TĐKT - Không chỉ là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân tộc Cao Lan, nhiều năm trở lại đây, chè xanh đã trở thành cây trồng chủ lực để bà con bản Ven, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế, Bắc Giang phát triển kinh tế.
Chè xanh bản Ven là cây trồng chủ lực để đồng bào Cao Lan phát triển kinh tế
Nghề trồng chè xanh ở bản Ven đã được đồng bào người Cao Lan duy trì hàng trăm năm nay, nhưng nó mới thực sự được chú ý khoảng những năm 1980 trở lại đây. Khác với nhiều nơi, chè bản Ven lá to, búp xanh hơn. Nước pha xong có màu xanh, vị đậm và hương thơm dịu nhẹ như hội tụ tinh túy của đất trời. Để búp chè mềm mại, xoăn chặt, chín đều, không bị gãy, bà con sao, vò cẩn thận để cánh chè cứng chắc. Bí quyết làm chè của người Cao Lan ở bản Ven là khi chè đã nguội thì rải xuống nền đất đã được làm sạch chừng 1 giờ để lấy hương “âm”, đóng bảo quản trong thùng xốp một tuần rồi mới đưa ra đóng gói sản phẩm.
Hầu hết các hộ trong bản Ven đều trồng chè. Hộ nhiều trồng từ 1 - 2 mẫu, hộ ít cũng vài sào. Mỗi năm sản lượng bình quân từ 6 - 8 tấn/ha, thu lãi khoảng 10 - 15 triệu đồng/tháng/hộ.
Niềm vui đến với đồng bào dân tộc nơi đây khi Hợp tác xã Thân Trường ra đời, đã liên kết sản xuất chè xanh theo tiêu chuẩn Vietgap đồng thời xây dựng thành công nhãn hiệu sản phẩm “Chè xanh bản Ven”, được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận vào cuối năm 2014.
HTX có 16 hộ thành viên, trong đó có 70% là người dân tộc thiểu số. Hiện nay, trên địa bàn HTX có 30 ha trồng chè, trong đó, có 15 ha diện tích sản xuất chè VietGAP. Vừa liên kết sản xuất, chế biến chè xanh, HTX còn mở rộng phát triển du lịch trải nghiệm tại khu vực vùng nguyên liệu chè xanh bản Ven, xã Xuân Lương. Cây chè đang mang lại cho HTX tổng doanh thu 7,2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận sau thuế đạt 100 triệu đồng/năm, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn với thu nhập ổn định từ 5.000.000 đồng/tháng.
Mô hình trồng chè sạch thu hút nhiều đoàn về tham quan, học tập
Theo ông Ngô Văn Điệp, Giám đốc HTX Thân Trường, để có được sản phẩm chè sạch, an toàn, chiếm được cảm tình của người tiêu dùng, HTX tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến. Căn cứ vào số hộ tự nguyện tham gia, HTX lựa chọn những diện tích đất đạt tiêu chuẩn trồng chè; nhắc nhở các hộ ghi nhật ký theo dõi quá trình sinh trưởng của cây, hướng dẫn sử dụng phân bón, chế phẩm sinh học đúng khuyến cáo. Khi thu hái, có cán bộ chuyên môn hướng dẫn trực tiếp. Các hộ tham gia liên kết phải ký cam kết thực hiện tốt các nguyên tắc từ khâu chăm sóc, bón phân, sử dụng phun thuốc các loại và thu hái theo tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng và sự phát triển của cây chè. HTX thu mua chè của bà con với giá cao hơn thị trường khoảng 5 đến 10%, đồng thời phân lô, số mã hiệu cho các hộ làm cơ sở để đánh giá chất lượng sản phẩm chè.
“Nhờ chè mà hết nghèo” – cụm từ ấy thường được người Cao Lan ở bản Ven nói mỗi khi có dịp ngồi hàn huyên, chuyện trò. Là hộ gia đình có kinh nghiệm trồng chè 40 năm nay, ông Hoàng Văn Hà (bản Ven, xã Xuân Lương) cho biết: Trước khi tham gia mô hình liên kết với HTX Xuân Trường, bình quân thu nhập từ trồng chè của gia đình chỉ đạt 4 - 6 triệu đồng/tháng, sản lượng đạt 1 - 1,5 tạ chè khô/tháng. Từ khi tham gia vào mô hình liên kết HTX, thu nhập và sản lượng chè tăng lên rất nhiều, hiện tại thu nhập bình quân hàng tháng khoảng 20 triệu đồng. Sản lượng tăng gấp 3 lần so với trước khi chưa tham gia.
Khác với nhiều nơi, chè bản Ven lá to, búp xanh hơn
“Cây chè đã giúp nâng cao đời sống kinh tế của gia đình, tạo được việc làm ổn định cho mọi người, chúng tôi không phải đi làm xa quê nữa. Cũng nhờ đó, chúng tôi đã xây được nhà mới, mua được các trang thiết bị máy móc phục vụ cho sản xuất và cho sinh hoạt gia đình, nuôi được các con ăn học đầy đủ…” – ông Hoàng Văn Hà hồ hởi chia sẻ.
Nhằm mở rộng quy mô sản xuất HTX Thân Trường đã xây dựng trụ sở, nhà xưởng với tổng diện là 800 m2, đủ điều kiện để sản xuất và chế biến sản phẩm chè với công suất khoảng 1 tấn chè búp tươi/ngày.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, HTX đã tiến hành đa dạng các mẫu mã sản phẩm. Ngoài sản phẩm truyền thống có nước xanh, vị đậm, hương thơm tự nhiên, HTX cũng sản xuất ra sản phẩm khi hãm nước có màu xanh vàng như màu mật ong, vị đậm, thoảng hương cốm nhẹ. Sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng bởi được bao gói đẹp, đúng quy chuẩn.
Trung thành với cam kết “3 không” (không sử dụng chất bảo quản; không sử dụng chất hóa học; nước chè luôn giữ màu xanh và không đổi màu), sản phẩm “Chè xanh bản Ven” đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng người tiêu dùng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước: Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh...
Bản Ven hôm nay hiện lên đẹp như một bức tranh với màu xanh ngắt của chè phủ kín các sườn đồi, trải dài khắp con đường dẫn vào bản. Màu xanh trù phú mang đến niềm tin và hy vọng, hứa hẹn cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào Cao Lan nơi đây.
Phương Thanh