Nhà thơ Bạch Văn Tín và hình tượng người phụ nữ
03/11/2022 - 10:36

TĐKT - Bạch Văn Tín là một tác giả viết thơ lục bát (sinh ngày 28/7/1981 tại Hà Nội), anh có những bài thơ xây dựng hình tượng người phụ nữ đậm nét riêng, tuy mới viết nhưng anh đã có được rất nhiều bài thơ mà bạn đọc yêu thích.

Thơ của Bạch Văn Tín thường viết về vẻ đẹp trong lao động của người phụ nữ miền Bắc như bài “Hạt lúa của mẹ”: “Mẹ phơi hạt lúa vàng sân/Khô trăm hạt mẩy, héo ngàn hạt non/ Giọt mồ hôi mặn lăn tròn/ Rơi ngang hạt lúa gãy giòn làm đôi”. Thơ của Bạch Văn Tín giản dị được nhiều người sinh ra từ các làng quê yêu mến. Nhiều người đã thuộc lòng.

Nhà thơ Bạch Văn Tín

Những bài thơ viết về phụ nữ của Bạch Văn Tín mang hơi thở cuộc sống nông thôn, như tác phẩm “Bà văn chổi rơm”, đã được trao giải khuyến khích trong cuộc thi thơ lục bát Báo áo trắng năm 2021, được hội đồng chấm thi đánh giá là một tác giả có tiềm năng và xây dựng hình tượng người phụ nữ xưa gần gũi qua những công việc lao động thường ngày: “Bên thềm bà vặn chổi rơm/ Vặn ngày lẫn tháng thảo thơm một đời/ Rạ rơm quấn quýt bên người/ Tay nhăn vệt khói giữa trời mênh mông/ Mặt trời sáng phía đằng đông/ Rơm vàng quyện nắng bềnh bồng dưới sân/ Bà ngồi đó nắng dưới chân/ Nắng vàng quét những khó khăn đời bà/ Giàn thiên lý đã trổ hoa/ Bà giờ khuất nẻo dặm xa bóng chiều/ Rạ rơm thương nhớ bà nhiều/ Sân nhà vắng chổi quét điều đơn sơ/ Giỗ bà trong những giấc mơ/ Bên thềm lá rụng xác xơ ngõ hiền/ Bà ơi về với tổ tiên/ Chổi rơm bà để một miền xót thương”. Hình ảnh bà vặn chổi rơm tuy đơn sơ nhưng lại là một hình tượng phụ nữ đẹp trong văn hóa làng quê Việt.

Trong sáng tác của Bạch Văn Tín, ngoài hình tượng những con người kết tinh nét đặc sắc, riêng biệt của vùng văn hóa Bắc Bộ với những hình tượng chịu thương chịu khó, tần tảo, hy sinh của mẹ. Đây cũng là những hình tượng nhân vật mang đậm nét phong cách Bắc Bộ.

Hình tượng người phụ nữ Việt Nam ngay từ xưa đã đi vào ca dao dân ca trở thành những nhân vật trữ tình với hình ảnh “thân em” được lặp đi lặp lại rất nhiều nhằm nói lên thân phận người phụ nữ:

- Thân em như tấm lụa đào,

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.

- Thân em như hạt mưa sa,

Hạt vào đài các hạt ra ngoài đồng.

Mỗi một giai đoạn lịch sử bằng sáng tạo nghệ thuật thì các nhà thơ đã xây dựng hình tượng người phụ nữ khác nhau của mỗi thời kỳ, nhưng đều mang đậm dấu ấn và nét văn hóa của từng khu vực, mỗi nhà thơ một cách thể hiện. Nhưng ở thơ Bạch Văn Tín vẫn viết những vần thơ lục bát như những bài ca dao truyền thống mà không bị sáo mòn. Vẫn thể hiện được hình tượng người phụ nữ theo phong cách riêng. Thể thơ thì cũ nhưng ý tứ và tư tưởng nhân văn lại mới.

Hình tượng người phụ nữ trong thơ Bạch Văn Tín là người phụ nữ Việt Nam nói chung nhưng họ mang những đức tính riêng của người phụ nữ Bắc Bộ như: Kiên cường, giàu đức tính hy sinh, giàu tình thương yêu chồng con và rất chịu thương, chịu khó trong lao động.

Hiện nay nhà thơ Bạch Văn Tín vừa là một doanh nhân đang tạo rất nhiều công ăn việc làm cho người lao động, ngoài những lúc có thời gian anh lại viết thơ về đề tài làng quê và xây dựng hình tượng người phụ nữ là người bà, mẹ và chị của anh.

Trước hết, Bạch Văn Tín nhìn người phụ nữ với cái nhìn thật thấm thía và cảm thông sâu sắc. Phụ nữ trong tác phẩm của anh không phải là những người giàu sang phú quý, mà là những người mẹ người chị vất vả lam lũ một nắng hai sương:

   Bà mang theo ngọn gió đồng

Toả hương thơm ngát của bông lúa vàng

   Lời ru trĩu nặng nỗi làng

Cánh cò cõng cả mênh mang phận người

Mỗi một tác phẩm lại mang một hình tượng riêng, có khi thì “Bà vặn chổi rơm”, có khi lại là sự hy sinh cả cái tình mà mình đáng được có như tác phẩm “Cưới vợ cho chồng”:

Cái ngày cưới vợ cho cha

Bờ đê mẹ ngã sấp ba bốn lần

Bầu trời đổ xuống bàn chân

Người như chết điếng nửa phần mẹ ơi”.

Hoặc hình ảnh người phụ nữ đang đứng đợi con trước cổng làng trong tác phẩm “Cổng làng”:

Cháu con lên phố ồn ào

Mẹ tôi tựa cổng gầy hao đợi chờ

Tiễn chân con thuở dại khờ

Sớm chiều mẹ vẫn thẫn thờ qua đây

Mỗi một hình tượng người phụ nữ lại được phác họa một hình ảnh và hoàn cảnh cụ thể cách khác nhau, như trong bài thơ “Nịnh vợ”, tác giả đã nịnh vợ một cách khéo léo qua thơ ca:

May mà em chẳng yêu thơ

Để mình anh với gã khờ trong anh

Cái thân giằng xé tâm can

Xin em đừng tủi giữa dan díu này

Hay trong một bài thơ mà nhà thơ Bạch Văn Tín đã viết về em dâu của mình, trong tác phẩm “Em dâu”:

Lạ nhà đôi mắt rưng rưng

Bàn chân em bước ngập ngừng hồi lâu

Gặp người lạ hỏi thật mau

Đến chơi là cháu, cúi đầu gọi anh

Nhà thơ cũng không quên viết để tưởng nhớ người quá cố đó là người bà, trong tác phẩm Cỏ:

Bình minh sưởi ấm mộ bà

Giọt sương đậu trắng cỏ gà vừa lên

Bà nằm dưới nấm đất hiền

Gội mưa tắm nắng từ miền ca dao.

 

Bà ơi vạt cỏ thương sao

Đầu xanh đôi mắt nghẹn ngào sương rơi

Hương trầm lan tỏa khoảng trời

Cúi đầu con vái ngàn lời trong tâm.

 

Con nghe lọn gió thì thầm

Bao năm cỏ đã bật mầm mà xanh

Cỏ ru bà giấc thơm lành

Hồn bà hay cỏ hóa thành mênh mông.

 

Lối con đi giữa cánh đồng

Cỏ may đan mãi vết lòng chưa khâu

Con nghe cỏ đã chuyển mầu

Hình như con thấy mùi trầu tỏa hương.

Hình tượng người phụ nữ trong thơ Bạch Văn Tín nhẹ nhàng nhưng vẫn giữ được sự sâu sắc trong từng ý tứ thơ.

Hoài Nam (HT)