Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
01/12/2020 - 15:32

TĐKT- Với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X sẽ đánh giá kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2016 - 2020; đề ra mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ của phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2021 - 2025; tôn vinh các tập thể, cá nhân Anh hùng, Chiến sĩ thi đua, các gương điển hình tiên tiến tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua. Liên quan đến công tác chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, phóng viên Tạp chí Thi đua Khen thưởng có cuộc phỏng vấn đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

PV: Thưa đồng chí, sau khi Bộ Chính trị (Khóa XI) ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, các phong trào thi đua trong cả nước đã phát triển sâu rộng với nhiều đổi mới về nội dung, hình thức và phương pháp tổ chức. Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật trong phong trào thi đua yêu nước những năm gần đây?

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh:

Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” là những quan điểm chỉ đạo, định hướng quan trọng để các cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng. Sau khi Bộ Chính trị (Khóa XI) ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW, các phong trào thi đua yêu nước trên cả nước có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức, thiết thực và hiệu quả hơn. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo chính quyền các cấp đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã chủ động và phối hợp để tổ chức các phong trào thi đua, bám sát nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, được đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia hưởng ứng. Các phong trào thi đua yêu nước đã tập trung hướng về cơ sở và người lao động, gắn kết chặt chẽ với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trở thành động lực quan trọng, thực sự đi vào cuộc sống, khơi dậy, động viên, lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng. Tiêu biểu là 4 phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động.

Sau 10 năm thực hiện, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã đạt nhiều thành tựu to lớn, góp phần đưa Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 về đích trước gần 2 năm. Các tỉnh, thành phố đã tổ chức phát động phong trào thi đua với nhiều tên gọi, cách làm phù hợp với tình hình thực tiễn, bám sát vào nhiệm vụ trọng tâm, như: Tổ chức dồn điền, đổi thửa, phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, hệ thống giao thông nông thôn, đưa khoa học, công nghệ vào sản xuất, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao thu nhập người dân... Xây dựng nông thôn mới hoàn thành trước thời hạn gần 2 năm. Tính đến tháng 10/2020, cả nước có 5.358 xã (60,3%) đạt chuẩn nông thôn mới và 162 đơn vị cấp huyện (24,4%) của 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; có 9 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Qua phong trào, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao, bộ mặt nông thôn được đổi mới, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện; tư duy, nhận thức của cán bộ và nhân dân trong xây dựng nông thôn mới ngày càng chuyển biến rõ nét, người dân ý thức được xây dựng nông thôn mới là xây dựng đời sống mới cho chính mình, mình là chủ thể, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tự giác cao trong tổ chức thực hiện.

Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, đóng góp tích cực trong nỗ lực giảm nghèo, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 9,2% năm 2016 xuống dưới 3% vào năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều). Nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo đã được các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện như: Khám, chữa bệnh miễn phí, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo; miễn, giảm học phí, trao học bổng, tín dụng ưu đãi cho học sinh, sinh viên nghèo; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nghèo; hỗ trợ xây dựng nhà ở, vay vốn tín dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; khuyến khích hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình phúc lợi, dân sinh ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” đã được các cấp, các ngành triển khai tích cực; từng ban, bộ, ngành, tỉnh, thành phố đều đã ban hành nghị quyết chuyên đề, kế hoạch tổ chức thực hiện, cụ thể hóa các nội dung của phong trào nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống tiêu chuẩn tiên tiến, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu và bảo hộ sản phẩm; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu tình hình mới… Trong điều kiện rất khó khăn do dịch Covid-19 và khủng hoảng, suy thoái kinh tế thế giới nghiêm trọng, nhưng số doanh nghiệp thành lập mới từ năm 2016 đến nay liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước. Theo Tổng cục Thuế, đến thời điểm ngày 19/10/2020, toàn quốc có 799.500 doanh nghiệp đang kinh doanh, tăng 41.967 doanh nghiệp (5,54%) so với thời điểm ngày 31/12/2019.

Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” được các ban, bộ, ngành, địa phương tích cực hưởng ứng, bước đầu tạo nên những chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động; tự tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao ý thức, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và chiến sĩ lực lượng vũ trang; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, qua đó tiếp tục xây dựng hình ảnh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu, tận tụy, chuẩn mực, chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, tận tình, thân thiện; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua những việc làm cụ thể hàng ngày, trên mọi lĩnh vực công tác.

Bên cạnh đó, các phong trào thi đua, các cuộc vận động do ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh thành phố, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã - hội phát động, triển khai đã có bước phát triển mới, hướng về cơ sở, các khu dân cư với nhiều cách làm sáng tạo, như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với trên 90% gia đình trên toàn quốc tham gia, hơn 16 triệu gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 70% thôn, làng, bản, ấp, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa; phong trào thi đua thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc”; phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”; phong trào “Dạy tốt, học tốt”; phong trào “Vì an ninh Tổ quốc”; phong trào "Thi đua Quyết thắng", các hoạt động nhân ái, từ thiện phát triển mạnh mẽ và trở thành ý thức tự giác của mỗi người dân…

Có thể nói, phong trào thi đua yêu nước phát triển sâu rộng trong cả nước đã từng bước được đổi mới với nhiều hình thức, nội dung phong phú, bám sát nhiệm vụ chính trị và tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Các phong trào thi đua đã trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Qua các phong trào thi đua yêu nước đã có nhiều tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc, được các ngành, các cấp khen thưởng, tôn vinh; nhiều mô hình được xây dựng có hiệu quả, ngày càng được nhân rộng, huy động được tiềm năng, sức sáng tạo và sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, đóng góp to lớn vào thành tựu 35 năm đổi mới, tô thắm thêm truyền thống yêu nước và vận dụng sáng tạo tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất".

PV: Xin đồng chí cho biết ý nghĩa của Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X?

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh:

Cũng như các Đại hội thi đua yêu nước trước đây, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X là sự kiện chính trị quan trọng, là ngày hội lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta; là nơi hội tụ, biểu dương, tôn vinh các Anh hùng, Chiến sĩ thi đua, gương điển hình tiên tiến, những nhân tố tiêu biểu xuất sắc nhất trong phong trào thi đua yêu nước của cả nước; là nơi giao lưu, chia sẻ những cách làm hay, những mô hình mới, nhằm tạo sự lan tỏa ý nghĩa nhân văn, truyền thống đạo đức quý báu của đất nước và con người Việt Nam trong xã hội, đặc biệt trong tình hình mới hiện nay.

Hai là, Đại hội sẽ tổng kết phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng trong 5 năm (2016 - 2020), rút ra bài học kinh nghiệm thiết thực về nội dung, hình thức, phương thức tổ chức các phong trào thi đua yêu nước; về kinh nghiệm xây dựng, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến nhằm tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng giai đoạn tiếp theo.

Ba là, trên cơ sở khẳng định những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong 35 năm đổi mới của đất nước; những kết quả của phong trào thi đua và công tác khen thưởng trong 5 năm qua, tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và khơi dậy sức mạnh to lớn của các tầng lớp nhân dân; tiếp tục bồi dưỡng lòng yêu nước, ý chí quật cường, lòng tự hào dân tộc trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Bốn là, Đại hội góp phần tiếp tục khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tạo động lực mới nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; phát động phong trào thi đua với nội dung và yêu cầu mới, gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới theo Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị và Luật Thi đua - Khen thưởng.

PV:  Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X là sự kiện chính trị rất quan trọng. Thưa đồng chí, tới thời điểm này, công tác tổ chức Đại hội đã được chuẩn bị đến đâu?

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh:

Trước hết, đối với Đại hội Thi đua yêu nước các cấp tới nay đã được tổ chức tốt, bảo đảm nội dung, yêu cầu đề ra và có những nét đổi mới. Đặc biệt, Đại hội các đơn vị đã lựa chọn, biểu dương, tôn vinh những điển hình, nhân tố mới, những tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực và được tuyên truyền sâu, rộng trên báo, đài trung ương và địa phương, tạo khí thế và không khí phấn khởi trước và trong Đại hội Đảng bộ của các bộ, ngành, địa phương, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Về công tác chuẩn bị Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, Ban Tổ chức Đại hội đã xây dựng và thống nhất kế hoạch Đại hội, xác định nội dung, tiến độ, thời gian và phân công thực hiện. Đến nay, các tiểu ban phục vụ Đại hội đã hết sức tích cực thực hiện nhiệm vụ và cơ bản hoàn thành các công việc được giao theo đúng yêu cầu và tiến độ đề ra.

Tiểu ban Nội dung đã hoàn thiện dự thảo báo cáo chính của Đại hội; phân bổ và thành lập các đoàn đại biểu về dự Đại hội; dự thảo các bài phát biểu và xây dựng kịch bản điều hành Đại hội; đang tập trung lựa chọn các điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc để giao lưu và tham luận tại Đại hội.

Tiểu ban Tuyên truyền đã ban hành Đề cương tuyên truyền về Đại hội Thi đua yêu nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở các chuyên trang, chuyên mục về Đại hội thi đua và tuyên truyền, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, các điển hình tiên tiến. Tiến hành xây dựng phim tài liệu, phóng sự về các phong trào thi đua. Phối hợp xây dựng kịch bản giao lưu, tôn vinh tập thể, cá nhân “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, “Anh hùng Lao động” và các điển hình tiên tiến xuất sắc. Chuẩn bị hình ảnh giới thiệu các thành tựu kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2016 - 2020 và chương trình nghệ thuật chào mừng Đại hội.

Tiểu ban Hậu cần - An ninh đã ban hành hướng dẫn chi tiêu của Đại hội. Xây dựng, hoàn thiện phương án, chuẩn bị các điều kiện về vật chất, phương tiện, nơi ăn nghỉ của đại biểu... để đảm bảo an ninh, an toàn và phục vụ tốt công tác tổ chức Đại hội.

PV: Tại mỗi kỳ Đại hội, việc lựa chọn nhân tố điển hình để tôn vinh là công việc vô cùng ý nghĩa. Việc lựa chọn nhân tố điển hình tại Đại hội lần này được chuẩn bị ra sao, thưa đồng chí?

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh:

Tôn vinh các gương điển hình tiên tiến, mô hình mới, người tốt việc tốt, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ là nội dung trọng tâm, có ý nghĩa quyết định thành công của Đại hội thi đua yêu nước. Đây là những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong lao động sản xuất, học tập, công tác; là những lá cờ đầu, nhân tố nổi trội có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước. Đặc biệt, từ trong thực tiễn cuộc sống và những diễn biến gần đây, Đại hội sẽ quan tâm vinh danh những tấm gương dũng cảm, hi sinh quên mình trong việc cứu giúp người qua những cơn bão lũ, đại dịch Covid-19, trong đấu tranh bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân và những tấm gương cống hiến cao cả trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X có khoảng 2.000 đại biểu tham dự. Ngoài số đại biểu theo cơ cấu, được lựa chọn từ Đại hội cấp dưới, sẽ có nhiều đại biểu là cá nhân, đại diện tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới (được phong tặng từ sau Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX đến nay), Chiến sĩ thi đua toàn quốc giai đoạn 2016 - 2020, 73 cá nhân tiêu biểu trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cá nhân tiêu biểu đại diện của 53 dân tộc thiểu số. Đặc biệt, có 20 điển hình tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 là những người trực tiếp tại tuyến đầu phòng, chống dịch; 30 tài năng trẻ tiêu biểu, thiếu niên, nhi đồng xuất sắc; 15 nhà báo tiêu biểu...

PV: Để phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được trong thời gian qua, xin đồng chí cho biết một số định hướng triển khai phong trào thi đua yêu nước trong thời gian tới?

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh:

Để phát huy những kết quả, thành tích mà các phong trào thi đua yêu nước đã đạt được trong suốt 72 năm qua, các cấp, các ngành cần tiếp tục quán triệt, thấm nhuần sâu sắc tư tưởng thi đua yêu nước Hồ Chí Minh, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong thời gian tới, tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng sắp được Đại hội thông qua. Đồng thời, tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí và tác dụng to lớn của công tác thi đua - khen thưởng, coi thi đua yêu nước là động lực to lớn thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Các bộ, ngành, địa phương, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp tăng cường lãnh đạo, tiếp tục chỉ đạo tập trung thực hiện 4 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” gắn với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, đồng thời gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị của đất nước và của bộ, ngành, địa phương.

Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua theo hướng tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị và chủ đề thi đua giai đoạn 2020 - 2025: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở cả bốn khâu: Phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến. Chú trọng tuyên truyền, nhân rộng các gương điển hình, các ảnh hưởng tích cực trong xã hội, quan tâm khen thưởng nhiều hơn nữa những tập thể, cá nhân tiêu biểu trực tiếp trong lao động, sản xuất, công tác và học tập. Tăng cường tuyên truyền, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải cách tư pháp, cải cách hành chính; phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”, tạo không khí phấn khởi, đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân và trong toàn xã hội, để thi đua thực sự là động lực to lớn, góp phần cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Phương Thanh (thực hiện)