Bữa cơm chiều cuối năm
09/02/2018 - 10:49

TĐKT - Thế Lữ đã từng cảm khái: “…Hôm nay tạm nghỉ bước gian nan/ Trong lúc gần xa pháo nổ vang/ Rũ áo phong sương trên gác trọ/ Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang…”. Ông đã tạm gác lại mọi nỗi niềm trắc ẩn của dòng đời, để lặng lẽ quan sát thiên hạ vào xuân, nhưng còn lòng mình, ông không khỏi chạnh buồn man mác khi lặng nhìn thiên hạ vui vầy tề tựu chào xuân hay nói nôm na là “ăn Tết”.

Hàng năm cứ vào chiều cuối năm, mỗi gia đình Việt đều chuẩn bị mâm cơm đầy đủ những món ăn ngon để cúng tổ tiên, ông bà, kết thúc một năm cũ và mong cho một năm mới nhiều may mắn.

Chiều cuối năm, nhà nhà đều hân hoan ngày hạnh ngộ, tạm quên đi bao bộn bề, lo toan của cuộc sống, để thay vào đó là sự nhẹ nhàng, bình yên trong tâm hồn mỗi con người khi hòa vào không khí ấm áp tình thân của gia đình.

Là một người lính xa nhà, xa những cái tết quê hương, những ngày cuối năm là dịp tôi nghĩ nhiều hơn về gia đình, ông bà, bố mẹ, các em… nơi cội nguồn của tuổi thơ tôi lớn lên. Ở trên mảnh đất phương nam này, cái tiết trời tết dường như đặc biệt hơn với những kẻ xa quê, cái tết cồn cào trong tâm hồn, cứ bịn rịn khôn nguôi  khi  mỗi độ xuân về. Tôi nhớ lắm! Bữa cơm chiều cuối năm, bữa cơm chiều 30 tết.

Trong tâm khảm của tôi, bữa cơm chiều cuối năm luôn vô cùng đặc biệt, không chỉ là một bữa ăn như thường ngày, mà đó là dịp để mọi người trong nhà đoàn tụ sau những tháng ngày bôn ba với cuộc sống, cùng nhau sửa soạn bữa cơm trong sự vui vẻ và ấm cúng.

Ngồi trong căn bếp nhỏ, mùi bánh chưng thơm nức và nóng hổi, bốn chị em cùng chuyện trò, đứa thì gói chả giò, đứa thì giành bóp dưa hành, đứa thì lo đẩy củi cho nồi bánh chưng… Thằng cu út thì tay thò tay thụt vào mâm cỗ, rối rít hỏi mẹ với giọng điệu ngọng líu: “Mềnh chúng (cúng) ông bà chụ (cụ) song (xong), mới được ăn hả mẹ?”

Ánh mắt mẹ hiền toát lên niềm hạnh phúc trước sự ngây thơ của con trẻ, trong sự ấm áp đoàn viên. Cũng ánh mắt ấy có lúc lại chùng xuống khi nghĩ về khoảng không xa xăm, nơi đó có hình ảnh của bố, một người lính luôn vắng mặt trong những ngày tết. Chỉ 5 mẹ con tíu tít mong bố về, mong bố có một cái tết sum vầy bên gia đình. Biết điều đó rất khó nhưng ẩn sâu trong ánh mắt của mẹ thấp thoáng niềm vui, niềm tự hào về bố. Nỗi niềm thầm kín ấy những đứa trẻ như chúng tôi đến giờ mới hiểu được qua ánh mắt của mẹ, một người vợ đảm nhiệm vai trò của người bố luôn một mình cáng đáng mọi việc trong cuộc sống, nhưng lại rất hạnh phúc, rất hãnh diện vì mình là vợ của một người lính.

Bữa cơm chiều cuối năm của mẹ con tôi đầm ấm nhưng vẫn khuyết, niềm vui chưa trọn vẹn khi thiếu bóng hình của người chồng, người cha, vì phải thực hiện nhiệm vụ xa nhà.

Không chỉ là dịp để gia đình bên nhau, mâm cơm 5 mẹ con tôi chuẩn bị vào chiều 30 tết dâng lên ông bà, tổ tiên nhằm thể hiện lòng thành kính, mời ông bà, tổ tiên, những người đã khuất cùng về ăn tết với mẹ con chúng tôi. Thế nên mâm cơm cuối năm dù chỉ  mẹ con giản dị, đạm bạc, thiếu bóng dáng bố nhưng luôn thể hiện sự ấm cúng, gắn kết giữa các thành viên, tỏ lòng biết ơn với các đấng sinh thành. Bữa cơm cuối năm cùng nhau ôn lại chuyện cũ, bàn tính chuyện năm mới ra sao trong niềm hân hoan và đầy tin tưởng.

Khi đã cháy hết ba tuần hương, mẹ cẩn trọng bưng mâm cỗ từ bàn thờ xuống. Mẹ con lại sum vầy đầy đủ bên mâm cơm ấm áp nhưng trong lòng ai cũng thấp thoáng bóng hình bố. Vẫn biết rằng, sau này chúng tôi khi lớn lên đủ lông đủ cánh, đàn chim sẽ bay đi khắp bốn phương để kiếm sống, để thỏa sức vùng vẫy trong bầu trời mênh mông, nhưng cánh chim nào rồi cũng mỏi, cũng gặp những trận cuồng phong bão táp, và lúc nào cũng nhớ mình đang xa chốn quê, đang xa vòng tay cha mẹ. Lại nhanh chóng hối hả bay về tìm chỗ nương náu bình yên nhất nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Đó là gia đình.Và mâm cơm chiều 30 tết của 5 mẹ con đã hằn sâu trong cảm xúc của 4 chị em tôi.

Bây giờ, khi chị em tôi đã khôn lớn, mỗi đứa một nghề, riêng tôi lại đi theo con đường binh nghiệp của bố, và mâm cơm chiều cuối năm của mẹ có sự đoàn viên của bố, nhưng lại thiếu bóng dáng của tôi. Nhìn hình ảnh những người lính xa quê vào dịp cuối năm không về bên mẹ, bên gia đình thân yêu, không cùng các thành viên đón chào năm mới bằng mâm cơm chiều 30, tôi càng hiểu hơn sự vất vả, sự cô đơn của bố, sự hy sinh tất cả quyền riêng tư của người lính cho mâm cơm đủ đầy, bình yên của các gia đình người Việt trên lãnh thổ Việt Nam.

Vào cuối năm, là dịp mọi người tìm về tổ ấm để đoàn tụ, cùng nhau ăn bữa cơm để tiễn biệt năm cũ, đón chào năm mới. Nhưng đôi khi, guồng quay hối hả đã vô tình khiến chúng ta quên mất giây phút thanh bình và yên ấm bên bữa cơm gia đình. Nhịp sống vội vã nên có khi trở về thì bát cơm đã nguội còn đâu...

Có câu nói rằng: tận cùng của đường về nhà chính là khai mở cho ta con đường để đi ra cuộc đời mà không lầm lạc. Đừng bao giờ quên ngọn khói lam chiều vương vất trên mái nhà, đừng bao giờ quên mùi thơm của nồi cơm đang sôi trên bếp lửa bập bùng trong bữa cơm chiều cuối năm.

Mâm cơm ngày cuối năm là nét văn hoá đẹp của người Việt. Và mâm cơm ngày cuối năm cũng in đậm trong tâm trí của nhiều thế hệ người Việt, trở thành truyền thống, đạo lý sâu xa, giáo dục về lòng hiếu thảo, về cội nguồn dân tộc.

Mùa xuân đang chuẩn bị về trên khắp nẻo đường quê hương, tôi bất giác lại nhớ đến bốn khổ thơ trong bài thơ nhớ quê ngày tết của tác giả Tường Võ: “Năm nay đón Tết xa nhà/ Sao nghe lạnh lẽo thiết tha nhớ về/ Năm nào đón Tết ở quê/ Có cha, có mẹ cận kề bên con”.

 Hoàng Thị Bích Ngọc