Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hoá Thủ đô Hà Nội
20/09/2018 - 10:45

TĐKT- Ngày 19/9, tại Hà Nội, UBND TP Hà Nội phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa Thủ đô Hà Nội” nhằm mục đích từ những góc tiếp cận khác nhau, thêm một lần nữa phân tích, khẳng định những giá trị to lớn tiềm ẩn trong các di tích lịch sử, văn hóa của Thủ đô.

Tại Hội thảo, đại biểu đã được nghe nhiều tham luận của các nhà quản lý, chuyên gia và các nhà khoa học. Trong đó, nhiều tham luận đã thẳng thắn đề cập đến những vấn đề đang được quan tâm trong thời gian qua.

Các tham luận được chia ra làm 3 nhóm nội dung: Những vấn đề chung; giá trị tiềm năng của di tích lịch sử - văn hóa Hà Nội; bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa Hà Nội.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết: Hiện trên địa bàn Hà Nội là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng di tích lịch sử văn hóa (với 5.922 di tích). Hơn thế nữa, trong bảng tổng các di tích lịch sử văn hóa của Hà Nội, chúng ta thấy có đủ 4 loại di tích được phân định tại Luật Di sản Văn hóa (2001), Luật bổ sung và sửa đổi một số điều của Luật Di sản Văn hóa (2009). Đó là các di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ học và danh lam thắng cảnh.

Hội thảo Khoa học: Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hoá thủ đô Hà Nội

Thời gian qua, ngành văn hóa và thể thao Hà Nội đã cố gắng tới mức tối đa để bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp di tích, phát huy giá trị của di tích trong đời sống đương đại. Hà Nội là một trong những địa phương gặt hái được nhiều kết quả có tính thuyết phục trên các lĩnh vực nghiên cứu, lập hồ sơ xếp hạng di tích, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích; khơi dậy những tiềm năng ẩn chứa trong các di tích, phục vụ có hiệu quả cho công tác giáo dục kiến thức lịch sử, giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch, tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Nội là du lịch…

Tuy nhiên, làm thế nào để công tác bảo tồn, tôn tạo của Hà Nội hiệu quả, có thể phát huy được giá trị di tích là điều mà các cơ quan quản lý văn hóa, các nhà khoa học dành nhiều thời gian bàn thảo. Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích, Hà Nội cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao vai trò quản lý các cấp, giáo dục cộng đồng thêm yêu di sản mình đang có. Thời gian tới, Hà Nội nên phát huy giá trị các di sản bằng nhiều hình thức, trong đó nên gắn hoạt động của các khu di sản với các lễ hội, các sự kiện lớn của Hà Nội và đất nước, đặc biệt là các sự kiện hướng tới mốc kỷ niệm 1010 năm vua Lý Thái Tổ định đô tại Thăng Long, Hà Nội.

GS.TSKH Lưu Trần Tiêu cho rằng: Hà Nội cần phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Để biến tiềm năng của di sản văn hóa thành nguồn lực cho phát triển bề vững, TP Hà Nội cần có đủ điều kiện, cơ sở vật chất, kỹ thuật và tri thức để triển khai số hóa dữ liệu và di sản văn hóa để có thể khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu mở phục vụ công tác quản lý và trao đổi thông tin. Đối với các khu di sản có quy mô như chùa Hương, Cổ Loa…, cần ứng dụng hệ thống thông tin địa lý, viễn thám trong công tác quản lý, bảo tồn. Bên cạnh đó, để phát huy giá trị di sản, Ban quản lý các khu di sản cần đẩy mạnh công tác marketing, nghiên cứu thị trường.

Hồng Thiết