TĐKT - Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), nông thôn An Giang đã “khoác chiếc áo mới” với cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, chất lượng, giáo dục, y tế hiện đại, mang lại sự hài lòng cho nhân dân.
Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị, khi triển khai thực hiện, An Giang đã chọn giải pháp tối ưu, phù hợp với điều kiện xuất phát điểm của địa phương.
Cùng với cả nước, An Giang bắt tay vào xây dựng NTM từ năm 2010. Là tỉnh có xuất phát điểm thấp, nhưng với tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng của cả hệ thống chính trị, tỉnh đã thành công trong xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 và trở thành một trong hai tỉnh dẫn đầu (An Giang, Hậu Giang) phong trào xây dựng NTM khu vực đồng bằng sông Cửu Long với nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo.
Những tuyến đường hoa ở An Giang
Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang: Để triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào, An Giang đã chọn xã điểm, huyện điểm để chỉ đạo thực hiện, rồi rút kinh nghiệm và nhân rộng cho các địa phương khác.
Cũng trong quá trình xây dựng NTM, tỉnh tập trung phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghệ cao, nhằm nâng cao thu nhập, tạo sự ổn định khu vực nông thôn.
Một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị như “Cánh đồng lớn”, chuỗi giá trị, rau màu, thủy sản… mang lại nhiều hiệu quả tích cực, giá trị sản xuất nông nghiệp không ngừng nâng lên. Từ đó, tạo điều kiện nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Thực hiện cánh đồng lớn giai đoạn 2010 - 2019, có khoảng 6 - 10% sản lượng lúa và các loại nông sản chủ lực khác của An Giang được các doanh nghiệp và các tổ chức đại diện của nông dân thực hiện liên kết tiêu thụ thông qua hợp đồng.
Mỗi năm trung bình có khoảng 20 doanh nghiệp tham gia ký hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản với nông dân. Riêng năm 2019, tỉnh thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với diện tích 40.244 ha đạt khoảng 6% diện tích gieo trồng cả tỉnh.
Bên cạnh đó, các chuỗi giá trị lúa gạo, rau màu và thủy sản cũng hình thành và phát triển cùng với các hình thức liên kết sản xuất, góp phần ổn định lĩnh vực nuôi và chế biến thủy sản, đưa mô hình “cánh đồng lớn” đi vào thực chất.
Sản xuất trồng trọt cũng đã có sự chuyển dịch rõ nét, chuyển từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như xoài, các loại cây ăn trái khác. Diện tích gieo trồng lúa năm 2013 từ hơn 641.000 ha, đến năm 2019 giảm còn khoảng 620.000 ha.
Trong giai đoạn 2010 - 2019, tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình xây dựng NTM tại An Giang gần 14.800 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là hơn 2.800 tỷ đồng, chiếm 18,99%. Với nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ, An Giang đã và đang triển khai thi công 677 danh mục công trình, chủ yếu là xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tính đến tháng 3/2020, An Giang đã có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng NTM; trong đó có 1 huyện NTM (huyện Thoại Sơn), 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (TP Châu Đốc và TP Long Xuyên) được Thủ tướng Chính phủ công nhận.
Hiện tỉnh có 61/119 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 51,26%), tăng 48 xã so với giai đoạn (2011 – 2015) và hoàn thành sớm hơn 1 năm so với lộ trình; 6 xã đạt 15 - 18 tiêu chí; 48 xã đạt 10 - 14 tiêu chí, 4 xã đạt 9 tiêu chí; không còn xã dưới 9 tiêu chí.
Nhờ các chính sách đột phá, đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đạt gần 42 triệu đồng (tăng gấp 3 lần so với năm 2010). Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, đến đầu năm 2020, An Giang còn 14.170 hộ nghèo (chiếm 2,63%); hộ cận nghèo có 29.414 hộ (chiếm 5,45%); hộ nghèo người dân tộc thiểu số là 3.318 hộ (chiếm 12,21%/tổng số hộ dân tộc thiểu số).
Cuối năm 2020, An Giang phấn đấu có 14 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu có thêm 28 xã đạt chuẩn NTM; có thêm 2 huyện (huyện Chợ Mới và Châu Thành) đạt chuẩn NTM; có ít nhất 3 xã/huyện phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao; 75% các ấp trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới đạt chuẩn Bộ tiêu chí “Ấp NTM”. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn của các xã NTM đạt 65 triệu đồng/người/năm; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều bình quân 0,5%/năm…
Tuệ Minh