Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã trao 42 giải thưởng tặng các tác giả. Giải tôn vinh được trao tặng các tác giả: Lê Văn Ba với tác phẩm "Nhà văn Việt Nam trong nhà tù quân xâm lược"; Đặng Vương Hưng (biên soạn) tác phẩm "Mãi mãi tuổi 20"; Minh Chuyên với tác phẩm "Người không cô đơn".
Ba giải nhất thể loại văn xuôi thuộc về các tác giả: Hoàng Đình Quang với tác phẩm "Những ngôi sao của mẹ"; Hồ Duy Lệ với tác phẩm "Dặm đường gian truân"; Nguyễn Tam Mỹ với tác phẩm "Máu và tội ác". Ban Tổ chức đã trao 6 giải nhì, 5 giải ba, 6 giải tư cho các tác giả đoạt giải. Thể loại thơ, không có giải nhất; có 2 giải nhì, 11 giải ba, 5 giải tư đã được trao cho các tác giả đoạt giải.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, được phát động từ tháng 1 đến tháng 6/2017, cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thương binh, liệt sĩ, người có công đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng từ các nhà văn, nhà thơ, các cây bút chuyên nghiệp khắp mọi miền Tổ quốc, với hơn 800 tác phẩm tham dự cuộc thi. Nhiều tác phẩm mới sáng tác chưa từng công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ban Tổ chức đã làm việc khẩn trương, trách nhiệm, nghiêm túc chọn ra 42 tác phẩm tiêu biểu để trao các giải thưởng.
Các tác giả đạt giải nhất văn xuôi viết về đề tài thương binh – liệt sĩ
Các tác phẩm văn học, nghệ thuật viết về đề tài thương binh, liệt sĩ được xét chọn trải dài suốt 70 năm (từ năm 1947 đến năm 2017). Nhiều tác phẩm văn học tạo dấu ấn lớn trong lòng bạn đọc, đi cùng năm tháng, gắn bó với nhiều thế hệ người Việt Nam, hun đúc ý chí, quyết tâm, lý tưởng cách mạng của nhiều thế hệ thanh niên nhập ngũ lên đường cầm súng chiến đấu với quân thù vì độc lập, tự do, hòa bình thống nhất của Tổ quốc.
Trải qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc đã có hàng triệu người con ưu tú của dân tộc Việt Nam anh dũng chiến đấu, hy sinh. Đây là nguồn cảm hứng vô tận để các nhà văn, nhà thơ sáng tạo ra nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật và trong các tác phẩm này, hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ, đặc biệt là hình tượng các thương binh, liệt sĩ, những tấm gương dũng cảm trong chiến đấu luôn hiện lên đẹp đẽ, có sức trường tồn với thời gian. Tất cả đều nhằm tôn vinh sự hy sinh cao cả, lòng biết ơn các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để đất nước được hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ lòng biết ơn, sự tri ân sâu sắc tới gia đình các liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng và các thế hệ văn nghệ sĩ đã có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật xuất sắc, thể hiện tình cảm, tấm lòng tri ân đối với người có công trong cả nước. Bộ trưởng mong muốn các tác phẩm văn học, nghệ thuật tham gia cuộc vận động sẽ tiếp tục đi vào lòng bạn đọc, góp phần giáo dục thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống cha anh, dựng xây đất nước.
La Giang