Ra mắt Ban vận động thành lập CLB “Trái tim Người lính Thủ đô”
11/10/2022 - 15:17

TĐKT - Nhân kỷ niệm 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2022) và tiến tới kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 - 12/2022), chiều 10/10, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, CLB "Trái tim Người lính Việt Nam" phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam và CLB "Mãi mãi tuổi 20" tổ chức Lễ ra mắt Ban vận động thành lập CLB “Trái tim Người lính Thủ đô”, Giới thiệu tác phẩm “Nam chinh Bắc chiến” (NXB Thanh Niên) và Tiếp nhận kỷ vật “Tình yêu qua chiến tranh”.

Lễ ra mắt Ban vận động thành lập CLB "Trái tim Người lính Thủ đô"

Tại buổi lễ, Ban vận động thành lập CLB "Trái tim Người lính Thủ đô” đã ra mắt gồm 7 thành viên. Đại tá, cựu chiến binh Trần Trọng Giá là Trưởng Ban vận động thành lập CLB.

Câu lạc bộ “Trái tim Người lính Thủ đô” là thành viên “Hội trái tim Người lính Việt Nam”, mọi điều khoản, điều lệ hoạt động được tuân thủ theo "Hội trái tim Người lính Việt Nam.

Dịp này, tác phẩm “Nam chính Bắc chiến” của tác giả Đại úy, cựu chiến binh Hà Minh Sơn – nguyên Quyền Trưởng ban Tác chiến Sư đoàn 314 – Quân khu 2 cũng chính thức được ra mắt, giới thiệu đến bạn đọc.

Tác phẩm “Nam chinh Bắc chiến” được xuất bản bởi Nhà xuất bản Thanh Niên, sách có khổ 15 x20cm, độ dày 450 trang.

Cuốn sách bao gồm 7 phần, cụ thể: Phần thứ nhất có nội dung về quê hương và gia đình; phần 2 nội dung về Nhập ngũ Nam chinh; phần thứ ba về những năm Bắc chiến; phần thứ tư nội dung về chuyện tình người lính; phần thứ năm nội dung trở về với cuộc sống đời thường; phần sáu viết về những lá thư thời Bắc chiến; phần cuối mang nội dung khoảnh khắc đáng nhớ.

Chia sẻ về cảm nhận khi đọc cuốn “Nam chinh Bắc chiến” của tác giả Hà Minh Sơn, nhà văn Đặng Vương Hưng nhận định: “Tôi đánh giá cao những trang Hà Minh Sơn viết về cuộc sống và chiến đấu của người lính ngoài mặt trận. Nếu không phải là người trong cuộc, không cầm súng đối mặt với kẻ thù, không trực tiếp băng bó cho thương binh và nhiều lần mai táng cho đồng đội, thì không thể có những trang viết sống động và thuyết phục như thế. Bởi vậy, rất nhiều dòng chữ của Hà Minh Sơn không chỉ có mồ hôi mà còn cả máu và nước mắt!”

https://file1.dangcongsan.vn/data/0/images/2022/10/10/cuongbkcd/9779-1665392378-z3788412675137-1c4082a89ac12254ca5d79388dae3c08.jpg?dpi=150&quality=100&w=780

Bà Nguyễn Thị Dậu - vợ liệt sĩ Trầm Mộc Ân trao tặng kỷ vật của chồng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Trong khuôn khổ buổi lễ cũng đã diễn ra lễ tiếp nhận kỷ vật của gia đình liệt sĩ, đảng viên Trần Mộc Ân nhập ngũ năm 1960, hy sinh ngày 30/10/1967 tại chiến trường B. Tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Dậu là vợ liệt sĩ đã trao kỷ vật là 17 bức thư được liệt sĩ Trần Mộc Ân viết tại các chiến trường gửi về gia đình, trong đó lá thư thứ 17 – lá thư cuối cùng được liệt sỹ viết vào tháng 6/1967, chỉ 4 tháng trước khi hy sinh.

Vợ liệt sĩ Trần Mộc Ân cho biết: Bà và 2 con vô cùng xúc động khi được trao những lá thư kỷ vật của người chồng, người cha cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam lưu giữ để những kỷ vật này được bảo quản tốt nhất cũng như những lá thư này sẽ mang những thông điệp yêu thương được lưu truyền cho mai sau.

Mai Thảo