TĐKT - Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017), sáng 25/7, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Quỹ Mãi mãi tuổi hai mươi đồng tổ chức Hội thảo khoa học “Những lá thư thời chiến với lịch sử, truyền thống và văn hóa dân tộc”. Hội thảo được tổ chức nhằm khẳng định giá trị của tuyển tập “Những lá thư thời chiến Việt Nam” với các thế hệ bạn đọc hôm nay và mai sau.
Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu, nhiều tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cựu tù chính trị, thân nhân liệt sĩ, thương binh và cựu chiến binh tiêu biểu…
Tuyển tập “Những lá thư thời chiến Việt Nam” (NLTTCVN) là một trong những cuốn sách tiêu biểu, nằm trong Công trình tủ sách “Mãi mãi tuổi hai mươi” của Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng, thành viên Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, vừa được Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam trao giải, tôn vinh trong cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thương binh, liệt sĩ.
Chương trình văn nghệ chào mừng Hội thảo
Công trình được Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng thực hiện trong thời gian 10 năm (2005 – 2015), tập hợp hơn 300 lá thư của 127 tác giả. Người viết thư thuộc đủ mọi lứa tuổi và tầng lớp xã hội: từ Chủ tịch nước đến nông dân, công nhân, bộ đội, thanh niên xung phong… Họ giống nhau ở một điểm là đều trực tiếp đi qua chiến tranh. Đặc biệt, đa phần các tác giả, nhân vật trong những bức thư được giới thiệu trong cuốn sách đều là liệt sĩ, hoặc thương binh, và khi cuốn sách này ra đời thì hầu hết họ đều không còn nữa. Bởi thế, nhiều lá thư không chỉ là kỷ vật vô giá, mà còn là di vật thiêng liêng, từng đặt trên bàn thờ của nhiều gia đình Việt Nam.
Tại Hội thảo, tham luận của các đại biểu xoay quanh các vấn đề: tại sao những trang viết của NLTTCVN lại có sức lay động và lan tỏa mạnh mẽ đến như vậy trong đời sống cộng đồng những năm qua? Tại sao nhiều nhà nghiên cứu đã coi đây là những trang sử trung thực, sinh động và thú vị nhất do nhân dân sáng tạo ra? Giá trị của nó với lịch sử, truyền thống và văn hóa dân tộc như thế nào? Và nếu coi NLTTCVN là một di sản và một tài sản, thì phải làm sao để thế hệ bạn đọc hôm nay và mai sau sẽ tiếp cận, khai thác tác phẩm này tốt nhất cho đời sống xã hội?...
Một số lá thư được giới thiệu trong tuyển tập NLTTCVN
Các học giả, nhà nghiên cứu đã đánh giá rất cao tuyển tập NLTTCVN, cho rằng đây là một công trình sưu tầm và giới thiệu độc đáo, mang tính nhân văn sâu sắc. Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Giáo sư Hoàng Chương khẳng định: “Những lá thư thời chiến không phải từ ngòi bút tài năng và óc tưởng tượng dồi dào của nhà văn tạo nên, mà từ suy nghĩ, từ tấm lòng chân thực, việc làm chân thực của người chiến sĩ ngoài mặt trận muốn bày tỏ với cha mẹ, với vợ con, với người yêu hoặc người thân ở hậu phương miền Bắc Việt Nam nên sức thuyết phục của nó mạnh hơn bất cứ tác phẩm nghệ thuật hư cấu nào. Hàng ngàn bức thư là hàng ngàn tâm sự, hàng ngàn sự việc chân thực, chân thành, mà tác giả gửi tới gia đình, tới người thân, cho biết những điều sâu kín nhất, chân thực nhất, xúc động nhất đang diễn ra trong thực tế cuộc chiến.”
TS. Lê Đức Hoàng, Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định: “ Đây là nguồn sử liệu phản ánh sinh động hiện thực tình yêu, cuộc sống chiến đấu, rèn luyện, sự hy sinh và khát vọng của người lính ở chiến trường gửi về nhà và cũng là nỗi mong đợi, động viên, chia sẻ, cầu nguyện của người thân ở hậu phương gửi ra tiền tuyến. Vì vậy, thư thời chiến có giá trị như là sợi dây kết nối quá khứ tới hiện tại, giúp chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn và hiểu biết đầy đủ hơn về một thời bom đạn, về những con người trong cuộc chiến, thậm chí có nhiều chi tiết góp phần giải mã một số bí ẩn lịch sử.”
Nhân dịp này, tại Hội thảo, Ban tổ chức đã tặng hoa và quà vinh danh 10 đại diện gia đình Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thân nhân liệt sĩ, thương binh… tiêu biểu nhất. Đồng thời, Hanoi Medical Diagnostics Laboratory sẽ tặng Phiếu xét nghiệm máu miễn phí cho tất cả đối tượng chính sách tham dự sự kiện.
Phương Thanh