TĐKT - Là một xã nghèo thuộc huyện Hớn Quản (Bình Phước), đời sống còn nhiều khó khăn, song với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhân dân xã An Khương đã tích cực đóng góp của cải, ngày công lao động để thực hiện bê tông hóa giao thông nông thôn và đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Khi mới bắt tay vào triển khai phong trào xây dựng NTM, xã gặp rất nhiều khó khăn. Những bỡ ngỡ, vướng mắc trong quá trình thực hiện là điều không thể tránh khỏi, nhất là trong tuyên truyền, vận động bà con hiểu được mình chính là chủ thể góp phần hoàn thành các tiêu chí, đồng thời chính nhân dân là người được hưởng lợi từ chủ trương lớn đó.
Xã đã huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở hội nghị truyền thông, lồng ghép vào các cuộc họp, đa dạng các hình thức vận động... Nhờ đó, người dân trong xã đều hiểu được ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM và đồng thuận, nhất trí cao.
Con đường của tổ dân tổ 3, ấp 7 đã được bê tông hóa rộng rãi, sạch, đẹp
Đến nay, gần 100% hộ gia đình đồng ý hiến đất vườn, đất lâm nghiệp để xây dựng các con đường liên ấp, nội ấp khi có yêu cầu của chính quyền. Người dân xã đã hiến 11.500 m2 đất, 329 cây trồng các loại, gần 500 ngày công, hơn 200 triệu đồng. Xã đã làm mới 7 km đường nhựa và bê tông tại các ấp 1, 2, 3, 7 với kinh phí gần 11 tỷ đồng, trong đó huy động nguồn lực từ nhân dân hơn 1 tỷ đồng.
Điển hình trong hiến đất, làm đường giao thông là nhân dân ấp 7. Người dân trong ấp đã đóng góp mỗi gia đình 2 triệu đồng để san ủi mặt bằng và đóng góp công để làm đường.
Ông Bùi Duy Dũng, Chủ tịch UBND xã An Khương cho biết: Việc làm đường bê tông được chính quyền xã linh hoạt trong thi công. Đường của khu dân cư nào, giao cho người dân nơi đó đảm nhiệm. Việc giao khoán như vậy đã tiết kiệm được ít nhất 50 triệu đồng/km so với thuê nhà thầu. Số tiền tiết kiệm được, ấp đầu tư mua thêm vật liệu để tăng độ bền công trình.
Khi thực hiện thí điểm một tuyến đường dài 1,1 km ở tổ 3 (ấp 7), xã được tỉnh hỗ trợ 14 tấn xi măng, huyện đối ứng cát, đá với tổng kinh phí 470 triệu đồng, còn lại người dân đóng góp 90 triệu đồng (1,5 triệu đồng/hộ) để giải phóng mặt bằng, đào mương thoát nước và trực tiếp thi công công trình.
Để thực hiện tuyến đường này, Ban điều hành ấp 7 đã thành lập một tổ gồm 12 người, phối hợp cùng cán bộ mặt trận giám sát công trình. Các hộ dân được chia thành 6 nhóm, mỗi nhóm từ 9 đến 10 người luân phiên nhau thi công. Sau gần 2 tháng thực hiện, tuyến đường đã hoàn thành, người dân rất phấn khởi.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng giao thông nông thôn theo cơ chế đặc thù ở An Khương còn nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công trình. Đó là khi huyện không có khả năng đối ứng đá, cát; các tuyến đường nông thôn có nền đất yếu, không đảm bảo; dân cư sinh sống không tập trung... dẫn đến người dân phải đóng góp cả tiền và ngày công làm đường.
Đồng thời, theo ông Dũng, Quyết định 679/QĐ-UBND giao dự toán chưa phù hợp. Bởi địa hình của xã có nhiều sông, suối nên phát sinh cống và mương thoát nước hai bên đường nhiều, trong khi người dân không có kỹ thuật và kinh phí để làm. Vừa qua, hai tuyến đường của tổ 3 (ấp 7) có 4 cống thoát nước, UBND xã phải trích 10 triệu đồng từ vốn nhân dân đóng góp làm NTM để thuê người làm. Với mương thoát nước thì người dân phải tự đóng góp thuê máy múc.
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng với quyết tâm, sự đồng thuận, đoàn kết của cán bộ và người dân nơi đây, tin rằng An Khương sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đề ra.
Tùng Chi