Tôn vinh những tác giả thầm lặng “giữ lửa” cho thơ lục bát
26/08/2022 - 15:25

TĐKT - Sáng 26/8, tại Hà Nội, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam phối hợp với Cộng đồng mạng Lục Bát Việt Nam; Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; Viện Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc và Câu lạc bộ “Trái tim Người lính” tổ chức Lễ công bố Kỷ lục quốc gia và tôn vinh tác giả thơ lục bát.

Tại buổi lễ, có 6 tác giả là những cây bút sung sức trong sáng tác thơ lục bát suốt nhiều năm qua đã được tôn vinh.

Trong đó, nhà thơ Đặng Vương Hưng được trao Kỷ lục Việt Nam với công trình “Lục Bát mỗi ngày” – một tác phẩm thơ lục bát được Giải thưởng Văn học, có số trang nhiều nhất Việt Nam.

Nhà thơ Đặng Vương Hưng đón nhận kỷ lục Việt Nam với công trình “Lục Bát mỗi ngày” – một tác phẩm thơ lục bát được Giải thưởng Văn học, có số trang nhiều nhất Việt Nam.

Nhà thơ Đặng Vương Hưng là người sáng lập Cộng đồng mạng Lục Bát Việt Nam, đang sở hữu 4 Kỷ lục Quốc gia, trong đó có 2 kỷ lục về Lục Bát.

Đã hàng chục năm qua, nhà thơ Đặng Vương Hưng (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, là tác giả của hơn 50 cuốn sách với nhiều thể loại, trong đó có 10 tập thơ) được bạn đọc xem là Người Sáng lập Cộng đồng mạng Lục Bát Việt Nam, với việc xây dựng website Lục Bát Việt Nam từ năm 2008 và Nhóm Lục Bát Việt Nam trên mạng xã hội facebook với hơn 35.000 thành viên, đã tổ chức Ngày hội Lục Bát hàng chục năm liên tục bằng kinh phí xã hội hóa hàng tỷ đồng. Nhờ vậy, năm 2019, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục vinh danh: Nhà thơ Đặng Vương Hưng - Người tổ chức Ngày hội Lục Bát Việt Nam nhiều năm liên tục nhất.

Trước đó, ông đã được Tổ chức Kỷ lục vinh danh: “Nhà văn Việt Nam đầu tiên tổ chức sưu tầm, biên soạn và xuất bản bộ sách “Những lá thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam” và xác lập kỷ lục: “Nhà văn Chủ biên bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” có số trang nhiều nhất”.

Năm 2021, với việc xuất bản tác phẩm “Lục Bát mỗi ngày” dày 1.248 trang khổ lớn, công trình đã đánh dấu chặng đường 40 năm sáng tác thơ Lục Bát (1980 – 2020) của nhà thơ mặc áo lính Đặng Vương Hưng. Dù có dung lượng ngàn trang khổ lớn, nhưng 2 lần in và tái bản, hơn 2.000 cuốn sách đã được phát hành hết qua mạng xã hội, hàng vạn bản pdf ruột của tác phẩm này đã được người yêu thơ Lục Bát trong và ngoài nước chia sẻ miễn phí…

Đặc biệt, công trình “Lục Bát mỗi ngày” của nhà thơ Đặng Vương Hưng đã được Hội Nhà văn Hà Nội tặng Giải thưởng Văn học của năm. Cuốn sách đã nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của Hội đồng xét giải cùng dư luận bạn đọc và xã hội.

Nhân dịp này, 5 tác giả khác cũng được tôn vinh. Đó là nhà thơ, kỷ lục gia Trương Nam Chi, người sáng lập Câu lạc bộ Lục Bát Sài Gòn và “giữ lửa” cho Website Lục Bát Việt Nam; nhà thơ Đặng Cương Lăng, người có duyên với giải thưởng nhiều cuộc thi sáng tác Lục Bát; tác giả Nguyễn Quỳnh, người “giữ lửa” cho Nhóm Lục Bát Việt Nam trên mạng xã hội facebook; đại tá, cựu chiến binh Trần Trọng Giá, đặc biệt say mê sáng tác Lục Bát, coi sáng tác thơ Lục Bát là niềm vui, là ý nghĩa cuộc sống của chính mình; đại tá cựu chiến binh Lương Văn Khánh, chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ ca Di sản Đoàn Thị Điểm Hưng Yên đã 2 lần đăng cai “Ngày hội Lục Bát Việt Nam”.

Lục Bát không chỉ là tên một thể thơ truyền thống của Việt Nam, mà còn là hồn quê, là văn hóa cội nguồn và tâm linh của người Việt. Đó vừa là di sản vô giá, vừa là tài sản độc đáo, từ bao đời cha ông truyền lại cho con cháu hôm nay và mai sau. Lục Bát là một thể loại ca từ “xương sống”, có mặt trong tất cả các làn điệu dân ca, ca dao Bắc – Trung – Nam.

Đã là người Việt Nam, thì không ai là không thuộc một đôi câu dân ca, ca dao bằng thơ Lục Bát. Dù sinh sống ở đâu trên thế giới, thì từ sâu thẳm tâm hồn mỗi người Việt Nam đều có những lời ru của mẹ từ thuở ấu thơ, đều có những câu ca dao đằm thắm bay lên từ nắng gió đồng quê; đó là hành trang theo ta đi suốt cuộc đời, vừa gần gũi, vừa thiêng liêng như gia đình và nguồn cội.

Những tác giả được tôn vinh lần này được coi là những người thầm lặng “giữ lửa” cho thơ lục bát, góp phần bảo tồn và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Mai Thảo