TĐKT - Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các tiêu chí đều mang tính chất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn. Tại huyện Phú Bình (Thái Nguyên), nhận thấy được tầm quan trọng của nguồn điện trong thúc đẩy phát triển toàn diện địa phương, nhất là kinh tế công nghiệp đang trên đà phát triển tại huyện, Phú Bình đã đưa ra nhiều giải pháp tích cực nhằm nâng cao tiêu chí này.
Cán bộ, nhân viên điện lực thường xuyên kiểm tra tại các trạm biến áp
Những năm trước đây, hệ thống hạ tầng lưới điện nông thôn trên địa bàn huyện được xây dựng thiếu đồng bộ, chắp vá; nguồn điện do các hợp tác xã, tổ dịch vụ điện quản lý. Phần lớn đều do nhân dân đóng góp từ trước, nguồn vốn hạn hẹp nên hầu hết không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn. Trong quá trình vận hành, sử dụng, đa số các lưới điện không được sửa chữa nên đã xuống cấp trầm trọng. Chất lượng điện không bảo đảm, có nơi điện áp cuối nguồn xuống thấp, tỷ lệ tổn thất điện năng cao.
Bởi vậy, khi bắt tay vào triển khai thực hiện tiêu chí này, huyện đã đề ra tiêu chí điện trong xây dựng xã NTM, yêu cầu mỗi địa phương phải đảm bảo đạt được 2 chỉ tiêu, gồm: Hạ tầng điện phải đảm bảo kỹ thuật theo quy định của ngành Điện; trên địa bàn phải có ít nhất 95% hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn.
Để thực hiện được mục tiêu đạt ra, Điện lực Phú Bình đã lập kế hoạch, có các giải pháp để thực hiện việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện đảm bảo theo tiêu chí NTM của 19/19 xã trên địa bàn huyện.
Sau hơn 10 năm triển khai phong trào xây dựng NTM, hạ tầng điện trên địa bàn huyện đã được quan tâm đầu tư đồng bộ. Điện lực Phú Bình đã thực hiện nhiều giải pháp để đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, an toàn lưới điện, đấu nối lại các điểm tiếp xúc, cân đối lại pha; luân chuyển máy biến áp không để non tải; tăng cường công tác quản lý vận hành lưới.
Tính từ năm 2016 đến cuối tháng 6 năm 2021, Điện lực Phú Bình đã đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện trên địa bàn huyện gồm: Đường dây trung thế 145,2 km; đường dây hạ thế 162,5 km; lắp đặt và nâng cấp 66 trạm biến áp với tổng kinh phí đầu tư trên 313 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngành Điện đã thực hiện thay thế công tơ điện tử một pha, công tơ 3 pha, thực hiện phát quang hành lang lưới điện và vệ sinh công nghiệp các trạm biến áp thường xuyên. Góp phần cung cấp điện kịp thời, ổn định, an toàn, chất lượng, đảm bảo cho sản xuất của các đơn vị, nhà máy, xí nghiệp và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn huyện.
Có thể thấy, thời gian qua, diện mạo khu vực nông thôn huyện Phú Bình đã có sự đổi mới, trong đó có sự đóng góp quan trọng của “tiêu chí số 4” về điện. Điện đã mang ánh sáng văn minh đến từng ngõ ngách, xóa dần lạc hậu, giảm sự nghèo khó trong cuộc sống thường nhật của người dân.
Hiện Phú Bình có 19/19 xã đạt chuẩn NTM, đạt 5/9 tiêu chí huyện NTM, trong đó có tiêu chí điện đã hoàn thành. Huyện đang phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2022 và cơ bản đạt tiêu chuẩn thị xã vào năm 2025.
Để đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra và phục vụ điện sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện, theo ông Nguyễn Huy Tùng, Phó Giám đốc Điện lực Phú Bình trong thời gian tới, Điện lực Phú Bình sẽ đăng ký công suất đầu nguồn với công ty điện lực, tập đoàn để xây dựng các trạm điện.
Đồng thời ngành sẽ thường xuyên kiểm tra, nắm bắt thống kê về phụ tải điện, có kế hoạch tính toán để đăng ký dự án chống quá tải, đảm bảo về phần nguồn, đảm bảo cho nhân dân có chất lượng điện tốt nhất.
Bên cạnh đó, đối với các xã có công nghiệp, bắt buộc phải xây dựng trạm 110KVA để đảm bảo cấp điện cho khu công nghiệp hoạt động không gián đoạn và thu hút đầu tư, phục vụ khách hàng...
Tùng Chi