Tổng kết và trao giải cuộc thi thơ lục bát “Tổ quốc và Đạo pháp” (2012 – 2018)
16/09/2018 - 08:39

TĐKT - Ngày 15/9, tại Trung tâm Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng Văn học (Hà Nội) đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi thơ lục bát “Tổ quốc và Đạo pháp” (2012 – 2018); đồng thời công bố kỷ lục quốc gia về Ngày hội Lục bát.

Chương trình do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc phối hợp tổ chức.

Ban Tổ chức trao giải cho các tác giả đạt giải Lục bát Kim cương

Xuất phát từ ý tưởng, đề xuất của nhà thơ Đặng Vương Hưng và Tiến sĩ - luật sư Đồng Xuân Thụ, cuộc thi Thơ Lục bát độc đáo với tên gọi “Tổ quốc và Đạo pháp” được phát động từ năm 2012, do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ đạo; Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ, cố vấn chuyên môn và giám khảo, website Lục bát Việt Nam cùng Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam là cơ quan thường trực.

Trong 6 năm qua, đã có gần 2.000 tác giả, gửi hơn 10.000 tác phẩm dự thi. Sau 5 lần sơ kết, Ban Tổ chức đã trao 56 giải thưởng cho 56 tác giả đến từ mọi miền đất nước; trong đó có 20 giải “Lục bát Trăng Vàng” và 36 giải “Lục bát Trăng bạc”.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Nguyễn Thế Phiệt, Chánh Văn phòng Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc, cho biết: Lục bát không chỉ là tên một thể thơ truyền thống dân tộc mà còn là hồn quê, văn hóa cội nguồn và tâm linh của người Việt. Lục bát là di sản vô giá, độc đáo mà cha ông để lại cho hôm nay và mai sau. Cách đây 10 năm, Nhà thơ Đặng Vương Hưng – một thành viên của Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc đã khởi xướng và trực tiếp tổ chức Ngày hội Lục bát Việt Nam và vận động đề xuất Thơ Lục bát là Quốc Thi, tiến tới công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Ông Phiệt đánh giá cao cuộc thi kéo dài 6 năm và coi đó như là một trong những cố gắng để làm tốt hơn nữa cho việc phát triển thơ lục bát.

Tổng kết cuộc thi, Ban Tổ chức đã trao 4 giải “Lục bát Trăng Vàng” và 4 giải “Lục bát Trăng Bạc”; đồng thời, tổng kết 6 năm và trao giải Lục bát Kim Cương.

Các giải “Lục bát Trăng Vàng” được trao cho: Tác giả Nguyễn Quỳnh Anh (Ninh Bình) với chùm thơ “Viết về Vị Xuyên” và "Nhớ những ngày đông”; Nguyễn Xuân Môn (Kon Tum) với chùm thơ 2 bài “Hàng sáo” và “Quê tôi”; Nguyễn Văn Song (Hưng Yên) với chùm 2 bài “Mùa đông nhớ mẹ” và “Nhà quê”; Vương Đoàn Trọng (Hà Nội) với bài thơ “Nhớ xưa”.

Giải “Lục bát Kim Cương” được trao cho 2 tác giả: Trần Kê Hoàn (Nam Định) với chùm 2 bài “Lục bát Vu lan”, “Chị” và Lam Bình (Hà Nội) với chùm 2 bài “Phật tâm”, “Chiều du cư”.

Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tặng Bằng Tuyên dương Công đức cho cá nhân thuộc ban tổ chức cuộc thi sáng tác thơ Lục bát “Tổ quốc và Pháp”

Tại buổi lễ, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tặng Bằng Tuyên dương Công đức tặng nhà thơ Đặng Vương Hưng và Tiến sĩ - luật sư Đồng Xuân Thụ - hai thành viên Thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi “Tổ quốc và Đạo pháp”. Ông Hoàng Thái Tuấn Anh, Trưởng đại diện Văn phòng Phát triển Kỷ lục miền Bắc đã công bố 2 kỷ lục Quốc gia mới, nhân kỷ niệm 10 năm tổ chức Ngày hội Lục Bát và xuất bản Bộ sách Lộc Phát.

Ngày hội Lục bát Việt Nam năm Mậu Tuất - 2018 là dịp để các tác giả, bạn đọc yêu thể thơ truyền thống của dân tộc gặp gỡ, giao lưu; góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị hồn quê từ ngàn đời truyền lại cho hôm nay và mai sau; đồng thời, chung tay góp sức vận động, quảng bá, đề xuất để thơ Lục bát sẽ trở thành Quốc Thi của Việt Nam, được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Trong khuôn khổ Ngày hội có các hoạt động: Thi trình diễn thơ Lục bát; giao lưu bạn thơ các câu lạc bộ thơ; lễ dâng thơ; đọc Chúc văn ngày hội; lễ phát lộc Thơ Lộc phát; tổng kết và trao thưởng Cuộc thi Thơ “Tổ quốc và Đạo pháp”; trao thưởng Trình diễn thơ Lục bát năm Mậu Tuất – 2018.

Phương Thanh - Mai Thảo