Nhiều mô hình hay góp phần chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch
30/08/2017 - 14:42

TĐKT - Sáng ngày 29/8, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch phối hợp với Báo Lao động tổ chức Hội thảo “Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch”.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra: du lịch Việt Nam trong những năm gần đây đã có sự phát triển vượt bậc. Sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, của Chính phủ, vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội đã tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành du lịch và thu hút khách du lịch.

Năm 2016, ngành du lịch đón trên 10 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ hơn 62 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu đạt hơn 417 nghìn tỷ đồng, đóng góp trực tiếp khoảng 6,96% GDP, cả gián tiếp và lan tỏa ước đạt hơn 14% GDP, tạo ra khoảng 900.000 việc làm trực tiếp trong tổng số hơn 2,5 triệu việc làm liên quan đến du lịch.

Du lịch đã góp phần khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, di tích vật thể và phi vật thể ở các địa phương; đồng thời thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư của xã hội vào các vùng trọng điểm với quy mô lớn, tạo động lực, là đòn bẩy cho sự phát triển du lịch của cả vùng nói riêng, của Việt Nam nói chung.

 

Hội thảo “Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch”

Du lịch từ chỗ chỉ được coi là hoạt động phục vụ nghỉ ngơi đơn thuần, đến nay được xác định là một ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Thông qua sự phát triển du lịch, hình ảnh quốc gia và các điểm đến được quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước, tạo sự nhìn nhận tích cực về hình ảnh và nâng cao uy tín của đất nước và con người Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hợp tác tích cực của nội khối Asean, đồng thời với xu hướng cạnh tranh thu hút khách, sự biến động liên tục của thị trường và những nỗ lực đầu tư mạnh mẽ của các quốc gia cho hoạt động du lịch, thì một hệ thống sản phẩm du lịch đầy đủ, hấp dẫn, chất lượng cao, thể hiện tính chuyên nghiệp là những yếu tố cạnh tranh hàng đầu thu hút khách du lịch. Đây được coi là vấn đề cốt lõi để khẳng định năng lực cạnh tranh và khả năng hội nhập của du lịch Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái: phát triển du lịch trong thời gian tới phải tập trung vào tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch để có bước phát triển bền vững, đảm bảo khả năng cạnh tranh cao, tạo ra sức bật và phát triển lâu dài. Cần tăng cường tính chuyên nghiệp và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đòi hỏi sự quyết tâm của ngành du lịch và các ngành, các cấp, của toàn xã hội. Trong đó, trước hết là của ngành du lịch.

Tại Hội thảo, nhiều mô hình phát triển du lịch hiệu quả đã được giới thiệu, trở thành những bài học kinh nghiệm cho các đơn vị làm du lịch. Tiêu biểu: mô hình “xây dựng cộng đồng du lịch thân thiện, văn minh tại Đà Nẵng”; mô hình “xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch Phú Quốc an ninh, an toàn, bảo đảm vệ sinh môi trường”; mô hình “đồng bộ hóa sản phẩm du lịch tại Hạ Long”; “Đa dạng hóa sản phẩm và trải nghiệm du lịch của Vietravel”…

Mai Thảo