TĐKT - Ngày 20/4, tại Hà Nội, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức Tọa đàm phối hợp quảng bá, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam. Đây là hoạt động ý nghĩa góp phần xây dựng định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam mang dấu ấn thời đại mới.
Tại Tọa đàm, các đại biểu chỉ ra rằng, hoạt động tôn giáo là một trong những hoạt động văn hóa tinh thần quan trọng trong xã hội Việt Nam. Trong hệ thống di sản văn hóa, các công trình, hoạt động Phật giáo và liên quan đến Phật giáo chiếm tỷ trọng lớn. Các công trình, cơ sở Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa chịu sự quản lý Nhà nước về di sản văn hóa của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và về văn hóa cơ sở của các cấp chính quyền địa phương. Trên thực tế hiện nay có những bất cập trong việc quản lý, sử dụng, bảo tồn, tôn tạo, tổ chức các hoạt động và phát huy giá trị di tích là cơ sở Phật giáo: tôn vinh các giá trị di sản, xếp hạng di tích, tu bổ tôn tạo, hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội, bảo vệ môi trường… Vì vậy, thời gian tới, cần tăng cường sự phối hợp giữa Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trong quảng bá, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Tọa đàm phối hợp quảng bá, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam
Một số đại biểu cho rằng, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam là đồng thời làm tốt việc kế thừa và phát triển di sản nhưng phải tạo được dấu ấn, có tính đặc trưng của thời đại; đảm bảo tính khoa học, hiệu quả, khả thi và đúng quy định pháp luật của Nhà nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên, một trong những yêu cầu rất cần thiết trong công tác quảng bá, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam đó là tăng cường biểu dương các vị sư trụ trì của các chùa đã và đang duy trì, gìn giữ trang nghiêm các di sản; đồng thời vận động được đông đảo các phật tử đóng góp để tu bổ, tôn tạo, làm cho các di sản Phật giáo thêm khang trang, trở thành các công trình có giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá của nhân loại.
Mai Thảo