Bản Diềm: Giữ gìn và phát triển nghề mây tre đan truyền thống
17/02/2021 - 14:11

TĐKT - Họ gồm một nhóm những người già và người neo đơn, chủ yếu là phụ nữ dân tộc Thái, tập hợp cùng nhau để làm việc, để giữ gìn nghề truyền thống và thổi hồn vào từng sản phẩm. Từ việc chẻ mây, vót mây đến nhuộm nan tự nhiên đều được làm thủ công một cách tỉ mỉ. Những sản phẩm của nhóm mây tre đan bản Diềm (thôn bản Diềm, xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) giờ đây đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường và đang vươn tầm xuất khẩu.

Chị Lang Thị Hoa thuyết minh về ý tưởng phát triển mây tre đan bản Diềm.

Bản Diềm là một bản vùng sâu biên giới Việt - Lào, nơi sinh sống của hơn 100 hộ đồng bào người Thái, người Đan Lai. Người dân sống chủ yếu dựa vào khai thác lâm sản phụ nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Nghề đan lát sản phẩm thủ công từ mây, tre, nứa, vật liệu tết bện gắn liền với đời sống người dân nơi đây từ xa xưa, cung cấp các sản phẩm cho sinh hoạt hàng ngày như quạt, mâm mây, rổ rá, gùi, ép xôi…

Từ năm 2014, nhóm mây tre đan bản Diềm được thành lập, mở ra một hướng phát triển đầy tiềm năng tại địa phương. Chị Lang Thị Hoa, người sáng lập và là trưởng nhóm mây tre đan bản Diềm, cho biết: “Nhóm có 22 thành viên, đều là người trong bản, người già cao tuổi neo đơn, không đi lao động ngoài trời được. Người nhiều tuổi nhất là 81 tuổi, ít tuổi nhất là 52 tuổi.”

Ban đầu, nhóm gặp rất nhiều khó khăn, thiếu và yếu cả về nhân lực cho đến điều kiện, cơ sở vật chất. Có thời điểm sản phẩm làm ra không tiêu thụ được nên nhiều thành viên đã phải chuyển sang nghề khác. Có thời điểm sản phẩm tìm được đầu ra nhưng thiếu nguyên liệu sản xuất. Chính vì những khó khăn đó nên đôi khi sản phẩm làm ra không nhiều, thu nhập cũng không ổn định.

HTX sáng tạo thêm các sản phẩm mới như bàn mây, ghế mây, mâm mây

Đứng trước khó khăn, chị Lang Thị Hoa vẫn không chùn bước. Chị tự mình đi vận động, liên hệ, tìm các dự án hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm. May mắn, các chị nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ dự án VIE 028, dự án Oxfam, dự án VIRI về phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam. Chị kể: “Chúng tôi được tập huấn, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, phổ biến kiến thức, nâng cao tay nghề, tìm thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, Viện Nghiên cứu ngành nghề Việt Nam cũng mời nghệ nhân vào tận Nghệ An giảng dạy cho chúng tôi.”

Dần dần, nhóm đã giải quyết việc làm cho người dân trong thôn, bản và giúp họ có thu nhập ổn định. Qua bàn tay khéo léo của người dân tộc Thái, cùng với hoa văn đặc sắc đậm chất dân tộc, các sản phẩm mây tre đan bản Diềm từng bước chiếm được cảm tình của khách hàng trong và ngoài nước.

Bà Vi Thị Nội là người đầu tiên mạnh dạn duy trì và nghiên cứu thêm những hoa văn dựa trên các tấm thổ cẩm ngày xưa và đưa các hoa văn đó ứng dụng trong nghề mây tre đan. Hoa văn đầu tiên bà Nội sưu tầm là đao tèm - có nghĩa là ngôi sao. Giờ bà Nội đã có được 12 hoa văn. Những hoa văn đó đều do bà Nội tự cài lên nan rổ rá và mặt mâm, tạo nét khác biệt, thu hút người tiêu dùng.

Sau khi tiến lên thành lập HTX, nhóm đã được hỗ trợ vốn, đầu tư trang thiết bị, máy móc, giúp tăng năng suất làm việc. Hàng hóa của HTX sản xuất ra ngày càng nhiều, hàng sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Mỗi tháng HTX nhận từ 5 đến 6 đơn hàng với hàng trăm sản phẩm… Sản phẩm của HTX được mọi người dân trong huyện biết đến và đã được giới thiệu tại một số hội chợ và lễ hội lớn trong và ngoài tỉnh. Mới đây, sản phẩm còn được xuất bán ra thị trường nước ngoài như Đức, Pháp.

Các thành viên của HTX giới thiệu sản phẩm của mình

Sau hơn 5 năm phát triển, HTX đang có doanh thu trên 300 triệu đồng/năm. Thu nhập của các thành viên ngày càng được nâng lên, hiện đạt 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Những con số không gây ấn tượng quá mạnh, nhưng ở một bản nghèo như Bản Diềm, thì đây là mức thu nhập “đổi đời”.

Không chỉ là nơi lưu giữ nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, HTX còn tạo được sinh kế cho phụ nữ nghèo miền biên ải xa xôi của tỉnh Nghệ An. Đa số thành viên trong nhóm không những là phụ nữ mà còn là trụ cột gia đình, một lúc nuôi 3 - 4 miệng ăn, con bị dị tật bẩm sinh. Tuy vậy, điều mà nhóm không bao giờ thiếu chính là tình làng nghĩa xóm, tình bạn và trên hết là tình đoàn kết giữa các thành viên.

Các thành viên trong HTX đã thành lập quỹ tương trợ để giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Hằng tháng, sau khi lấy tiền công, mỗi người đóng góp 20.000 đồng vào quỹ tương trợ. Quỹ này sẽ lần lượt cho các thành viên trong nhóm vay để phát triển sản xuất hoặc giúp những gia đình gặp hoạn nạn, khó khăn.

Trong không gian chật chội chỉ hơn 15m2, hơn 20 con người với tiếng trò chuyện, tiếng cười không ngớt trên môi vẫn hăng say làm việc chăm chỉ để tạo ra những sản phẩm tốt nhất, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng và bảo tồn nghề truyền thống của dân tộc.

Nguyệt Hà