Cần nhân rộng mô hình Hợp tác xã nông nghiệp thôn Đoài
28/04/2017 - 00:00

TĐKT - Nhờ sản xuất tập trung, đúng thời vụ, canh tác theo quy trình đảm bảo nên những sản phẩm rau an toàn của các xã viên hợp tác xã thôn Đoài (xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) đã dần khẳng định thương hiệu trên thị trường, giúp xã viên có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Chúng tôi có dịp gặp Giám đốc hợp tác xã chuyên sản xuất rau củ quả thôn Đoài Đỗ Chí Sơn tại Hội chợ nông sản, tiểu thủ công nghiệp các hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã và doanh nghiệp Việt Nam lần thứ nhất do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức tại Hà Nội từ ngày 18 - 21/4/2017, ông Sơn khoe, mới chưa đầy một ngày trưng bày nhưng hơn 10 loại sản phẩm của hợp tác xã đã tiêu thụ gần hết. Đó là những tín hiệu khả quan để thời gian tới hợp tác xã tiếp tục đăng ký tham gia giới thiệu sản phẩm sạch đến người tiêu dùng Thủ đô tại những hội chợ lớn hơn.

Vừa giới thiệu cho khách hàng những sản phẩm của các xã viên hợp tác xã, ông Đỗ Chí Sơn vừa cho biết: Tam Giang vốn là vùng đất phù sa ven sông Cầu màu mỡ, giúp người dân phát triển nghề canh tác rau màu. Bản thân ông Sơn từ khi rời quân ngũ trở về địa phương đã gắn bó với nghề trồng hoa màu. Khi nhận thấy việc trồng rau manh mún không mang lại hiệu quả, cùng lúc đó tỉnh có chính sách khuyến khích các hộ dân tham gia vào hợp tác xã để cùng liên kết lại trồng rau quả sạch, ông cùng với 6 hộ gia đình trong thôn thành lập hợp tác xã thôn Đoài sản xuất rau sạch.

Active Image

Giám đốc hợp tác xã thôn Đoài Đỗ Chí Sơn (ở giữa) cùng các xã viên giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp sạch cho người dân tham gia hội chợ

“Làm bất cứ công việc gì cũng vậy, thời gian đầu đều gặp những khó khăn, bản thân mỗi người phải tự mày mò, tìm tòi vượt qua những khó khăn để khẳng định bản thân mình với sự phát triển chung của xã hội.”- ông Sơn nhấn mạnh.

 Để có đất sản xuất, ông cùng các hộ dân đã đấu thầu, thuê lại vùng đất bỏ hoang, chưa khai phá nằm cách xa nhà máy và khu dân cư. Ngay khi có đất, các thành viên của hợp tác xã đã làm đơn xin xét nghiệm mẫu đất, nước để chuẩn bị cho mô hình canh tác rau an toàn. Cùng với những nỗ lực của các thành viên, Trung tâm Khuyến nông huyện và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh quan tâm hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, sau gần 3 tháng triển khai, các hội viên đã yên tâm sản xuất.

Năm 2014, sau khi được phép triển khai mô hình trồng rau an toàn, ông Sơn và các thành viên bắt đầu mở rộng thêm diện tích đất và trồng thêm nhiều loại rau quả: bí xanh, cà chua, rau cải và dưa chuột. Nhờ kinh nghiệm canh tác lâu năm của các thành viên, ngay trong vụ đầu tiên, một sào bí của hợp tác xã thu về gần 1,8 tấn bí.

 Để phát triển mô hình chuyên canh rau sạch, hợp tác xã đã đầu tư đường điện, đào giếng, làm đường ống để dẫn nước vào từng thửa rau.

 Dưới sự hỗ trợ của trung tâm khuyến nông, các thành viên được tham gia các lớp quy trình sản xuất rau an toàn và nhận chứng chỉ; hội viên cũng được tham quan các mô hình trồng rau an toàn tại nhiều tỉnh, thành lân cận. Được sự hỗ trợ vốn của tỉnh Bắc Ninh, mỗi hộ gia đình tham gia hợp tác xã còn được hỗ trợ thêm 15 triệu đồng để đầu tư sản xuất, nhờ vậy hội viên đã yên tâm thực hiện phương thức sản xuất mới. Mặt khác, hợp tác xã cũng có chế độ thưởng riêng, khuyến khích các hộ dân trong việc trồng, chăm sóc tốt các giống rau, củ, quả trên thửa ruộng của mình.

Là Giám đốc hợp tác xã, bản thân ông Sơn phải luôn giám sát các hộ thực hiện đúng quy trình sản xuất rau sạch theo sự hướng dẫn của các cấp. Các thành viên trong hợp tác xã cũng phải tuân thủ nghiêm túc 25 quy định của hợp tác xã về sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng như thời gian cách ly nhằm đảm bảo có được những sản phẩm thực sự an toàn cho người tiêu dùng.

Tham gia vào hợp tác xã sản xuất rau an toàn, các sản phẩm của xã viên làm ra sẽ được các doanh nghiệp thu mua tận nơi, tránh tình trạng được mùa, mất giá. Hiện hợp tác xã thôn Đoài có 15 hộ gia đình, trung bình mỗi năm hợp tác xã sản xuất trên 500 tấn rau, củ, quả sạch cung cấp cho thị trường trong tỉnh và nhiều tỉnh thành lân cận, đặc biệt là thị trường Hà Nội. Nhờ vậy, các xã viên có thu nhập ổn định từ 150 triệu đến 300 triệu đồng/năm. Nguồn thu nhập này giúp gia đình ông cũng như các xã viên của hợp tác xã làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Ông Lê Viết Chân, một trong những xã viên của hợp tác xã thôn Đoài cho biết: Nhờ có hợp tác xã, những hộ gia đình nông dân trồng rau nhỏ lẻ như tôi có cơ hội được tham gia vào một tập thể hoạt động có hiệu quả. Những xã viên tham gia sản xuất hàng loạt theo tiêu chuẩn quy định. Từ ngày tham gia hợp tác xã đến nay, sản phẩm của gia đình tôi làm ra đến đâu được doanh nghiệp thu mua đến đó, gia đình tôi không còn gặp tình trạng bị thương lái ép giá, tăng nguồn thu nhập cho gia đình.

Trong tiến trình hội nhập và phát triển của đất nước, thiết nghĩ, các mô hình kinh tế như hợp tác xã nông nghiệp thôn Đoài rất cần được nhân rộng và tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Bởi đó không chỉ là điểm tựa cho người nông dân thoát nghèo mà còn là bước đệm để nông dân Việt vươn ra hội nhập với thế giới hiện đại.

Mai Thảo