TĐKT - Sáng 17/11, tại Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn TP Hà Nội giai đoạn 2009 - 2016.
Hiện nay, TP Hà Nội có tổng diện tích canh tác rau 12.000 ha, phân bổ ở 22 quận, huyện, thị xã. Chủng loại rau phong phú với trên 40 loại, chủ yếu gieo trồng ở vụ đông xuân. Sản lượng rau đạt gần 600.000 tấn/năm, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô, còn lại 40% cung cấp từ các địa phương khác (Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Lào Cai, Hòa Bình...).
Các hợp tác xã rau an toàn của Hà Nội giới thiệu sản phẩm tới khách hàng
Ông Ngô Đại Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: qua 6 năm triển khai thực hiện, Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn TP Hà Nội đã đạt được những kết quả nổi bật. Đến nay, toàn thành phố có trên 5000 ha diện tích được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất rau. Rau cơ bản đảm bảo an toàn thực phẩm, chỉ 1 - 2% số mẫu kiểm nghiệm vượt giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Hiệu quả kinh tế cao, có trên 1200 ha đạt 1 tỷ đồng/ha/năm. Nông dân thay đổi tập quán canh tác và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Bao bì thuốc bảo vệ thực vật được thu gom, tiêu hủy đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan đồng ruộng.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Đề án còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Đa số các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng rau an toàn tập trung chưa phát huy hiệu quả sau đầu tư. Quản lý sản xuất rau an toàn rất khó khăn do nông dân sản xuất quy mô nhỏ, phân tán, số hộ sản xuất rau rất lớn với trên 200 nghìn hộ. Số hoạt chất và tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều và không ngừng tăng lên, làm cho nông dân khó khăn trong việc lựa chọn đúng thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó, nhân lực, điều kiện phương tiện, kinh phí cho công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm nghiệm an toàn thực phẩm chưa đáp ứng yêu cầu nên khó khăn trong việc xử lý vi phạm đối với người kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất và kinh doanh rau an toàn. Có rất ít doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh rau an toàn do lợi nhuận thấp, rủi ro cao, từ đó, người tiêu dùng khó mua được rau an toàn. Người sản xuất chưa bán được rau an toàn theo đúng giá trị do người tiêu dùng không thể phân biệt được rau an toàn với rau không an toàn…
Để Đề án tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới, tại Hội nghị, các đại biểu đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định quy định về kiểm soát nguồn gốc xuất xứ rau lưu thông, thương mại trên thị trường; ban hành chính sách đặc thù cho Hà Nội hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp phát triển hệ thống cửa hàng, điểm bán lẻ rau an toàn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm sửa đổi những bất cập của chứng nhận VietGap, ban hành quy định về sản xuất và kinh doanh rau hữu cơ. Đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo UBND cấp huyện, xã tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm; phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn truy xuất nguồn gốc đến hộ; tăng cương hỗ trợ, đào tạo nông dân; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội như chợ đầu mối, chợ bán buôn, chợ bán lẻ, bố trí điểm bán hàng, hỗ trợ thuê cửa hàng rau an toàn…
Bình Nguyên