TĐKT - Để phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào cuối năm nay, TP Tam Điệp (Ninh Bình) đang tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở, hoàn thiện nốt tiêu chí cuối cùng.
Sau gần 7 năm thực hiện phong trào xây dựng NTM, đến nay Tam Điệp có 4/4 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Các xã đều hoàn thành tiêu chí NTM trước thời hạn theo Đề án từ 3-4 năm. Đã có trên 93% hộ dân được lấy ý kiến hài lòng với kết quả xây dựng NTM của thành phố.
Để có được kết quả này, những năm qua Tam Điệp tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp tập trung hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế, xã hội. Các giải pháp trong xây dựng NTM được thành phố chú trọng là đẩy mạnh tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua “Làm đường giao thông nông thôn”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “5 không, 3 sạch”, “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”... Với cách làm này, Tam Điệp đã huy động được hơn 1000 tỷ đồng thực hiện xây dựng NTM, trong đó nhân dân đóng góp hơn 160 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh.
Đường giao thông ở xã Yên Sơn (TP Tam Điệp) được bê tông kiên cố
Hệ thống giao thông trên địa bàn thành phố được đầu tư nâng cấp, cải tạo đồng bộ từ thành phố cho đến xã, phường, thôn, xóm. 7 năm qua, Tam Điệp đã mở rộng, nâng cấp, cải tạo gần 12 km đường trục xã, hơn 20 km đường trục thôn. Thành phố cũng tiếp nhận và hỗ trợ gần 3.550 tấn xi măng để nâng cấp, cải tạo hơn 40 km đường liên thôn, xóm, ngõ; 1 km đường trục chính nội đồng; lát hơn 4 km vỉa hè đường trục xã.
Bên cạnh việc tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, Tam Điệp đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao thu nhập cho người dân. Thành phố đã tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa. Nhờ vậy, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiện đại, mang lại hiệu quả kinh tế cao: mô hình trồng sen kết hợp thả cá, mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, mô hình sản xuất lúa tái sinh kết hợp với nuôi cá vụ…
Đồng thời, Tam Điệp còn tích cực vận động nhân dân đưa các giống cây có giá trị như dứa cayen, lạc tiên, nhãn muộn, thanh long ruột đỏ, cây dược liệu... vào cơ cấu cây trồng vùng đồi và liên kết với các doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tiêu thụ sản phẩm. Thành phố cũng tiếp tục duy trì và phát triển 10 làng nghề trồng đào phai với diện tích 172 ha, giá trị sản phẩm đạt 190 triệu đồng/ha. Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp có mức tăng trưởng khá, sản lượng, chất lượng sản phẩm hàng năm đều tăng. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 109 triệu đồng/ha.
Nhờ những chính sách hỗ trợ sản xuất, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người của các xã đạt trên 33,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã chiếm 1,75%. Ngoài ra, chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường ngày càng được nâng cao, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và ngày càng phát triển. Môi trường sinh thái được bảo vệ. Tình hình an ninh trật tự tại địa phương được giữ vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng NTM trên địa bàn TP Tam Điệp vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế. Đặc biệt là vấn đề nợ xây dựng cơ bản tại các xã đã đạt chuẩn xây dựng NTM. Trong khi đó để thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM theo quy định phải đảm bảo các điều kiện: 100% số xã trên địa bàn thành phố đạt chuẩn theo quy định; không có nợ đọng xây dựng cơ bản; tỷ lệ hài lòng của người dân đạt trên 90%. Do vậy để được công nhận thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt của thành phố là tập trung xử lý vấn đề nợ xây dựng cơ bản tại các xã đã đạt chuẩn xây dựng NTM.
Để giải quyết thực trạng này, thành phố đã có kế hoạch huy động nguồn lực từ các nguồn khác nhau từ ngân sách Nhà nước, đấu giá quyền sử dụng đất và các nguồn huy động hợp pháp khác. Cùng với các giải pháp thanh toán nợ xây dựng cơ bản, những tháng cuối năm 2017, thành phố sẽ đẩy mạnh việc củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đã đạt chuẩn, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững.
Tùng Chi