nâng cao; 4 xã NTM kiểu mẫu; huyện Đại Từ được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM, huyện Định Hóa đã trình trung ương xem xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Như vậy, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 118/126 xã NTM, đạt tỷ lệ 93,7%. Các huyện, thị cũng đặc biệt chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình xóm NTM kiểu mẫu, xóm NTM thông minh, đưa xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.
Điểm nổi bật trong phong trào xây dựng NTM của tỉnh là việc khơi dậy sức dân cùng tham gia, thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng. Người dân chủ động giám sát trong việc thực hiện các nội dung từ khâu lập kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch, nghiệm thu kết quả và sử dụng, như: Đường giao thông, nhà văn hoá, kênh mương... Từ đó, tạo động lực, sự tin tưởng để nhân dân toàn tỉnh cùng chung tay, góp sức đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM.
Toàn tỉnh đã phát động 462 cuộc ra quân hưởng ứng phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” với trên 260.870 lượt người tham gia, vận động người dân hiến trên 81,8 ha đất và tài sản trên đất, kinh phí huy động xã hội hóa đạt trên 86,4 tỷ đồng. Trong đó, đã xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo tại các địa phương.
Tiêu biểu là phong trào “Mở rộng đường xóm 6m” tại huyện Đại Từ. Ông Dương Mạnh Thắng, xã Cù Vân, huyện Đại Từ cho biết: “Tại xóm tôi, mọi người dân đều được họp bàn khi triển khai mở rộng đường 6m. Xóm thành lập tổ vận động để tuyên truyền đến người dân và được người dân đồng tình, ủng hộ”. Từ phong trào này, người dân Đại Từ đã hiến trên 33,8 ha đất và tài sản trên đất, kinh phí huy động xã hội hóa đạt trên 54 tỷ đồng…, góp phần đưa huyện cán đích NTM trước 1 năm so với kế hoạch.
Ông Trần Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: “Có được kết quả đó là nhờ có sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện. Qua tuyên truyền, giúp mọi người dân đều thấu hiểu được tầm quan trọng, ý nghĩa của việc xây dựng NTM và đích đạt được chỉ là điểm bắt đầu, từ đây duy trì và giữ vững, ngày càng nâng cao chất lượng các tiêu chí để đáp ứng, phục vụ cuộc sống của người dân."
Tại huyện Phú Lương, cán bộ và nhân dân xóm Pháng 2, xã Phú Đô, hiến trên 5.000 m2 đất; cán bộ và nhân dân xóm Thanh Đồng, xã Yên Đổ, hiến trên 4.500 m2 đất. Đáng nói, nhiều gia đình tuy điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng vẫn tự nguyện hiến đất, tài sản để đóng góp cho cộng đồng. Tiêu biểu có các gia đình: Ông Hoàng Xuân Cảnh, xã Động Đạt, hiến hơn 1.000 m2 đất; ông Lâm Minh Đức, xã Phú Đô, hiến 1.600 m2 đất; ông La Văn Đậu, xã Phú Đô, hiến trên 2.000 m2 đất...
Một số hộ không chỉ hiến đất mà còn phá dỡ tường rào và các công trình trên đất để làm đường giao thông nông thôn, như gia đình các ông: Hoàng Quốc Toản, Nguyễn Trọng Hùng, Hoàng Xuân Thanh, Đỗ Văn Hoan, ở xã Cổ Lũng; Nguyễn Xuân Trọng, xã Vô Tranh; Bùi Văn Minh, xã Vô Tranh hiến 300 m2 đất và đóng góp 50 triệu đồng...
Mục tiêu của tỉnh Thái Nguyên trong năm 2024 là có ít nhất 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 1 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM; đồng thời tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí ở các địa phương đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Tin tưởng rằng, với sự đồng thuận và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Thái Nguyên sẽ tiếp tục gặt hái được những thành tựu mới trên con đường xây dựng “những miền quê đáng sống” .
Minh Phương