TĐKT - Được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên đất đai và thổ nhưỡng, với 12 dân tộc mang bản sắc khác nhau, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đang đẩy mạnh phát triển du lịch. Du lịch trải nghiệm cộng đồng tại các bản đang là những thế mạnh của huyện gắn với việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương, đáp ứng nhu cầu của du khách và góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho các đồng bào dân tộc.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu trả lời phỏng vấn về vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong huyện.
Phóng viên: Xin bà cho biết vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội huyện Mộc Châu?
Bà Nguyễn Thị Hoa: Mộc Châu từ lâu đã xác định du lịch là kinh tế mũi nhọn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, BCH Đảng bộ huyện đã chỉ đạo xây dựng đề án phát triển du lịch đến năm 2025 – 2030. Mặt khác, trong những năm chưa xảy ra dịch bệnh Covid – 19, Mộc Châu đón hơn 1 triệu lượt khách/năm, tổng doanh thu để đóng góp vào KTXH là rất lớn. Từ câu chuyện phát triển du lịch, cuộc sống của người dân thay đổi rõ rệt. Các bản làng, đến những khu vực trung tâm trong huyện đã phát huy được những lợi thế của mình về tài nguyên, thiên nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai… Người dân biết được sự tương hỗ của nông nghiệp và du lịch và sản phẩm của du lịch chính là sản phẩm nông nghiệp. Nói đến Mộc Châu thì sẽ thấy sản phẩm, hoa đẹp và quả rất ngon, chất lượng cao nên chúng tôi đã tổ chức các lễ hội để tôn vinh nông dân và các sản phẩm của Mộc Châu. Ví dụ như: Hội Trà - Cao nguyên; Lễ hội Hái quả; Cuộc thi Hoa hậu Bò sữa Mộc Châu… Thăm các mô hình trải nghiệm như: Nông trại dâu tây Chimifarm; Khu du lịch sinh thái Hồng Công; điểm du lịch Mộc Sương; trang trại du lịch bò sữa Dairy Farm, làng chè Mộc Châu, vườn hoa nhiệt đới... Thông qua các hoạt động du lịch, giá trị sản phẩm được quảng bá rất nhiều, đời sống nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,8%, đây chính là thước đo quan trọng để đánh giá du lịch đóng góp rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Phóng viên: Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid đã được kiểm soát, khống chế, cuộc sống trở lại bình thường, nền kinh tế du lịch xanh trên địa bàn được thực hiện ra sao thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hoa: Khi dịch bệnh xảy ra, tất cả các mặt của đời sống xã hội đều bị ảnh hưởng, trong đó có ngành du lịch. Chúng tôi luôn động viên các doanh nghiệp củng cố cơ sở vật chất và sẵn sàng cho việc đón khách trở lại. Khi dịch bệnh Covid được khống chế thì cầu kính Bạch Long được khai trương đó là những sản phẩm mà chúng tôi chuẩn bị rất kỹ lưỡng trong thời gian diễn ra dịch bệnh. Ngoài ra, trong 2 năm qua, chúng tôi tập trung nâng cao nguồn nhân lực và đào tạo nâng cao nhận thức cho người dân trực tiếp làm du lịch. Mộc Châu có lợi thế với 12 dân tộc anh em sinh sống, bản sắc văn hóa tương hỗ cho phát triển du lịch cộng đồng. Trong thời gian dịch bệnh, chúng tôi khai thác bản người Mông và người Thái đào tạo xóa tái mù chữ và bắt tay chỉ việc. Thậm chí, ban thường vụ huyện ủy còn phải lên tận bản, ăn ngủ tại bản để hướng dẫn và góp ý cho người dân về cách phục vụ cho khách du lịch. Chính vì vậy, sau dịch bệnh chúng tôi đã sẵn sàng đón lượng khách lớn du lịch và thực tế có những thời điểm Mộc Châu đón hàng chục nghìn lượt khách 1 ngày, nhất là những dịp lễ, Tết… Chúng tôi luôn nhắc nhở các doanh nghiệp làm du lịch, tuy dịch đã được kiểm soát nhưng không được chủ quan, khi tiêm phòng, chúng tôi cũng ưu tiên cho những tuyến đầu như phục vụ du lịch, ăn uống, khách sạn, nhà nghỉ để đảm bảo yêu cầu đón khách an toàn. Vì vậy, khách đến Mộc Châu sẽ yên tâm về an ninh trật tự và y tế, môi trường, từng bước người dân có nhận thức tốt hơn trong việc làm du lịch.
Phóng viên: Xin bà cho biết định hướng phát triển du lịch hết hợp xây dựng nông thôn mới của huyện?
Bà Nguyễn Thị Hoa: Trong những năm vừa qua, chúng tôi xác định du lịch là mũi nhọn để phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Mỗi dân tộc trên địa bàn đều có bản sắc riêng. Trên cơ sở Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chúng tôi thấy kết hợp xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch cộng đồng có hiệu quả rất cao. Bản thân các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đạt được đáp ứng yêu cầu xây dựng bản làng cộng đồng. Như vậy, chúng ta có thể đạt được hai mục đích hoàn thành mục tiêu nông thôn mới và thu hút khách du lịch để nâng cao đời sống người dân.
Hiện nay, chúng tôi khuyến khích 2 bản là bản Vặt và bản Tà Số là đại diện của đồng bào dân tộc Thái và Mông. Nó là sự kết hợp hài hòa và nằm trong bản nông thôn mới, đây là sự tương đồng và hỗ trợ nhau giữa du lịch và nông thôn mới.
Để phát triển giữa du lịch và nông thôn mới cần phải nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người dân. Bản thân người dân cũng thấy đây là mô hình rất thiết thực khi mà bản làng đạt tiêu chí nông thôn mới theo quy định thì chính bản làng đó sẽ sạch đẹp hơn, gọn gàng hơn, văn minh hơn. Từ đó, sẽ kết hợp với việc đưa khách du lịch đến, người dân sẽ có thêm thu nhập thông qua các sản phẩm dịch vụ.
Phóng viên: Thưa bà, khó khăn nào trong phát triển du lịch cộng đồng mà huyện đã khắc phục và vượt qua?
Bà Nguyễn Thị Hoa: Khó khăn lớn nhất đó là nâng cao nhận thức và kỹ năng cho người dân. Chúng ta phải bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, phải bắt tay chỉ việc và tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ xã, bản. Lựa chọn hộ tiêu biểu tham gia làm đầu tàu, tập trung làm trước, khi có hiệu quả các hộ gia đình khác sẽ làm theo. Mặt khác, làm sao để họ có kỹ năng và nâng cao vệ sinh môi trường tại bản đảm bảo tiêu chí xanh, sạch, đẹp. Trên cơ sở nền tảng văn hóa ẩm thực của bà con sẵn có, chúng tôi đã đào tạo thêm nấu những món ăn hiện đại đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách. Cùng với đó là đào tạo ngoại ngữ giao tiếp cơ bản. Cho đến bây giờ, các bản đã cơ bản giao tiếp với người nước ngoài. Từ những khó khăn bước đầu, đến nay lợi ích chung của bản đã có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân và họ hăng say phát triển du lịch cộng đồng. Các hộ gia đình phối hợp với nhau, thành lập ban quản lý rác thải, mô hình mỗi hộ gia đình đều khác nhau để có thể đón đa dạng khách du lịch.
Trong phát triển du lịch cộng đồng, nếu có doanh nghiệp thực sự tâm huyết muốn đầu tư vào bản du lịch cộng đồng thì chúng tôi xác định họ phải thực hiện giữ gìn bản sắc dân tộc của người bản địa. Chính họ là những “bà đỡ” tương hỗ cho người nông dân phát triển du lịch cộng đồng.
Phóng viên: Xin cảm ơn bà!
Nhóm PV (thực hiện)