TĐKT - Thực hiện Tiêu chí số 17 về môi trường trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), Hội Nông dân xã Thạnh Mỹ Tây (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) đã xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả mô hình “Thu gom vỏ chai, bao bì bảo vệ thực vật (BVTV)”.
Thu gom vỏ thuốc BVTV góp phần làm sạch đồng ruộng, bảo vệ môi trường sinh thái
Là một xã thuần nông, người dân chủ yếu làm nông nghiệp với diện tích sản xuất khá lớn, hơn 8.900 ha làm lúa và 3 vụ/năm. Đề phòng trừ dịch hại, nâng cao sản xuất và giá trị kinh tế, việc sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất là một tất yếu.
Ông Đặng Vũ Linh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Mỹ Tây cho biết: Hiện nay, sâu bệnh phá hại lúa ngày càng nhiều nên nhu cầu sử dụng thuốc BVTV cũng tăng theo. Tuy nhiên, nông dân vẫn còn thói quen sau khi sử dụng thuốc BVTV xong thì vỏ thuốc, chai nhựa bỏ bừa bãi ngay tại các bờ ruộng hoặc bỏ xuống ao, hồ, sông, rạch. Việc làm này để lại những hệ lụy xấu, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của chính người sử dụng và cộng đồng. Trong đó, đất và nguồn nước là những yếu tố bị ảnh hưởng trực tiếp.
Cũng theo ông Linh, nguyên nhân của vấn đề này một phần do ý thức của người nông dân trong việc bảo vệ môi trường còn hạn chế, thiếu các điểm tập trung thu gom rác thải BVTV ở các địa phương dẫn đến việc vứt rác một cách tràn lan.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, hội viên nông dân xã Thạnh Mỹ Tây cho biết: “Mỗi năm canh tác 3 vụ lúa nên lượng bao bì, vỏ chai thuốc BVTV thải ra rất nhiều. Tuy nhiên, nếu thu gom về nhà thì không bán được, chôn xuống đất thì cũng còn ở đó, do rác này khó phân hủy, còn đốt thì cháy rất lâu và mùi hôi rất khó chịu”.
Để khắc phục tình trạng đó, từ năm 2018, Hội Nông dân xã đã xây dựng và triển khai thực hiện mô hình “Thu gom vỏ chai, bao bì bảo vệ thực vật”.
Trong quá trình triển khai mô hình này, Hội đã hợp cùng chi hội nông dân các ấp, kỹ thuật viên nông nghiệp tích cực tuyên truyền, vận động, phân tích ý nghĩa của mô hình để người nông dân hiểu và tự nguyện tham gia.
Các thùng chứa được đặt ở những vị trí phù hợp, phân bố hợp lý, tạo thuận lợi cho bà con khi tiến hành pha chế, không ảnh hưởng môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, Hội cũng thường xuyên kiểm tra, phối hợp với nông dân tiêu hủy vỏ chai, bao bì thuốc BVTV, không để tồn đọng quá nhiều.
Từ khi có điểm tập kết vỏ thuốc, bao bì thuốc BVTV, được chính quyền tuyên truyền nên ý thức người dân ngày càng nâng lên; tất cả vỏ bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng xong được gom lại. Từ việc thu gom bao bì thuốc BVTV mà ý thức phun thuốc theo quy trình cũng được nâng lên.
“Sau gần 2 năm thực hiện, mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực. Điều dễ nhận thấy nhất là người nông dân đã dần hình thành thói quen thu gom các vỏ chai, bao bì thuốc BVTV sau sử dụng bỏ vào các thùng, giảm đáng kể tình trạng vứt xuống ruộng, xuống kênh mương, gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước, đất, ảnh hưởng sức khỏe.”- ông Linh chia sẻ.
Ngoài mô hình, Hội còn phối hợp với các chuyên ngành tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn trồng những giống cây có năng suất cao, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng liều lượng và đúng cách), từ đó đưa nông sản tăng cả về số lượng và chất lượng, nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập, từng bước nâng cao đời sống nông dân.
Có thể thấy, mô hình “Thu gom vỏ chai, bao bì BVTV” ở Thạnh Mỹ Tây đã phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến về nhận thức bảo vệ môi trường trong nông dân. Đây là mô hình tiêu biểu cần nhân rộng ra nhiều địa phương để góp phần đưa nền nông nghiệp phát triển hướng hiện đại, bền vững, đồng thời gắn với bảo vệ môi trường.
Tùng Chi