TĐKT - Ngày 23/9, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Đại hội thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VII giai đoạn 2016 - 2020. Dự Đại hội có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Về phía Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, có: Ủy viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Đức Toàn.
Khoảng 260 đại biểu khách mời tham dự Đại hội, gồm: Đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện một số bộ, ban, ngành Trung ương; Vụ Tổ chức công vụ, Văn phòng Chính phủ; nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT qua các thời kỳ; nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam từ năm 2016 đến nay; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc cơ quan Bộ GD&ĐT và một số đơn vị trực thuộc Bộ; đại diện lãnh đạo 63 Sở GD&ĐT…
Cùng dự có hơn 400 đại biểu là các tập thể và cá nhân đang được đề nghị danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; các Chiến sĩ thi đua toàn quốc giai đoạn 2016 – 2020; các Nhà giáo Nhân dân được phong tặng năm 2017; đại diện tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến; học sinh đoạt huy chương Vàng trong các kỳ thi Olympic quốc tế các môn văn hóa năm 2020; sinh viên nghiên cứu khoa học đạt giải nhất năm 2019.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Đại hội.
Đây là sự kiện chính trị quan trọng, khẳng định sự phát triển của phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua - khen thưởng trong 5 năm qua, là ngày hội tôn vinh những điển hình tiên tiến, tấm gương người tốt, việc tốt trong toàn ngành Giáo dục.
Báo cáo tại Đại hội, Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay, ngành Giáo dục đã và đang triển khai mạnh mẽ yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng. Ngành đã phát động phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” cùng với việc triển khai phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”…
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và các đại biểu dự lễ chào cờ.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành Giáo dục đã tích cực triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phát động. Các phong trào thi đua yêu nước đã thúc đẩy sự nỗ lực, sáng tạo, thi đua phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị chung của ngành Giáo dục cũng như của mỗi cơ quan, đơn vị. Qua các phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Đại hội.
Theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tiến bộ vượt bậc của khoa học - công nghệ sẽ thúc đẩy quá trình số hóa, làm thay đổi mạnh mẽ trên các lĩnh vực, kể cả trong phương thức quản trị của ngành, phương thức dạy - học, tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Ngành Giáo dục càng phải thấm nhuần sâu sắc, thực hiện tốt hơn nữa lời dạy của Bác Hồ là đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước và dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho ngành GD&ĐT
Ngành Giáo dục cần tập trung thực hiện hiệu quả chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy vai trò quốc sách hàng đầu đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế; tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung chương trình, phương pháp giáo dục và đào tạo; chú trọng hơn nữa giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, phẩm chất, năng lực sáng tạo, khơi dậy khát vọng vươn lên, ý chí tự lực tự cường, lòng tự hào và tự tôn dân tộc; đẩy mạnh đổi mới đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản trị nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, ngăn ngừa và xử lý nghiêm minh tiêu cực.
Ngành Giáo dục cần triển khai sâu rộng trong toàn ngành các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gắn công tác thi đua, khen thưởng với xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh để từng ngôi trường, điểm trường là đơn vị luôn sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn, hạnh phúc. Bộ GD&ĐT cần thường xuyên quan tâm, biểu dương, khen thưởng những cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên có thành tích, nhất là thành tích đặc biệt xuất sắc, đột xuất.
Dịp này, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã tặng bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho ngành Giáo dục và Đào tạo.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trao Bằng khen và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng trao hoa cho các tập thể, cá nhân.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong 5 năm qua, các nhà trường đã chủ động đổi mới phương pháp giáo dục, có nhiều hoạt động cụ thể nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hoạt động của đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên và học sinh, sinh viên. Nhiều mô hình, sáng kiến trong dạy và học đã được các cơ sở giáo dục thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Nội dung “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” được các cơ sở giáo dục cụ thể hóa phù hợp với các cấp học, bậc học, ngành học với phương châm mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy, mỗi ngày tới trường đều nỗ lực đổi mới, cải tiến trong công việc và nhà giáo cùng nhau phát triển.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và phát động phong trào thi đua giai đoạn 2020 - 2025 với chủ đề: “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”.
Tại Đại hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã tặng Bằng khen cho 24 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Đại hội cũng đã thông qua danh sách 30 đại biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.
Hồng Thiết