Long An đi đầu trong xây dựng Nông thôn mới
05/05/2016 - 00:00
TĐKT- Nhìn lại chặng đường 5 năm thực hiện phong trào xây dựng Nông thôn mới (NTM), Long An đã gặt hái nhiều thành quả nổi bật và là đơn vị đứng đầu Cụm Tây Nam Bộ về thành tích đạt được trong xây dựng NTM.

Phong trào xây dựng NTM được Long An triển khai đồng bộ ở 166 xã. Với các giải pháp triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt và sáng tạo, sau 5 năm triển khai thực hiện, Long An đã có 43 xã đạt chuẩn NTM và không còn xã nào đạt dưới 6 tiêu chí.

Xác định việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng NTM, Long An đã tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với trọng tâm là đầu tư phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực và có lợi thế của tỉnh như: lúa, thanh long, bắp, mè, rau, chanh thương phẩm, gia cầm, heo, bò sữa, cá nước ngọt, tôm… Mô hình cánh đồng mẫu lớn đã phát huy hiệu quả, bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ, là hạt nhân để nhân rộng và phủ kín vùng lúa chất lượng cao của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai thực hiện một số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao: Dự án phát triển giống bò sữa sử dụng tinh phân biệt giới tính; ứng dụng công nghệ san phẳng mặt ruộng bằng tia la-de; trồng rau thủy canh trong nhà lưới… đồng thời tăng cường hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất.

Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển nông nghiệp đã được triển khai áp dụng và bước đầu chọn tạo được một số giống, dòng có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện địa phương: giống lúa chịu mặn cho vùng hạ; giống cá trê vàng vùng Đồng Tháp Mười; giống lúa Huyết Rồng tại huyện Vĩnh Hưng…

Kết hợp với công tác giống và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, Long An cũng xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học, tiến tới đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm như: Sản xuất rau, dưa hấu, chanh theo tiêu chuẩn VietGAP; chăn nuôi gà Tàu theo hướng an toàn sinh học; sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP…

Active Image

Cây thanh long được người dân Long An trồng theo  tiêu chuẩn Global GAP

Việc tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất và thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đã có nhiều tác động tích cực đến khu vực nông thôn của tỉnh. Đời sống của người dân nông thôn được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 15,6 triệu đồng năm 2010 lên 31,2 triệu đồng/người/năm năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,37% năm 2011 xuống còn 2,6% năm 2015.

Song song với công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, Long An cũng chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Sau 5 năm, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở hầu hết các xã phát triển nhanh, nổi bật là hệ thống đường giao thông trục xã, trục ấp, điện sinh hoạt, trường học, cơ sở vật chất văn hóa... ngày càng hoàn thiện, tạo đà cho phát triển chung của tỉnh.

Trong đó, phát triển giao thông nông thôn được xác định là khâu đột phá, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của địa phương và được chú trọng đầu tư, người dân đồng tình và tự nguyện thực hiện. Phong trào làm đường giao thông nông thôn đã phát triển mạnh ở một số nơi như: Tân Trụ, Châu Thành, Bến Lức... Các dự án thủy lợi quan trọng trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, từng bước hình thành các vùng sản xuất lớn, chuyên canh. Song song với việc đầu tư nạo vét các tuyến kênh để dẫn nước ngọt từ Sông Tiền, rửa phèn, đẩy mặn, các huyện thuộc khu vực Đồng Tháp Mười đã tích cực vận động nhân dân đóng góp xây dựng các khu đê bao lửng để chủ động trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Sample Image

LLVT huyện Bến Lức giúp dân làm đường giao thông nông thôn tại xã An Thạnh

Ông Lê Văn Hoàng, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Long An nhận định: thành công của phong trào xây dựng NTM ở Long An có sự chỉ đạo, hướng đi đúng đắn của tỉnh, nhân tố quan trọng chính là sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân. Trong 5 năm triển khai, người dân đã tích cực hiến đất, đóng góp công lao động và tiền mặt để làm đường giao thông, kênh thủy lợi và các công trình phúc lợi xã hội. Hầu hết các công trình giao thông, thủy lợi đều được người dân hiến đất; nhiều hộ còn góp tiền mặt, công sức để xây dựng. Nhờ đó, việc giải phóng mặt bằng khá thuận lợi, rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm kinh phí rất lớn.

Hưởng ứng phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng NTM, nhiều huyện đã cụ thể hóa thành những phong trào phù hợp với thực tế cơ sở. Điển hình là phong trào “bê tông hóa” đường giao thông nông thôn của huyện Châu Thành, người dân đã đóng góp trên 82 tỷ đồng; huyện Tân Trụ thực hiện tốt phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm trong việc xây dựng đường giao thông nông thôn, trong đó nhân dân đóng góp trên 100 tỷ đồng...

Phong  trào cũng nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các doanh  nghiệp trong việc đầu tư sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Điển hình như: Doanh nghiệp tư nhân Công Bình huyện Tân Trụ, Công ty TNHH MTV lương thực Vĩnh Hưng đầu tư xây dựng cánh đồng lớn, xây dựng nhà máy xay xát, tiêu thụ lúa...

Đóng góp xây dựng NTM, có nhiều hộ tiêu biểu, điển hình ở xã Khánh Hưng (huyện Vĩnh Hưng), gia đình ông Nguyễn Lương Duyên hiến 6 ha đất, gia đình ông Nguyễn Văn Thuộc hiến 2,5 ha đất, gia đình ông Nguyễn Hữu Khanh hiến đất xây dựng Nhà văn hóa ấp diện tích 2.200 m2…

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Long An tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, phấn đấu thực hiện mục tiêu đến hết năm 2020 toàn tỉnh có trên 50% số xã đạt chuẩn NTM và có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn NTM.

Tùng Chi