Quảng Ninh: Sức bật từ Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” OCOP
10/07/2020 - 14:31

TĐKT - Bước vào xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm rất thấp, tuy nhiên, bằng sự quyết tâm của hệ thống chính trị, sự quyết liệt trong chỉ đạo, sáng tạo trong cách làm, Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, là địa phương đầu tiên trên toàn quốc có xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt, Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) được triển khai sâu rộng trên khắp các địa phương trong toàn tỉnh đã góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân vùng nông thôn.

Các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng

Tỉnh xác định tái cấu trúc ngành nông nghiệp phải bắt đầu từ việc xác định lợi thế của các địa phương, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, lựa chọn sản phẩm lợi thế, ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển theo chuỗi giá trị gắn với thị trường, cải cách hành chính, thu hút doanh nghiệp tại chỗ, doanh nghiệp ngoài địa bàn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn.

Trên cơ sở nghiên cứu, học tập kinh nghiệm phong trào Mỗi làng một sản phẩm (OVOP) của Nhật Bản và Chương trình Mỗi cộng đồng một sản phẩm (OTOP) của Thái Lan, Quảng Ninh nhận thấy đây là những chương trình phát triển kinh tế trọng tâm có thể ứng dụng và giải mã được cho các nút thắt trong phát triển nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh. Chủ thể chính là người dân có sự hợp tác bằng các mô hình tổ chức kinh tế cộng đồng như doanh nghiệp vừa và nhỏ, mô hình hợp tác xã, nhà nước làm “bà đỡ” bằng hỗ trợ chính sách, khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại.

Từ đó, tỉnh đã xây dựng, triển khai Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP) với 3 mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế ở các địa bàn xã, phường, thị trấn, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế Quảng Ninh theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Thông qua việc phát triển sản xuất tại các địa bàn nông thôn, góp phần hạn chế việc di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ ổn định xã hội nông thôn.

Sau 6 năm triển khai Chương trình, tỉnh đã thành lập được hệ thống tổ chức (Ban Chỉ đạo/Điều hành OCOP) ở cấp tỉnh và 14 huyện, thị xã, thành phố; ban hành được Bộ công cụ quản lý chương trình; thiết kế, đăng ký được nhãn hiệu sở hữu trí tuệ OCOP và đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng chứng nhận sở hữu trí tuệ để làm cơ sở bảo hộ cho toàn bộ sản phẩm, dịch vụ của chương trình. Tổ chức hội thi thiết kế nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp bao bì, đã có 46/300 tác phẩm dự thi đạt giải. Xây dựng và đưa vào hoạt động 29 trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Đặc biệt, chương trình xúc tiến thương mại OCOP được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh, một số thị trường trọng điểm trong nước (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, đồng bằng sông Hồng, khu vực Tây Bắc) và tại thị trường Trung Quốc thông qua các kỳ triển lãm, hội chợ thương mại. Riêng Hội chợ OCOP thường niên đã được tổ chức 2 kỳ tại TP Hạ Long vào dịp xuân và hè, giúp thiết lập thông tin thị trường hữu ích giữa hộ sản xuất và thị trường.

Sau 6 năm triển khai, đến nay, đã có 169 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở hộ sản xuất với 421 sản phẩm tham gia Chương trình; trong đó có 196 sản phẩm đạt từ 3 - 5 sao. Quy mô, năng lực của các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP có sự tăng trưởng nhanh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Các sản phẩm từng bước hoàn thiện, đảm bảo tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm, mẫu mã và được người tiêu dùng đón nhận.

Các sản phẩm OCOP đều nằm trong các nhóm sản phẩm lợi thế quốc gia (tôm thẻ chân trắng, thủy sản chế biến); nhóm sản phẩm lợi thế địa phương (hàu Thái Bình Dương, lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, dược liệu ba kích, trà hoa vàng…) và nhóm đặc sản vùng miền (miến dong, gạo nếp, gạo thảo dược, hoa quả, các món ăn ngon, lạ…). Một số sản phẩm được thị trường ngoài nước đón nhận như: Rượu mơ Yên Tử, ngọc trai Hạ Long, gốm sứ Quang Vinh…

Đến nay, có gần 85% sản phẩm thuộc Chương trình OCOP đã được dán tem điện tử hoặc đã có mã số, mã vạch. Việc dán tem truy suất nguồn gốc đã góp phần khẳng định uy tín, thương hiệu của sản phẩm OCOP, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng. Cùng với đó, tỉnh đã triển khai cấp quyền sử dụng nhãn hiệu OCOP-QN cho 138/138 sản phẩm OCOP (sản phẩm đạt 3 sao trở lên) của 14 địa phương trong toàn tỉnh.

Năm 2018, tổng doanh thu các sản phẩm tham gia OCOP đạt 359.041 triệu đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2017; lợi nhuận đạt 38.668 triệu đồng, tăng 10% so với cùng kỳ 2017. Tạo công ăn việc làm cho 3.532 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 5 - 9 triệu đồng/người/tháng. Hầu hết các sản phẩm đều gia tăng về doanh thu, lợi nhuận.

Từ hiệu quả của Chương trình, Trung ương đã chỉ đạo làm điểm và nhân rộng ra toàn quốc thành Chương trình Quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” trong xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đây là cơ sở để Trung ương đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 66/2006/NĐ-CP ngày 7/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.

Chương trình OCOP đã góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân vùng nông thôn, tạo sức bật mạnh mẽ cho Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đến nay, Quảng Ninh đã có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Đông Triều, Cô Tô, Cẩm Phả), có 2 đơn vị (Uông Bí, Móng Cái) đã được Hội đồng thẩm định Trung ương thông qua, đang trình Thủ tướng Chính phủ công nhận. Đến hết năm 2019 có 90/111 xã đạt chuẩn và 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Quảng Ninh là tỉnh duy nhất trong cả nước xây dựng Đề án “Nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020”.

Nhiều mục tiêu quan trọng của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được triển khai và có kết quả, một số chỉ tiêu đạt được cao hơn so với toàn quốc: Xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 81,1%; số tiêu chí bình quân đạt 18,03 tiêu chí; thu nhập của người dân khu vực nông thôn năm 2018 đạt 41,1 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh là 1%; trong năm 2018 đã có 400 hộ dân trên địa bàn tỉnh tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Diện mạo khu vực nông thôn có bước thay đổi rõ nét, cảnh quan môi trường ngày càng được cải thiện, khang trang, sạch đẹp hơn; đã hình thành nhiều tuyến đường trồng hoa, cây xanh, góp phần tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, điển hình như xã Việt Dân, An Sinh và Bình Khê thuộc thị xã Đông Triều; xã Quảng Minh - huyện Hải Hà; xã Hải Tiến - TP Móng Cái.

Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh đã đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, nông nghiệp giảm từ 7,3% năm 2010 xuống còn 5,9% năm 2018; công nghiệp giảm từ 53,4% năm 2010 xuống còn 50,3% năm 2018; dịch vụ tăng từ 39,3% năm 2010 lên 43,8% năm 2018. Tỉnh đang từng bước chuyển đổi theo hướng phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, có hàm lượng logistics, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Cách làm đồng bộ, quyết liệt, liên tục và sáng tạo của Quảng Ninh trong xây dựng nông thôn mới luôn được Trung ương, các bộ, ngành và nhiều địa phương ghi nhận, đánh giá cao, là điển hình để các địa phương khác học tập và nhân rộng.

Nguyệt Hà