TĐKT - Ngày 22/11, Đoàn Giám sát của Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương do đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ III làm Trưởng đoàn đã giám sát việc triển khai thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025 tại tỉnh Đắk Lắk.
Đoàn Giám sát đã làm việc với Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk và khảo sát mô hình HTX nông nghiệp và dịch vụ Tân Phát.
Đoàn Giám sát làm việc với Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, đến tháng 9/2022, toàn tỉnh có 71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 14 xã đạt 17 - 18 tiêu chí; 11 xã đạt 15 - 16 tiêu chí; 20 xã đạt 13 - 14 tiêu chí; 33 xã đạt 10 - 12 tiêu chí, 3 xã đạt 8 - 9 tiêu chí. Tỉnh có TP Buôn Ma Thuột hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; xã Hòa Thuận, thành phố Buôn Ma Thuột đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, thu hút người dân hăng say, nhiệt huyết tham gia đóng góp sức người, sức của để xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước, đã chuyển sang chủ động, xác định rõ lợi ích và trách nhiệm của mình với cộng đồng, xác định được vai trò chủ thể của cộng đồng tự lựa chọn công trình, phần việc thiết thực, phù hợp để xây dựng nông thôn mới tại địa phương, Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng, hướng dẫn và hỗ trợ.
Công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến từ phong trào thi đua yêu nước được quan tâm thực hiện và có nhiều đổi mới, nhiều gương điển hình thật sự tạo sức lan tỏa trong đời sống xã hội.
Bộ tiêu chí xã nông thôn mới của tỉnh đã được ban hành kịp thời; hệ thống cơ chế, chính sách để vận hành Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được xây dựng cơ bản. Tỉnh đã chủ động ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện của địa phương. Cơ chế trao quyền tự quyết cho cộng đồng (thôn, xã) đã phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của các địa phương, sự tham gia của người dân, tạo nên sức mạnh to lớn của toàn xã hội thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Khảo sát mô hình HTX nông nghiệp và dịch vụ Tân Phát
Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến; việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã được nhiều địa phương chỉ đạo thực hiện; mô hình hợp tác xã kiểu mới đã hình thành ở hầu khắp các xã, trong đó, nhiều hợp tác xã đã tham gia vào chuỗi liên kết phát triển sản xuất, góp phần tích cực nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của số lượng lớn dân cư nông thôn.
Vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở các cấp được phát huy, dân chủ ở nông thôn được nâng lên về chất. Ở những nơi xây dựng nông thôn mới thành công, niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước được nâng cao; nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư ngày càng gắn bó, sâu sắc hơn.
Đội ngũ cán bộ vận hành Chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở đã có tiến bộ rõ rệt, nhận thức đầy đủ hơn và chỉ đạo có hiệu quả hơn, nhất là trong việc xây dựng dự án, kế hoạch, vận động quần chúng và tổ chức, thực hiện dự án, thực hành dân chủ ở nông thôn. Có cơ chế chính sách để tổ chức thực hiện và động viên khen thưởng kịp thời, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của tỉnh.
Nguyệt Hà