TĐKT - Ngày 26/8, tại Hà Nội, Hội đồng họ Trần Việt Nam phối hợp với Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học về nhân vật Trần Hoằng Nghị. Dự tọa đàm có GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Nhà sử học Lê Văn Lan, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Thiếu tướng, PGS. Đào Trần Quang Cát, Chủ tịch Hội đồng họ Trần Việt Nam; Trung tướng, PGS. TS. Trần Đình Nhã, Phó Chủ tịch Hội đồng họ Trần Việt Nam; Trung tướng, TS. Trần Trọng Lượng, Phó Chủ tịch Hội đồng họ Trần Việt Nam.
Quang cảnh Tọa đàm
Thiếu tướng, PGS. Đào Trần Quang Cát, Chủ tịch Hội đồng họ Trần Việt Nam cho biết, trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta thì triều đại nhà Trần đã được sử sách ghi danh, đánh giá là một trong những triều đại vô cùng hiển hách với 3 lần đánh thắng giặc Nguyên – Mông, một thế lực hùng mạnh nhất thế giới trong thế kỷ XIII, bảo vệ vững chắc giang sơn, bờ cõi, trở thành niềm tự hào của đất nước, dân tộc, đặc biệt là con cháu hậu duệ họ Trần.
Trong thời gian gần đây, xuất hiện các tranh cãi về việc có hay không một “nhân vật lịch sử” Trần Hoằng Nghị và Trần Hoằng Nghị có phải là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ hay không? Trước những vấn đề còn tồn nghi, GS. Vũ Minh Giang nêu nguyên tắc cần có phương pháp xử lý khoa học khi xuất hiện ý kiến khác nhau về một sự kiện hoặc nhân vật lịch sử.
Trong quá trình nghiên cứu về các nhân vật lịch sử, các tư liệu thành văn (thư tịch cổ, sử sách, văn bia, thần tích, thần sắc, thần phả, câu đối…) là rất quan trọng và cần thiết. Lịch sử là chân lý, gắn liền với hoàn cảnh thực tiễn vốn có, không thể đưa ra kết luận một cách đúng đắn, khoa học nếu chỉ dựa vào các tư liệu khảo sát điền dã, kể cả các tài liệu thứ cấp xuất bản những năm gần đây. Việc tổ chức cuộc tọa đàm này là cần thiết và quan trọng để xem xét một cách khoa học về nhân vật Trần Hoằng Nghị, để có thể làm rõ, giải tỏa những sự băn khoăn trong dư luận.
Tại cuộc tọa đàm, các nhà nghiên cứu đã có nhiều phân tích trao đổi, làm rõ các nghi vấn: Có đúng Trần Hoằng Nghị là nhân vật lịch sử liên quan vương triều Trần hay không? Nhân vật này có phải là thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ như một số người đã khẳng định, tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện truyền thông quốc gia trong thời gian qua hay không?
Sau khi nghe những ý kiến thảo luận tại cuộc tọa đàm, GS. Vũ Minh Giang tổng kết: “Sau khi đã trao đổi thảo luận trên cơ sở quan trọng nhất của lịch sử là tư liệu, cho đến nay, trên mặt bằng nhận thức và căn cứ khoa học, hoàn toàn chưa đủ để đưa ra với giới sử học một nhân vật lịch sử mới là Trần Hoằng Nghị - với ý nghĩa là nhân vật có tham gia vào quá trình lịch sử dân tộc chứ không phải chỉ là một người có tên có tuổi - đặc biệt lại càng không đủ cứ liệu để gắn nhân vật này với một nhân vật lịch sử đã nổi tiếng là Thái sư Trần Thủ Độ - người có công lớn sáng lập triều Trần”.
Việc tôn vinh một người nào đó của một họ tộc là việc riêng trong nội bộ họ tộc đó, song không thể vội vã truyền bá về một nhân vật không có đủ căn cứ khoa học trên các phương tiên thông tin đại chúng, đặc biệt là trong các sách văn hóa - lịch sử.
La Giang