Câu chuyện pháp luật: Kỷ luật thép
02/09/2022 - 09:05

Dù được về phép nhưng Nam vẫn theo thói quen cũ khi ở đơn vị đó là dậy sớm tập thể dục. Hôm nay Nam chạy hai vòng quanh làng. Không khí buổi sáng thật trong lành, khoan khoái.

Nam vừa về đến sân nhà thì đã thấy ông Ruân ngồi chờ được một lúc.

Ông Ruân: A đây rồi, ngồi xuống đây bác hỏi chuyện.

Nam: Bác tới khi nào, bác muốn hỏi cháu chuyện gì.

Ông Ruân: Thì chuyện liên quan đến Cảnh sát biển chứ còn gì nữa?

Nam: Nếu biết thì cháu sẵn lòng trả lời, còn không bác để cháu tìm hiểu rồi trả lời sau nhé!

Ông Ruân: Tối qua, bác với mấy ông bạn ngồi lai rai, đố nhau về Cảnh sát biển. Bác cao hứng nói cái gì bác cũng biết vì có thằng cháu đang ở vùng Cảnh sát biển 2. Nhưng đến khi ông Hiển hỏi về các hành vi bị nghiêm cấm của Cảnh sát biển thì bác phải giả say để thoái thác. Mày biết thì bảo bác ngay và luôn.

Nam: Về việc này để cháu tham khảo một anh làm ở phòng pháp luật ở đơn vị rồi cháu sẽ nói lại với bác.

Ông Ruân: Ơ, bác tưởng mày cái gì cũng biết chứ?

Nam: Cháu bác còn phải học hỏi nhiều, không giỏi như bác nghĩ đâu ạ.

Ông Ruân: Thế tìm hiểu nhanh rồi chiều giải đáp cho bác nhé! Bác về nhà đã.

Ông Ruân đi. Nam lấy điện thoại gọi ngay cho anh Dũng ở phòng pháp luật của Cảnh sát biển 2. Trước đây, khi Nam là lính nghĩa vụ đã gặp và quen được anh Dũng. Đó là một người anh điềm đạm, hiểu biết và đặc biệt rất tâm lý. Anh thấy được sự ham học hỏi của Nam nên cũng rất tạo điều kiện để Nam tìm hiểu rõ hơn về Luật Cảnh sát biển.

Lần này cũng thế, cuộc nói chuyện qua điện thoại đã giúp Nam lĩnh hội được vấn đề mà Nam chưa rõ.

Đầu giờ chiều, Nam sang nhà bác Ruân. Thấy Nam, bác vui lắm.

Ông Ruân: Đây rồi, mày không sang là bác lại sang tìm đấy.

Nam: Cháu đã hỏi được rồi. Khoản 4,5,6 điều 7 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định 3 nhóm hành vi bị nghiêm cấm đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển như sau.

Ông Ruân: Từ từ, ngồi xuống đây rồi nói.

Hai bác cháu ngồi xuống đầu hiên nhà. Ông Ruân nghe như nuốt từng lời.

Nam: Thứ nhất, Luật Cảnh sát biển nghiêm cấm hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam để vi phạm pháp luật.

Ông Ruân: Nghĩa là nếu thấy một trong các hành vi đó thì chứng tỏ là có sai phạm đúng không?

Nam: Dạ vâng. Ngoài ra Luật cũng nghiêm cấm “hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức cá nhân” của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam.

Ông Ruân: Thế nữa cơ à? Đúng là Luật có khác, quy định cụ thể chi tiết, ai mà vi phạm là cứ xác định.

Nam: Vâng. Vui một chút, bác thử nhắc lại cho cháu điều thứ nhất xem bác có nhớ không?

Ông Ruân: Thằng này khá. Để bác chiêm nghiệm lại rồi nói tròn vành rõ chữ cho mày nghe.

Nam cười khì khì rồi phục lăn khi ông Ruân nói rất chuẩn điều Nam đã nói với ông.

Nam: Quá chuẩn, bác Ruân number one.

Ông Ruân: Chuyện, trưởng họ là phải thế. Mà mày nói tiếp đi. Bác đang nghe đây.

Nam: Thứ hai là nghiêm cấm cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam có hành vi nhũng nhiễu gây khó khăn đối với cơ quan, tổ chức cá nhân hoạt động hợp pháp trên biển.

Ông Ruân: Hành vi nhũng nhiễu này là gây bức xúc lắm này. Cán bộ, chiến sĩ là phải giúp đỡ, tương trợ, nhất quyết không được gây nhũng nhiễu khó khăn cho dân.

Nam: Luật quy định như vậy rồi mà bác.

Ông Ruân: Còn hành vi nào nữa không?

Nam: Ngoài ra còn có “Hành vi khác vi phạm quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam”.

Ông Ruân: Lại còn nhiều hành vi khác nữa cơ à? Quy định chi tiết thế thì ai vi phạm cũng sẽ không để lọt, bộ máy mới trong sạch được.

Nam: Bác nói quá chuẩn!

Ông Ruân: Tối nay phải bắt mấy ông bạn rửa tai để nghe mới được.

Nam: Nhưng bác không được thêm mắm dặm muối đâu đấy nhé!

Ông Ruân: Cái thằng chỉ được cái nói đúng, bác chỉ tính chém một tí thôi, chứ nhất định không rời xa luật đâu.

Nam: Hay tối bác cho cháu tham gia cùng đi.

Ông Ruân: Thanh niên trẻ ngồi với mấy ông già nhiều chuyện là đau đầu lắm đấy nhé!

Nam: Mấy khi được đau đầu đâu bác.

Ông Ruân: Thế thì tối qua nhà ông Đông, nhớ chưa.

Nam: Cháu nhớ rồi, cháu xin phép về, hẹn bác tối nay ạ.

Ông Ruân: Ừ, về đi.

Nam vui vẻ ra về. Qua lời anh Dũng, và việc phổ biến cho bác Ruân, Nam đã khắc sâu hơn những hành vi bị nghiêm cấm đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển. Suy cho cùng, Luật đưa ra là để nhắc con người nhớ cái gì nên làm, cái gì không nên làm. Còn với con người, nếu ai cũng sống có kỷ luật, có trách nhiệm thì sẽ không bao giờ làm sai luật. Và với Nam, kỷ luật thép đó là rèn luyện bản thân mỗi ngày. Mình hôm nay chắc chắn phải là một phiên bản tốt hơn mình của ngày hôm qua.

Cảnh sát biển Việt Nam