Ninh Bình đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới
11/11/2021 - 14:41

TĐKT - Vượt qua khó khăn của dịch bệnh COVID-19, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh Ninh Bình thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cơ sở hạ tầng phát triển, kinh tế nông nghiệp, nông thôn tiếp tục ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của người dân tiếp tục được cải thiện.

Diện mạo nông thôn ở Ninh Bình ngày càng khởi sắc

Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh cho biết: 9 tháng đầu năm, việc tổ chức thực hiện các phong trào xây dựng NTM ở Ninh Bình có sự chỉ đạo tập trung quyết liệt, huy động nguồn lực và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, kinh tế – xã hội tỉnh tuy chịu sự tác động của dịch bệnh, thiên tai nhưng cũng có sự tăng trưởng; cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đầu tư, đời sống xã hội nông thôn ổn định.

Các địa phương đã tích cực đẩy nhanh việc thực hiện các tiêu chí đạt chuẩn NTM. Đồng thời, chú trọng đến quy hoạch chung NTM, quy hoạch phát triển sản xuất; hoàn thành việc dồn diền đổi thửa tạo nhiều cánh đồng lớn; chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả.

Tính đến tháng 10/2021, toàn tỉnh có 5/8 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 114 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí, trong đó đã có 109/119 xã (chiếm 91,6%) đã được công nhận đạt chuẩn NTM; có 1 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 9 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 165/1.355 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhận thức của cán bộ và nhân dân về xây dựng NTM được nâng cao. Qua đó, tạo sự đồng thuận và huy động được đông đảo các lực lượng tham gia xây dựng NTM.

Nổi bật là phong trào hiến đất, hiến kế, góp công, góp vật liệu làm đường giao thông nông thôn. Từ đầu năm đến nay, các xã trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận hỗ trợ gần 16.000 tấn xi măng để thực hiện bê-tông hóa 624 tuyến đường với tổng chiều dài 110,3 km. Hiện có114/119 xã đạt chuẩn tiêu chí giao thông. 100% xã đạt chuẩn yêu cầu tiêu chí thủy lợi, tiêu chí điện, tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn và thông tin và truyền thông. Trong đó 117/119 xã đạt chuẩn tiêu chí trường học, 115/119 xã đạt chuẩn tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa…

“Hầu hết các địa phương chú trọng đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, như tăng cường liên kết, xây dựng và nhân rộng các mô hình có giá trị kinh tế cao. Thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung quy mô lớn, đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ nông dân gắn sản xuất với tiêu thụ, chế biến để tăng giá trị sản phẩm; thực hiện đề án Mỗi vùng có một sản phẩm đặc trưng, chất lượng, an toàn tỉnh Ninh Bình (OCOP).” - ông Ngọc cho biết.

Đến nay toàn tỉnh đã có 26 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 21 sản phẩm hạng 4 sao, 5 sản phẩm hạng 3 sao. Số hợp tác xã (HTX) ngành hàng là 108 HTX. Tỉnh cũng có 164 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; 322 trang trại quy mô lớn; 26.400 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của phong trào, trong những tháng cuối năm, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các địa phương thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM thích ứng, linh hoạt và kiểm soát tốt dịch COVID-19. Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh sẽ tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ xây dựng NTM theo kế hoạch, mục tiêu của năm 2021 - 2022.

Bên cạnh đó, các sở, ngành, đơn vị, chủ đầu tư thực hiện tốt công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, bổ sung, lồng ghép các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới.

Việc xem xét, thẩm định các tiêu chí xây dựng NTM cần được linh hoạt đảm bảo đúng quy định và đúng thực chất, tập trung các tiêu chí về thu nhập, nâng cao đời sống của người dân, tạo sự phấn khởi, tin tường cho nhân dân và mang lại diện mạo mới cho nông thôn.

Tùng Chi