Huyện Đại Từ (Thái Nguyên): Người dân giữ vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới
19/08/2024 - 15:37
BTĐKT - Với tinh thần “Dân biết - dân bàn - dân làm - dân kiểm tra”, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới. Huyện đã huy động gần 21.200 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp 323,9 tỷ đồng, để hoàn thiện 9/9 tiêu chí theo bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
 

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên chúc mừng huyện Đại Từ đạt chuẩn nông thôn mới

Năm 2011, khi mới bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, bình quân các xã trên địa bàn huyện Đại Từ chỉ đạt 3,37 tiêu chí nông thôn mới, thu nhập bình quân đạt 17,59 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo là 17,59%. Nguồn lực đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng và thực hiện các tiêu chí còn nhiều khó khăn.

Sau hơn 13 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Đại Từ đã phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế về cây chè, thương mại, dịch vụ, công nghiệp để phát triển kinh tế cho người dân và xác định xây dựng nông thôn mới để thúc đẩy phát triển kinh tế, do dân làm và phục vụ lợi ích của người dân. Qua đó, người dân đã đóng góp gần 324 tỷ đồng trong tổng số gần 21.200 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới.

Từ nguồn lực này, huyện tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, khang trang, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã của huyện được nhựa hóa và bê tông hóa; gần 97% đường trục xóm, liên xóm được cứng hóa, tạo điều kiện cho giao thương, phát triển kinh tế - xã hội; 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, trường học, nhà văn hóa, khu thể thao đạt chuẩn.

Sau thời gian ngắn, cấp ủy huyện có sáng kiến phát động phong trào “Mở rộng đường xóm 6 mét” và diện tích đất nhân dân đã hiến là hơn 435.000 m2; ước giá trị công trình, tài sản trên đất đã hiến là khoảng 77,2 tỷ đồng.

Hết năm 2023, thu nhập bình quân khu vực nông thôn trên địa bàn huyện đạt 50,3 triệu đồng/người (tăng 35,5 triệu đồng so với năm 2011); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 5,05%, 2/2 thị trấn được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh; 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 5 xã nông thôn mới nâng cao.

Để đạt được những thành công nêu trên, ông Phạm Duy Hùng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đại Từ cho biết, ngay từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, UBND tỉnh Thái Nguyên đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện do Phó Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng ban, thành viên gồm đại diện các sở, ngành của tỉnh và huyện Đại Từ. Huyện cũng ban hành Đề án xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, vạch rõ lộ trình triển khai thực hiện cho từng năm.

Bám sát nội dung đề án, Huyện ủy Đại Từ đã chỉ đạo UBND huyện xây dựng kế hoạch; Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội phát động nhiều phong trào thi đua, tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và nhân dân cùng chung sức thực hiện nhiệm vụ. Quan điểm thống nhất xuyên suốt của huyện Đại Từ là xác định người dân giữ vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, mỗi đoàn viên, hội viên gương mẫu thực hiện và vận động gia đình tích cực cùng cộng đồng dân cư tham gia.

Phát huy tính chủ động, sáng tạo, quyền dân chủ ở mỗi khu dân cư và của người dân theo tinh thần “Dân biết - dân bàn - dân làm - dân kiểm tra”, việc triển khai, thực hiện xây dựng nông thôn mới được gắn với điều kiện thực tế, cụ thể, xác định rõ thực trạng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của từng xã, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm phù hợp với từng địa bàn, địa phương.

Nhờ đó, huyện Đại Từ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 theo Quyết định số 371 của Thủ tướng Chính phủ, trước 1 năm so với kế hoạch. Đây là thành quả của sự nỗ lực không ngừng từ cả hệ thống chính trị và người dân địa phương trong việc hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới, tạo đà để địa phương tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao và trở thành thị xã trước năm 2030.

Huyện đặt ra mục tiêu có 5 xã về đích nông thôn mới nâng cao trong năm nay. Xã nào đã về đích nông thôn mới nâng cao sẽ tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện sẽ tập trung vào phát triển kết cấu hạ tầng, giao thông nông thôn; nâng cao giá trị và thu nhập của người dân; đầu tư, nâng cao giá trị sản phẩm chè, tạo ra mặt hàng nông nghiệp mũi nhọn của huyện. Cùng với đó, xác định cái tiêu chí môi trường là vô cùng quan trọng với trọng tâm kinh tế là nông nghiệp chất lượng cao và phát triển du lịch sinh thái, huyện sẽ tập trung lên kế hoạch, triển khai các giải pháp giữ gìn, bảo vệ và nâng cao yếu tố môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao…

Nhật Minh