TĐKT - Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), sáng 22/7, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với CLB “Trái tim người lính”, Hội Nữ Chiến sĩ Trường Sơn và Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức sự kiện trưng bày, trao tặng hiện vật và giao lưu nhân chứng lịch sử mang chủ đề “Tình yêu qua chiến tranh”.
Sự kiện là lời tri ân tới những người lính đã cống hiến tuổi thanh xuân, hy sinh xương máu và cả hạnh phúc cá nhân cho nền độc lập tự do của Tổ quốc.
Nghi thức cắt băng khai mạc triển lãm “Tình yêu qua chiến tranh”
Phát biểu trước giờ cắt băng khai mạc Triển lãm “Tình yêu qua chiến tranh”, bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết: Với thế hệ đã tham gia vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của dân tộc Việt Nam, đã hy sinh xương máu cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc thì sức mạnh để vượt qua những năm tháng đau thương, mất mát đó chính là lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu Tổ quốc và tình yêu lứa đôi trong sáng, thiêng liêng. Họ đã viết nên những mối tình đi cùng năm tháng để mỗi khi nhắc lại, chúng ta lại càng trân trọng, thêm tin vào tình yêu và những điều đẹp đẽ trong cuộc sống.
“Nhiều năm qua trên cung đường sưu tầm, từng câu chuyện họ kể, những hiện vật lưu giữ và dừng chân tại bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã mang đến rất nhiều cảm hứng và thôi thúc chúng tôi giới thiệu đến công chúng những xúc cảm rất đỗi đặc biệt, đã hiện hữu song hành cùng lịch sử.” – Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chia sẻ.
Triển lãm thu hút sự quan tâm của công chúng, cả những thế hệ trẻ
Triển lãm “Tình yêu qua chiến tranh” chính thức được giới thiệu tới công chúng từ ngày 22/7/2022 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Triển lãm bao gồm 12 câu chuyện thông qua những lá thư, hình ảnh và nhật ký - đây chính là kỷ vật của những mối tình trong bom đạn, xa cách và chia ly. Đó là câu chuyện tình của nữ cảm tử quân Nguyễn Thị Bích Thảo và người đồng chí Đỗ Đình Sửu; đám cưới đặc biệt trên tháp pháo xe tăng của GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Toản và Trung tướng Cao Văn Khánh; tình yêu kết tinh thành những ca khúc đi cùng năm tháng của vợ chồng nhạc sĩ Trần Hoàn; câu chuyện nghĩa vợ tình chồng của nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Thanh Hương và nhà văn Vũ Tú Nam hay câu chuyện tình yêu của cô y tá Trần Thị Kính và chiến sĩ Nguyễn Văn Đạo với lá thư đến muộn sau 31 năm vẫn còn nhiều day dứt… Đây chỉ là một số trong hàng ngàn, hàng vạn những câu chuyện tình yêu thời chiến mà khi nhắc đến trái tim ta vẫn nghẹn ngào, thổn thức xen lẫn niềm tự hào, khâm phục và cả những tiếc nuối khôn nguôi.
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận kỷ vật từ thân nhân những người lính bộ đội cụ Hồ năm xưa.
Trong khuôn khổ chương trình, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cũng đã tiếp nhận 4 bộ sưu tập thư thời chiến, sổ thơ, kỷ vật từ thân nhân những người lính bộ đội cụ Hồ năm xưa.
Trao tặng cho bảo tàng những lá thư và 1 cuốn số tay của liệt sĩ Nguyễn Hữu Thịnh, hy sinh tại mặt trận chiến đấu bảo vệ biên giới Hà Giang ngày 31/5/1985, anh Nguyễn Hữu Thành (em trai của liệt sĩ Thịnh, đến từ Thái Nguyên) xúc động: “Những tình cảm, lời căn dặn của anh trai năm xưa đã trở thành kỷ vật thiêng liêng của gia đình. Từng dòng chữ trong thư anh Thịnh gửi về, tôi và gia đình luôn ghi nhớ và cảm thấy ấm áp, trở thành những lời căn dặn thôi thúc chúng tôi – những người em còn may mắn ở lại phải có nghĩa vụ học tập và không ngừng phấn đấu.”
“Tôi mong rằng, thông qua Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, giá trị của những kỷ vật chiến tranh ấy sẽ được lưu giữ và lan tỏa nhiều hơn nữa đến với công chúng. Đó không chỉ là kỷ vật của riêng gia đình mà trở thành kỷ vật của nhiều thế hệ mai sau” – Anh Thành chia sẻ.
Tại sự kiện, một số nhân vật trong triển lãm và đại diện đến từ Đội Nữ chiến sĩ Trường Sơn và một số nhân chứng lịch sử là thương binh, thân nhân liệt sĩ tiêu biểu đến từ nhiều vùng miền trên cả nước, là thành viên của CLB “Trái tim Người lính” đã cùng nhau chia sẻ, giao lưu. Công chúng đã có dịp gặp gỡ những nhân chứng sống, được lắng nghe những câu chuyện của một thời “khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”.
Mai Thảo