BTĐKT - Diện mạo làng quê thay đổi, những con đường bê tông rộng rãi, những ngôi nhà khang trang mọc lên san sát, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao cả về vật chất và tinh thần, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị được rút ngắn. Đây là thành quả của sự đồng lòng, chung sức của nhân dân tạo nên những miền quê đáng sống trên quê hương Vinh Quang (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang).
Sau khi xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2016 và NTM nâng cao năm 2021, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Vinh Quang tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu xây dựng các tiêu chí xã NTM kiểu mẫu. Ban Chỉ đạo NTM của xã đã thực hiện tốt việc lồng ghép, huy động các nguồn vốn trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế với số tiền trên 87,4 tỷ đồng. Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tới nay, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM nâng cao, 3/3 tiêu chí NTM kiểu mẫu và 3/3 tiêu chí về kiểu mẫu giáo dục. Tháng 3/2025, xã vinh dự được công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Thế Giang trao quyết định xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu cho xã Vinh Quang
Thôn Phong Quang được chọn là thôn điểm xây dựng thôn kiểu mẫu của xã Vinh Quang. Ông Phan Hồi Tỉnh, Bí thư Chi bộ thôn Phong Quang cho biết, thực hiện xây dựng thôn kiểu mẫu, thôn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về xây dựng thôn mới thông minh, tiếp tục huy động sự chung tay, đóng góp của người dân trong thực hiện. Trên cơ sở đó, 100% hộ dân đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi mặt của đời sống, từ việc cài đặt tài khoản định danh điện tử mức độ 2, thanh toán không dùng tiền mặt, sổ tay điện tử VneID…. Bên cạnh đó, thôn còn lắp đặt hệ thống truyền thanh thông minh, cài đặt Wifi miễn phí tại nhà văn hóa thôn, lắp đặt Camera để giám sát an ninh, trật tự tại thôn.
Xác định mục tiêu chính của chương trình xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, xã đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo hướng hiện đại, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất.
Hiện nay, trên địa bàn xã đã xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm đối với 32,5 ha diện tích trồng gấc, 45 ha diện tích trồng dưa chuột, 5 ha vùng trồng rau VietGap và 162,1 ha diện tích trồng nhãn, trên 100 ha diện tích trồng cây ăn quả các loại như ổi, bưởi, chanh… Xã duy trì hoạt động hiệu quả của 3 Hợp tác xã Nông nghiệp và 1 tổ hợp tác trồng rau; duy trì 2 nhãn hiệu OCOP 3 sao là thịt trâu khô Tiến Quang và ốc nhồi gác bếp Nguyệt Phạm.
Ngoài sản xuất nông nghiệp, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ ở địa phương cũng phát triển. Đến nay, xã có 471 hộ sản xuất kinh doanh dịch vụ gồm: Ngành nghề thu mua, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm nông - lâm nghiệp, 16 lò đường mật, 2 xưởng chế biến sắn, sản xuất gạch không nung, phát triển dịch vụ vận tải, sửa chữa cơ khí, gò hàn, nghề đan cót...
Các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã đang tạo việc làm cho khoảng hơn 2.000 lao động, chiếm trên 30% số người trong độ tuổi lao động tại địa phương. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 xã đạt 56,4 triệu đồng/người/năm, tăng 11% so với yêu cầu thu nhập năm 2023 đối với xã NTM nâng cao.
Lớp học mầm non thôn Quang Hải, xã Vinh Quang được xây dựng khang trang
Cùng với sự hỗ trợ một phần từ ngân sách Nhà nước, xã Vinh Quang đã phát huy sức mạnh nội lực của nhân dân, khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trên địa bàn. Xác định giáo dục là lĩnh vực nổi trội, Vinh Quang tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp các hạng mục xây dựng phòng học, phòng chức năng các trường học.
Hiện nay xã có trường mầm non, tiểu học đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1; trường THCS đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2. Các phòng học đa phần đều trang bị máy chiếu hoặc tivi màn hình rộng, thuận tiện cho việc dạy học và khai thác các học liệu điện tử; các nhà trường có đủ phòng học, phòng chức năng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng tốt cho việc dạy và học của nhà trường...
Bên cạnh đó, tỷ lệ đào tạo nghề cho lao động nông thôn tăng dần theo năm, đến nay đạt 72% trong đó qua đào tạo nghề đạt 36,1%. Tỷ lệ bê tông hóa đường trục thôn và liên thôn xã là 37,56 km, đạt 100%. UBND xã đã triển khai cắm biển báo, biển chỉ dẫn giao thông; 100% các tuyến đường có khu dân cư sinh sống có hệ thống đèn chiếu sáng, bố trí xây dựng vị trí gờ giảm tốc đạt 50% tại các tuyến đường liên thôn đấu nối với quốc lộ. Duy trì hoạt động của tổ tự quản về quản lý và vệ sinh các tuyến đường thôn xóm...
Về Vinh Quang hôm nay, dễ dàng nhận thấy nơi đây đang từng ngày “thay da đổi thịt”, phồn thịnh hơn xưa. Kết quả đó là minh chứng cho những chủ trương đúng đắn, sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã. Trên hành trình mới, Vinh Quang sẽ tiếp tục phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, quyết tâm giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, hướng đến xây dựng NTM bền vững, NTM thông minh, để trở thành một vùng quê đáng sống.
Bảo Linh