Phong trào thi đua

VIDIFI: thi đua là động lực hoàn thành những công trình trọng điểm

TĐKT - Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là "Đường cao tốc đạt tiêu chuẩn tiên tiến của quốc tế, một công  trình đường cao tốc hiện đại nhất của Việt Nam đến thời điểm hiện nay, một con đường có rất nhiều ý nghĩa" và "là con đường đạt tiêu chuẩn thiết kế hiện đại nhất, tiên tiến nhất. Có được thành công đấy chính là nhờ sự nỗ lực của Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI).” Để có được thành công như ngày hôm nay, VIDIFI gặp không ít khó khăn. Trước hết, đây là đường cao tốc đầu tiên ở Việt Nam không được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước mà bằng vốn vay thương mại, theo hình thức BOT. Vì vậy, cơ chế chính sách để triển khai dự án này chưa đồng bộ, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, tiềm ẩn rủi ro cao về pháp lý, kỹ thuật và kinh tế, ảnh hưởng đến việc điều hành, chỉ đạo tiến độ công việc cũng như tư tưởng của cán bộ, nhân viên. Do đó, nhiệm vụ chính trị là nặng nề và phức tạp. Đứng trước nhiệm vụ nặng nề với những thuận lợi và khó khăn, tập thể Tổng công ty đã nỗ lực, cố gắng hết mình, tích cực thực hiện nhiều sáng kiến, góp phần hoàn thành dự án đạt yêu cầu nhiệm vụ được giao. Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Tỉnh cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của dự án là con đường của hội nhập quốc tế, Tổng công ty đã lựa chọn tư vấn thiết kế quốc tế có năng lực và kinh nghiệm hàng đầu của Hàn Quốc và Việt Nam để thiết kế Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có áp dụng một số tiêu chuẩn quốc tế. Trong quá trình thực hiện, Tổng công ty đã thành lập Ban Quản lý dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để quản lý dự án và lựa chọn đơn vị tư vấn giám sát quốc tế (Liên doanh Tư vấn Meinhardt International Pte Ltd và Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Nhật Việt) có năng lực, kinh nghiệm thay mặt chủ đầu tư giám sát các nhà thầu thi công theo đúng nghĩa vụ trong các hợp đồng xây lắp đã ký. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, tổ chức tư vấn giám sát đã huy động các chuyên gia nước ngoài, các chuyên gia trong nước có đủ trình độ, kinh nghiệm để xử lý các công việc của dự án. Lãnh đạo Tổng công ty thường xuyên tổ chức kiểm tra hiện trường thi công, chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay tại công trường, quán triệt đội ngũ cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát thực hiện quản lý chất lượng chặt chẽ, kịp thời phát hiện những sai phạm về chất lượng, yêu cầu dỡ bỏ, thi công lại, kiên quyết loại bỏ vật liệu không đảm bảo chất lượng ra khỏi công trường. Nhờ vậy, chất lượng công trình được Hội đồng nghiệm thu nhà nước và các cơ quan chuyên ngành của Bộ Giao thông Vận tải đánh giá tốt và ghi nhận đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là một trong những đường cao tốc hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam. Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng Hiện nay, dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng trước thời hạn, tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng chi phí vốn vay. Điều đặc biệt, dự án đã tạo nên một trục giao thông quan trọng nối liền vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; kết nối thủ đô Hà Nội với cảng biển lớn nhất phía bắc – cảng Hải Phòng, sân bay quốc tế Cát Bi với TP Hạ Long và vùng đông bắc của Tổ quốc, tạo động lực phát triển mạng lưới giao thông khu vực với chiến lược phát triển giao thông Việt Nam đến 2020. Rút ngắn thời gian lưu thông từ Hà Nội đi Hải Phòng chỉ còn một nửa thời gian so với trước đây. Dự án vinh dự được chọn lựa là công trình chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Song song với đó, để động viên cán bộ, nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, Tổng công ty thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua bám sát nhiệm vụ, triển khai có trọng tâm, trọng điểm; có sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương, thưởng phạt kịp thời, tạo được khí thế sôi nổi, sự phấn đấu vươn lên của từng đơn vị góp phần quan trọng hoàn thành nhiệm vụ. Qua phong trào thi đua, Tổng công ty đã biểu dương, khen thưởng thành tích nhiều đơn vị và cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Điển hình: Ban Quản lý dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đơn vị chịu trách nhiệm chính trong công tác quản lý dự án. Bên cạnh đó là các đơn vị hỗ trợ trực tiếp công tác quản lý dự án: Ban Kỹ thuật, Ban Quản lý giá, Ban Pháp chế... Ngoài ra, có nhiều lượt cán bộ đã được khen thưởng xứng đáng vì thành tích bám sát hiện trường, chủ động, sáng tạo hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong đó, có trên 50 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, nhiều lượt cán bộ được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Các đồng chí lãnh đạo Tổng công ty luôn là những người tiên phong, gương mẫu, ngoài các lĩnh vực công việc được phân công đã không quản ngày đêm bám sát hoạt động công trường để kiểm tra hiện trường và tháo gỡ vướng mắc, kiểm soát chất lượng, thúc đẩy tiến độ hoàn thành từng đoạn, tuyến. Các đơn vị triển khai trực tiếp, đơn vị hỗ trợ đều tăng cường làm việc với tinh thần hết sức khẩn trương. Với những nỗ lực không ngừng, trong 2 năm 2014 - 2015, VIDIFI đạt danh hiệu "Tập thể lao động xuất sắc"; Bằng khen của Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, năm 2016, đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được gắn biển công trình chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được vinh danh là công trình có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2011 - 2015. Hồng Thiết

Ngành Giao thông Vận tải tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác

TĐKT - Chiều 5/4, tại Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) họp báo quý I/2017. Với phương châm hành động "Phát huy truyền thống đi trước mở đường, tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, quyết liệt hành động vì lợi ích của người dân và cộng đồng doanh nghiệp", sau 3 tháng triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các giải pháp thực hiện, các lĩnh vực công tác chủ yếu của Bộ GTVT đã hoàn thành kế hoạch đề ra. Công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch và đề án khác về GTVT đã hoàn thành 100% kế hoạch quý I/2017. Công tác quản lý vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là tăng cường thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, hướng dẫn thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải, thí điểm triển khai các loại hình vận tải chưa được quy định trong Luật. Tổng sản lượng vận tải quý I/2017 ước đạt 350,1 triệu tấn hàng, tăng 14,7%; đạt 969,9 triệu lượt hành khách, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2016.   Bộ GTVT họp báo quý I/2017 Bộ đã đôn đốc các đơn vị triển khai, rà soát các vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông và đã xử lý 112 điểm trong quý I/2016. Từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 4.812 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.114 người, làm bị thương 3.835 người; so với cùng kỳ năm 2016, giảm 175 vụ, giảm 80 người chết, giảm 687 người bị thương. Tình hình giảm ùn tắc giao thông có tiến triển tốt.   Cùng với đó, ngay trong những ngày đầu năm 2017, lãnh đạo Bộ đã trực tiếp kiểm tra, đôn đốc tiến độ một số dự án trọng điểm của ngành: dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông; đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Cảng hàng không Cam Ranh, Vân Đồn... Bộ đã lập, trình quyết toán 22 dự án với giá trị trên 10.301 tỷ đồng, đạt 19% kế hoạch cả năm, hoàn thành thẩm tra, phê duyệt quyết toán 21 dự án với giá trị duyệt trên 7.239 tỷ đồng, đạt 17% kế hoạch năm. Đối với nguồn vốn được giao năm 2017, kết quả giải ngân ước đạt gần 11.500 tỷ đồng, đạt 22,42% kế hoạch.    Công tác quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông được nâng cao. Công tác sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp Nhà nước được triển khai đúng lộ trình, đảm bảo tiến độ.      Phát huy kết quả đạt được, trong quý II/2017, Bộ sẽ tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc, kịp thời các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Tiếp tục bám sát Chương trình hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, toàn ngành tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác, phấn đấu hoàn thành kế hoạch quý II và 6 tháng đầu năm 2017 trên tất cả các lĩnh vực.  Phương Thanh

Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam tuyên dương các gương điển hình tiên tiến

TĐKT - Ngày 4/4, tại Hà Nội, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam tổ chức Lễ tuyên dương các gương điển hình tiên tiến và tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2016. Đến dự, có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương  Đặng Thị Ngọc Thịnh;  Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà; Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam Lê Minh Chuẩn. Cùng  dự có 300 đại biểu công nhân đạt thành tích xuất sắc trong năm qua. Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương  Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động cho các điển hình tiên tiến Tổng Giám đốc Tập đoàn Than – Khoảng sản Việt Nam (TKV), Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TKV Đặng Thanh Hải cho biết, năm 2016 là một năm khó khăn nhất đối với TKV kể từ khi thành lập đến nay. Đặc biệt là giai đoạn 8 tháng đầu năm, giá than và khoáng sản giảm sâu, thuế suất than trong nước tăng cao hơn so với các nước trong khu vực, than nhập khẩu tăng cao, sức tiêu thụ than, khoáng sản giảm, phải điều chỉnh giảm sản lượng khai thác than 3 triệu tấn than sạch so với năm 2015. Vấn đề đảm bảo ổn định sản xuất, việc làm và thu nhập của người lao động trong hoàn cảnh đó thực sự là bài toán khó có lời giải thỏa đáng. Trong khó khăn, bản lĩnh của người thợ mỏ lại được khẳng định. Tự hào với truyền thống 80 năm của công nhân vùng mỏ và ngành than, với truyền thống kỷ luật và đồng tâm của thợ mỏ anh hùng, bằng các giải pháp tích cực, hiệu quả, bằng sự linh hoạt, quyết liệt trong điều hành, bằng ý thức trách nhiệm, ý chí quyết tâm cao, TKV đã kiên trì mục tiêu “An toàn – Đổi mới – Hiệu quả - Phát triển”, nỗ lực phấn đấu và đã vượt qua những khó khăn, thách thức một cách ngoạn mục để thực hiện hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2016, đồng thời tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để tăng trưởng sản lượng cho các năm sau khi nhu cầu của thị trường tăng cao. Kết quả, doanh thu toàn Tập đoàn: 101,18 ngàn tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch và bằng 95% so với thực hiện năm 2015; lợi nhuận toàn Tập đoàn trên 800 tỷ đồng, bằng 133% kế hoạch và bằng 95% năm 2015. Đặc biệt, ngay từ ngày đầu năm, Tổng giám đốc,  Ban thường vụ Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đã phối hợp xây dựng kế hoạch, tổ chức phát động thi đua rộng rãi trong toàn Tập đoàn. Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân có thành tích xuất sắc năm 2016    Các nội dung thi đua chủ yếu của năm 2016 tập trung vào việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: thi đua hoàn thành kế hoạch phối hợp kinh doanh; thi đua đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng các công trình, dự án đầu tư quan trọng và đào lò xây dựng cơ bản; thi đua trong lĩnh vực áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, cơ giới hóa trong khai thác than hầm lò; thi đua thực hiện có hiệu quả các giải pháp tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất; thi đua lao động sáng tạo giành năng suất dẫn đầu Tập đoàn của các tổ, đội sản xuất; thi đua về công tác chăm sóc sức khoẻ, chăm lo điều kiện làm việc và sinh hoạt của người lao động… Theo đó, các đơn vị thành viên cũng đã triển khai bằng các quy chế, quy định cụ thể; tổ chức phát động thi đua với những nội dung, chỉ tiêu, hình thức phù hợp với tính chất, đặc điểm, điều kiện của đơn vị. 100% các đơn vị đã đăng ký hưởng ứng các phong trào thi đua do Tập đoàn phát động. Hàng trăm tổ, đội, công trường, phân xưởng đã đăng ký thi đua đạt năng suất dẫn đầu Tập đoàn. Điển hình: trong phong trào thi đua “Sản xuất giỏi, thu nhập cao”, Tập đoàn đã lựa chọn, tôn vinh 46 công nhân lao động giỏi, đạt mức thu nhập tiền lương trên 300 triệu đồng. Phong trào thi đua đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình, dự án quan trọng của Tập đoàn có ý nghĩa và đem lại hiệu quả hết sức quan trọng. Theo đó, phong trào không chỉ góp phần đảm bảo hiệu quả đầu tư các dự án mà quan trọng là quyết định cho việc chuẩn bị tăng trưởng sản xuất của TKV trong giai đoạn tiếp theo, góp phần đáp ứng nhu cầu về năng lượng cho nền kinh tế đất nước. Tiếp theo đó là  phong trào thi đua trong công tác đổi mới công nghệ, đào lò chống bằng neo đây là nội dung thi đua mới trong chương trình đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ và thực hiện cơ giới hóa trong khai thác, xây dựng mỏ hầm lò đã thực hiện được 6.556 m, bằng 2,82% tổng số mét lò đào và bằng 109,5% so với số đăng ký đầu năm. Với những nỗ lực không ngừng, năm 2016, TKV đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba, 21 Huân chương Lao động các hạng; Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng 59 Bằng khen. Phát huy thành tích đã đạt được, năm 2017, TKV tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua giai đoạn 2016 - 2020 với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động, để thực hiện thành công mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2017. Tại lễ tuyên dương, Tập đoàn đã phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2017 trong toàn Tập đoàn với chủ đề: “Phát huy truyền thống kỷ luật và đồng tâm; đoàn kết, sáng tạo, thi đua thực hiện hoàn thành toàn diện kế hoạch năm 2017 với mục tiêu: An toàn - Đổi mới - Phát triển”. Hồng Thiết

Toàn quân thi đua cao điểm “Uống nước, nhớ nguồn, đền ơn, đáp nghĩa”

TĐKT - Tổng cục Chính trị (TCCT) vừa có văn bản số 485/HD - CT, hướng dẫn tổ chức đợt thi đua cao điểm “Uống nước, nhớ nguồn, đền ơn, đáp nghĩa” kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017). Chủ đề của đợt thi đua cao điểm là “Uống nước, nhớ nguồn, đền ơn, đáp nghĩa”. Theo đó, toàn quân đẩy mạnh thi đua sẵn sàng chiến đấu cao, huấn luyện giỏi, xây dựng chính quy, chấp hành nghiêm kỷ luật; tập trung hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Thi đua làm tốt công tác chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, đối với quân đội và hậu phương quân đội. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, bộ, ngành, các lực lượng đẩy mạnh hoạt động "Đền ơn, đáp nghĩa" trên địa bàn; gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa”, chăm lo người có công với cách mạng, thương binh, gia đình liệt sĩ ở địa phương. Đẩy mạnh giao lưu kết nghĩa, nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; quan tâm giúp đỡ thương binh, bệnh binh nặng, gia đình liệt sĩ khó khăn, neo đơn; tu sửa, tôn tạo, làm đẹp nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ... Trong đợt thi đua này, toàn quân sẽ phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, bộ, ngành đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo người có công với cách mạng… Việc tổ chức đợt thi đua cao điểm gắn với thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ" trong toàn quân và các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ trong toàn quốc. Đợt thi đua được tổ chức nhằm tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đạo lý "Uống nước, nhớ nguồn, đền ơn, đáp nghĩa” của dân tộc, của Quân đội nhân dân Việt Nam, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức, lao động quốc phòng có nhận thức đúng, trách nhiệm cao, hăng hái thi đua thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người có công với cách mạng và thương binh, gia đình liệt sĩ... Nguyệt Hà

Tổng cục Hải quan sơ kết công tác quý I

TĐKT- Ngày 3/4, Tổng cục Hải quan tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác quý I, triển khai nhiệm vụ quý II/2017 với 35 điểm cầu tại các Cục Hải quan địa phương. Tới dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai. Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn chủ trì hội nghị. Trong quý I/2017, Tổng cục Hải quan đã hoàn thành đúng tiến độ 3 đề án trình Chính phủ và 16 đề án trình Tổng cục. Hiện đang tiếp tục thực hiện 1 đề án trình Bộ và 12 đề án trình cấp Tổng cục. Xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh về quy mô và tốc độ Nổi bật trong quý I, Tổng cục Hải quan đã xây dựng dự thảo Nghị định về thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại; Kế hoạch chi tiết triển khai Cơ chế một cửa quốc gia giai đoạn 2017 - 2018. Đồng thời trình Bộ Tài chính phương án tổng thể về đầu tư và tài chính, đáp ứng yêu cầu triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN. Song song với đó, Tổng cục Hải quan cũng đã phối hợp với các bộ, ngành tích cực triển khai Kế hoạch tổng thể triển khai cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016 - 2020 (tại Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 14/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ). Đến nay, đã có 11 bộ, ngành tham gia kết nối; 37 thủ tục hành chính được đưa lên cơ chế một cửa quốc gia với tổng số hồ sơ hành chính trên 290.000 bộ hồ sơ và trên 10.000 doanh nghiệp tham gia. Hoạt động xuất, nhập khẩu trong quý I cũng diễn ra khá sôi động. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng số tờ khai xuất, nhập khẩu ước tính trong quý I/2017 đạt 2,5 triệu tờ, tăng 17,2% so với cùng kỳ 2016 (trong đó số lượng tờ khai xuất khẩu ước đạt 1,2 triệu tờ, tăng 15,2% và số lượng tờ khai nhập khẩu ước tính là 1,3 triệu tờ, tăng 19,1% so với cùng kỳ 2016). Tại một số chi cục có lượng tờ khai hải quan tăng đột biến. Một số cục hải quan tỉnh, thành phố có phát sinh số tờ khai nhiều nhất: TP Hồ Chí Minh (570.000 tờ); Hải Phòng  (257.000 tờ); Bình Dương (232.000 tờ); Hà Nội (214.000 tờ); Đồng Nai (211.000 tờ); Bắc Ninh (196.000 tờ)… Tính đến hết 15/3/2016, trị giá xuất, nhập khẩu hàng hóa lớn tập trung ở các đội thủ tục, chi cục với kim ngạch và tốc độ tăng so với cùng kỳ: Chi cục Hải quan Yên Bình (Cục Hải quan Bắc Ninh) là 6,41 tỷ USD, tăng 16,5%; tại Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh: Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn KV1 với 4,11 tỷ USD, tăng 18,1%; Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư với 3,85 tỷ USD, tăng 10,4%; Chi cục Hải quan khu chế xuất Linh Trung với 3,46 tỷ USD, tăng 84,9%... Bên cạnh đó, một số Chi cục Hải quan sân bay có tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng - Sân bay Vũng Tàu với 684 triệu USD (tăng 42,5%); Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Cam Ranh với 18 triệu USD (gấp gần 2,5 lần); Chi cục Hải quan sân bay Quốc tế  Đà Nẵng với 6,9 tỷ USD, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong quý I/2017, tổng số lượng doanh nghiệp tham gia xuất, nhập khẩu đạt 50,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 12,5% so với cùng kỳ 2016. Số lượt phương tiện xuất, nhập cảnh cũng tăng. Trong quý I/2017, ước tính cả nước có 265 nghìn lượt phương tiện xuất, nhập cảnh, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó số lượt phương tiện xuất cảnh đạt 132.000 lượt, tăng 7,3% và nhập cảnh là 132.000 lượt, giảm 3,9%. Riêng đối với Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh - Khánh Hòa, tính trong 2 tháng đầu năm 2017 có hơn 4,6 nghìn lượt máy bay xuất, nhập cảnh. Trong đó có 2,33 nghìn lượt chuyến bay xuất cảnh và 2,32 nghìn lượt chuyến bay nhập cảnh. Tính bình quân mỗi ngày tại Cảng Cam Ranh có khoảng 40 chuyến xuất cảnh và 40 chuyến nhập cảnh. Góp phần vào số thu ngân sách nhà nước của quý I là công tác kiểm tra sau thông quan, từ 1/1đến 15/3/2017 toàn ngành đã thực hiện kiểm tra sau thông quan 1.312 cuộc, quyết định truy thu 236,51 tỷ đồng (bằng 70% cùng kỳ năm 2016), đã thực thu vào ngân sách Nhà nước (bao gồm cả thu nợ từ những năm trước) 149,94 tỷ đồng (bằng 45% so với cùng kỳ năm 2016). Một trong những yếu tố góp phần vào số thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan trong quý I là kết quả của công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại. Tính từ 15/12/2016 - 15/03/2017, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng số 3.147 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 66 tỷ 131 triệu đồng, thu vào ngân sách nhà nước 33, 49 tỷ đồng (tăng 13,7% so với cùng kỳ 2016). Cơ quan Hải quan khởi tố 6 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác khởi tố 13 vụ. Hồng Thiết

Màu sắc thi đua, khen thưởng của Medlatec

TĐKT – Là doanh nghiệp nức tiếng trong lĩnh vực y tế, 21 năm qua, Công ty Công nghệ và Xét nghiệm y học Medlatec luôn phát triển không ngừng. Chia sẻ về bí quyết thành công này, Phó Giám đốc Medlatec Nguyễn Thị Kim Len cho biết: sự phát triển của Medlatec hôm nay gắn liền với việc thực hiện hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng tại đơn vị, coi đó là công cụ ghi nhận hiệu quả lao động, khích lệ cán bộ, công nhân viên kịp thời. Với Medlatec, các phong trào thi đua được triển khai gắn liền với việc nâng cao năng suất làm việc và chất lượng công tác chuyên môn. Khen thưởng là sự ghi nhận hiệu quả lao động, công sức, sáng kiến, sáng tạo của bất kỳ một cá nhân, tập thể đóng góp cho phát triển Melatec, không kể đó là người lao động trực tiếp hay cán bộ, lãnh đạo. Năm 2016, Medlatec  được TP Hà Nội ghi nhận là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua xã hội hóa y tế và là đơn vị y tế tư nhân đi tiên phong công tác xây dựng Phòng khám bác sĩ gia đình và trình “Đề án Xây dựng thí điểm mô hình phòng khám bác sĩ gia đình lồng ghép với trạm y tế xã, phường giai đoạn 2017 - 2018”. Phó Giám đốc Medlatec Nguyễn Thị Kim Len Theo chia sẻ của Phó Giám đốc Medlatec Nguyễn Thị Kim Len, phong trào thi đua “Bác sĩ gia đình” được Medlatec xây dựng và nuôi nấng ngay từ những ngày đầu thành lập năm 1996. Từ thời điểm đó đến nay, Medlatec không ngừng triển khai các biện pháp nhằm phát triển những dịch vụ y tế chất lượng cao, những ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại từ các nước tiên tiến trên thế giới phục vụ người dân Việt Nam; hoạt động theo mô hình khép kín từ khâu tư vấn bệnh, kiểm tra tình trạng sức khỏe đến hoàn thiện bệnh án, trả kết quả, tư vấn điều trị bệnh tận nơi giúp tối đa lợi ích cho khách hàng để tiết kiệm thời gian, tài chính cho khách hàng; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc lưu và quản lý hồ sơ, lịch sử khám điều trị bệnh của bệnh nhân trên internet, giúp khách hàng thuận tiện trong việc tra cứu hồ sơ, xem lại lịch sử tình trạng sức khỏe của mình khi đi khám và hội chẩn bệnh trên toàn thế giới. Không những vậy, với phương châm luôn coi bệnh nhân là khách hàng đặc biệt, Medlatec là đơn vị tiêu biểu trong phong trào thi đua “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh” do Bộ Y tế phát động. Người bệnh đến Medlatec được sử dụng chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh hiện đại, đảm bảo, có nhiều tiện ích. Cán bộ y tế của Medlatec luôn thể hiện thái độ thân thiện, cúi chào, niềm nở hướng dẫn người bệnh thăm khám, điều trị bệnh; thậm chí mang dịch vụ đến tận nơi ở của người bệnh, không kể là ngày nghỉ hay lễ, tết... Do đó, ngày càng nhiều cá nhân, tổ chức lựa chọn Medlatec để được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Năm 2015, Công ty Medlatec đã được vinh danh top 10 doanh nghiệp có sản phẩm tin dùng tại Việt Nam. Năm 2016, số lượng bệnh nhân đến sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở của Medlatec có mức tăng trưởng nhất định, tăng lên 25% so với năm 2015. Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế giai đoạn 2016 - 2020, Medlatec đã chú trọng và tổ chức triển khai có hiệu quả các giải pháp để tăng cường thực hiện chính sách bảo hiểm y tế trên địa bàn thành phố. Dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại bệnh viện Medlatec được đầu tư nghiêm túc, kịp thời. Năm 2016 lượng đầu thẻ BHYT được Cơ quan bảo hiểm phân bổ cho bệnh viện đa khoa MEDLATEC là 10.000 thẻ, tuy nhiên, tính đến cuối tháng 6, số thẻ thực tế ban đầu đăng ký khám chữa bệnh tại bệnh viện đã vượt mức số thẻ được phân bổ. Điều này đã góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tại kế hoạch số 186/KH – UBND của UBND thành phố Hà Nội đề ra. Công ty Công nghệ và Xét nghiệm y học Medlatec đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba Có thể nói, sự phát triển mạnh mẽ của Melatec hôm nay là nhờ sự phát huy hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, trong đó không thể không kể đến động lực to lớn của phong trào sáng kiến, cải tạo kỹ thuật mang lại. Mỗi phòng ban, đơn vị trong Melatec hàng năm đều đăng ký những công trình, sáng kiến cải tiến làm kim chỉ nam cho các hoạt động. Medlatec thường xuyên tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học tìm ra những ứng dụng mới trong y học. Tiêu biểu: Medlatec đã đạt giải nhất Đề tài “Ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai dịch vụ tại nhà”  tại Hội thao sáng tạo tuổi trẻ ngành Y tế khu vực Hà Nội lần thứ XXV năm 2013; giải ba Đề tài “Cải tiến Kỹ thuật Real Time PCR trong định Type HBV và cải tiến cách trình bày kết quả” tại Hội thao sáng tạo tuổi trẻ ngành Y tế khu vực Hà Nội lần thứ XXV năm 2013... “Thi đua có mục tiêu rõ ràng, khen thưởng kịp thời, gắn liền với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ công nhân viên” đó chính là cách mà Medlatec đã và đang thực hiện. Mỗi năm, mỗi kỳ, các bộ công nhân viên, phòng ban đều tham gia đăng ký thi đua, đăng ký đề tài sáng kiến. Đặc biệt, hàng tháng, Medlatec duy trì việc đánh giá, bình bầu cán bộ tiêu biểu, thống kê các sáng kiến được áp dụng hiệu quả trong đơn vị, từ đó tổ chức thưởng “nóng” bằng kinh phí hoặc những chuyến đi hưởng thụ chất lượng cao. Đó chính là động lực để làm việc: người lao động cứ nỗ lực làm việc hiệu quả là được tổ chức ghi nhận và thưởng, phạt rõ ràng. Vì vậy, không khí thi đua lao động, sáng tạo trong Medlatec luôn diễn ra sôi nổi ở mọi phòng, ban, trong mọi đối tượng người lao động. Do đó, dù là doanh nghiệp tư nhân nhưng cuối  năm 2016, trên 80% đảng viên đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Melatec được tặng nhiều Bằng khen của UBND TP Hà Nội, Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ. Năm 2016, Medlatec được nhận Cờ thi đua của thành phố. Mới đây, năm 2017 Medlatec được nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Đây không chỉ là niềm vinh dự tự hào đồng thời là sự khẳng định cách làm thi đua, khen thưởng hiệu quả, thiết thực ở Medlatec, cần được phổ biến, nhân rộng trong toàn xã hội, nhất là ở những đơn vị là doanh nghiệp tư nhân. Mai Thảo -  Hồng Thiết

6 Công đoàn ngành trung ương ký kết giao ước thi đua

TĐKT- Ngày 28/3, tại Hà Nội, Khối thi đua 6 Công đoàn ngành trung ương tổ chức Lễ ký giao ước thi đua năm 2017. Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng tới dự. Phát biểu tại buổi lễ, ông chu Văn Bình, Chủ tịch Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam, Khối trưởng Khối thi đua khẳng định: việc tổ chức ký kết giao ước thi đua là một nội dung quan trọng trong hoạt động của Khối, được tổ chức hàng năm. Việc ký kết giao ước thi đua nhằm khẳng định vai trò của công tác thi đua, khen thưởng cũng như sự quyết tâm của các đơn vị trong Khối, triển khai phong trào công nhân, viên chức và hoạt động công đoàn, đặc biệt góp phần tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn bó, giao lưu, học hỏi trong hoạt động nhằm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị, chương trình công tác của Khối và các đơn vị trong Khối. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng phát biểu tại buổi lễ Nội dung ký kết năm 2017 được xây dựng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ hoạt động công đoàn, đồng thời căn cứ vào đặc điểm, điều kiện thực tế của các công đoàn ngành trung ương. Đặc biệt, các nội dung thi đua đều bám sát chỉ đạo, định hướng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đặc thù của từng ngành, từ đó việc tổ chức triển khai thực hiện có nhiều đổi mới và thu được kết quả cao. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng đã ghi nhận thành tích của Khối trong năm 2016 và đánh giá cao công tác chuẩn bị kế hoạch tổ chức các hoạt động thi đua chung trong năm 2017. Phó Chủ tịch cũng nhấn mạnh những nội dung quan trọng theo sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn về tổ chức đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XII Công đoàn Việt Nam; các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, cán bộ, công nhân, viên chức, lao động; tổ chức những hoạt động thiết thực, có ý nghĩa kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước … Đại diện các đơn vị trong khối ký kết giao ước thi đua ​Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị trong Khối thi đua đã tiến hành ký kết giao ước thi đua năm 2017 với sự chứng kiến của Lãnh đạo Tổng Liên đoàn, Ban Chính sách Kinh tế xã hội và Thi đua - Khen thưởng Tổng Liên đoàn, lãnh đạo các đơn vị trong Khối. Mai Thảo

Khối bộ, ngành kinh tế trung ương hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị năm 2016

TĐKT - Sáng 23/3, tại Hà Nội, Khối thi đua các bộ, ngành kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2016. Tới dự, có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Thào Xuân Sùng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương, Ủy viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đại diện đơn vị Khối trưởng Khối thi đua năm 2016. Cùng dự có đồng chí Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, đại diện lãnh đạo, cơ quan tham mưu làm công tác thi đua, khen thưởng các bộ, ngành thuộc Khối. Năm qua, cơ quan chuyên trách làm công tác thi đua, khen thưởng của các bộ, ngành trong Khối đã chủ động và thực hiện tốt nhiệm vụ thường trực, vai trò tham mưu cho Hội đồng Thi đua - Khen thưởng hoạt động có hiệu quả trong việc chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng trong các bộ, ngành. Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát biểu tại Hội nghị Công tác thi đua, khen thưởng Khối thi đua các bộ, ngành kinh tế đã từng bước đổi mới cả về nội dung và hình thức. Các phong trào thi đua được tổ chức sâu, rộng, gắn kết nhiệm vụ chính trị, đặc thù của mỗi bộ, ngành trong Khối thi đua, đã góp phần nâng cao nhận thức và thể hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của chính quyền và tổ chức đoàn thể các cấp trong việc tốt chức, triển khai thực hiện các phong trào thi đua cơ sở. Qua đó, góp phần khích lệ, động viên cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phấn đấu, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, kế hoạch năm 2016 của các bộ, ngành trong Khối. Công tác khen thưởng đảm bảo tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục theo quy định; chất lượng thẩm định hồ sơ khen thưởng được nâng lên rõ rệt, đảm bảo tính công khai, chính xác; kịp thời biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển của các bộ, ngành trong Khối. Các đơn vị trong Khối đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến. Cùng với đó, các đơn vị trong Khối đã chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc nâng cao chất lượng và đổi mới toàn diện công tác thi đua, khen thưởng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp đã được chú trọng thực hiện với nhiều hình thức, phương pháp sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của mỗi bộ, ngành trong Khối. Các bộ, ngành trong Khối ký kết giao ước thi đua năm 2017 Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng năm 2017 và những năm tiếp theo, Khối thi đua các bộ, ngành kinh tế kiến nghị, đề xuất với Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương: nghiên cứu, sửa đổi Quy chế về xét phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới để phù hợp với tình hình kinh tế đất nước giai đoạn hiện nay; xem xét khen thưởng quá trình cống hiến cho các cá nhân đã giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Về tiêu chuẩn xét tặng các hình thức khen thưởng thường xuyên đối với cá nhân, đề nghị xem xét bỏ quy định về sáng kiến giải pháp công tác; chỉ nên quy định sáng kiến, giải pháp công tác đối với tiêu chuẩn xét tặng các danh hiệu thi đua. Tiếp tục đổi mới công tác tổ chức và khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp theo đúng Nghị định số 122/2005/NĐ-CP ngày 4/10/2005 của Chính phủ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn hiện nay. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kiến thức pháp luật liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng cho cán bộ chuyên trách các bộ, ngành. Nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách về cơ sở vật chất và nguồn kinh phí cho công tác tổ chức, chỉ đạo việc tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua và công tác khen thưởng; cơ chế khen thưởng cho các doanh nghiệp cổ phần và dân doanh. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh biểu dương những kết quả các bộ, ngành trong Khối thi đua đã đạt được trong triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng năm 2016 và bày tỏ sự nhất trí cao với những phương hướng công tác năm 2017 của Khối. Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong thời gian tới, các đơn vị trong Khối cần đề cao vai trò nêu gương, gương mẫu của người lãnh đạo đơn vị trong chỉ đạo, tổ chức triển khai các phong trào thi đua và công tác khen thưởng; gắn các phong trào thi đua với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các phong trào thi đua được phát động không tách rời nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, tập trung giải quyết những khâu yếu, những vấn đề yếu kém, tồn tại của từng ngành mà xã hội đang quan tâm. Đồng thời, các bộ, ngành cần tiếp tục quan tâm công tác xây dựng nội bộ, phát huy tinh thần tập trung dân chủ, phê bình và tự phê bình... Quan tâm khen thưởng người lao động trực tiếp, khen thưởng đột xuất, khen đối ngoại…. Tại Hội nghị, các đại biểu đã suy tôn Bộ Thông tin và Truyền thông là Khối trưởng, Bộ Tài nguyên và Môi trường là Khối phó Khối thi đua năm 2017. Nhân dịp này, đại diện các bộ, ngành thuộc Khối đã ký giao ước thi đua năm 2017. Phương Thanh

Cụm thi đua 7 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc tổng kết công tác năm 2016

TĐKT - Ngày 17/3, tại tỉnh Bắc Kạn, 7 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc gồm Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Hòa Bình đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017. Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự có các đồng chí: Vương Văn Đỉnh, Phó Trưởng ban  Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Ủy viên Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương; Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; lãnh đạo 7 tỉnh trong cụm thi đua. Năm 2016, các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc đã chủ động phát động, thực hiện phong trào thi đua một cách thường xuyên, liên tục. Phong trào thi đua và công tác khen thưởng của các tỉnh đã có nhiều đổi mới, phong phú về nội dung và hình thức, phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, động viên các cấp, ngành, các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, cải cách hành chính và xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới… tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của các địa phương. Tại hội nghị, đại diện các tỉnh đã thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến nhằm tăng cường, đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong cụm.  Năm 2017, Cụm thi đua 7 tỉnh trung du miền núi phía Bắc xác định tiếp tục triển khai các nội dung và đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua hướng vào các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá về phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, bảo đảm an sinh xã hội. Các địa phương tăng cường sự lãnh đạo, nâng cao vai trò của người đứng đầu và thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, các ngành, địa phương trong việc tổ chức thực hiện các phong trào thi đua và thực hiện chính sách khen thưởng; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, vì người nghèo, Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng; thường xuyên kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm; thực hiện tốt quy trình bình xét các danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng, đảm bảo đúng quy định, chính xác, khách quan, công bằng, nhằm động viên mọi người hăng hái thi đua… Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã biểu dương, chúc mừng những kết quả mà 7 tỉnh trung du miền núi phía Bắc đạt được trong công tác thi đua, khen thưởng. Đồng thời nhấn mạnh: công tác thi đua, khen thưởng có vai trò quan trọng nhằm thúc đẩy, động viên mọi tầng lớp nhân dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực nói riêng, trong vùng và cả nước nói chung. Trong thời gian tới, các tỉnh trong cụm cần nâng cao hơn nữa, đổi mới hơn nữa công tác thi đua, khen thưởng, không để thi đua, khen thưởng thành bệnh thành tích hay chạy theo phong trào; tập trung vào khen thưởng những tấm gương tiêu biểu trong các lĩnh vực bảo vệ chủ quyền, bảo vệ biên giới, an ninh trật tự và phòng, chống ma túy; đa dạng hóa các hình thức khen thưởng, mở rộng và kết hợp cùng với các lĩnh vực khác. Các địa phương cần gắn phong trào thi đua với các phong trào khác: xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh … Đại diện lãnh đạo các địa phương trong cụm ký kết giao ước thi đua năm 2017 Tại Hội nghị, tỉnh Tuyên Quang được giao nhiệm vụ Cụm trưởng thi đua năm 2017, tỉnh Hòa Bình là Cụm phó. Các tỉnh cũng đề xuất tỉnh Bắc Giang đạt Cờ thi đua của Chính phủ; các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, Cụm trưởng cụm thi đua năm 2016 đã trao Bằng khen cho 24 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động Cụm thi đua 7 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc năm 2016. Ngọc Long

Điểm sáng trong phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn Thủ đô

TĐKT - Bên cạnh việc nỗ lực xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức văn minh, chuyên nghiệp, ứng xử có văn hóa, tạo thuận lợi cao nhất cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, những năm trở lại đây, đặc biệt từ năm 2016, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài không ngừng cố gắng thực hiện hiệu quả phong trào “Phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại”. Năm 2016, khu vực sân bay quốc tế Nội Bài tiếp tục là điểm “nóng” của hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, nhất là việc vận chuyển sản phẩm động vật hoang dã, hàng tiêu dùng có giá trị cao, đã qua sử dụng. Tuy vậy, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo và đảng bộ Cục Hải quan TP Hà Nội, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài liên tục gặt hái những “trái ngọt” trong đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại: phát hiện, bắt giữ 24 vụ buôn lậu; phát hiện 5 vụ gian lận thương mại; thu thập thông tin của 80 doanh nghiệp… thu ngân sách nhà nước 2.978,6 tỷ đồng. Trong đó, nổi bật: vụ phát hiện và khởi tố hành khách xuất cảnh mang theo 7 tượng bằng vàng (7 kg); phối hợp thực hiện chuyên án E 316 bắt giữ 2.232 kg lá khát; bắt giữ 312 kg ngà voi vận chuyển qua Sân bay quốc tế Nội Bài… Với những thành tích đó, Chi cục đã vinh dự nhận được Thư khen của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia; được lãnh đạo Cục Hải quan TP Hà Nội nêu gương sáng; được đề nghị tặng Bằng Khen của Thủ tướng Chính phủ. Lực lượng Hải quan Sân bay quốc tế Nội Bài phối hợp kiểm tra tang vật Chia sẻ về những thành tích đạt được, đồng chí Trần Lương Bắc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài cho biết: nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại tại khu vực cửa khẩu, lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài, trực tiếp là đồng chí Chi cục trưởng Vũ Quốc Hùng, thường xuyên quán triệt đến toàn thể cán bộ, công nhân viên trong Chi cục về nhiệm vụ này, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, song song với công tác chuyên môn. Theo đó, Chi cục đã xây dựng quy chế, quy định trong công tác phối hợp kiểm tra, giám sát hải quan. Phát huy tính chủ động, đảm bảo nguyên tắc trong công tác phối hợp với các lực lượng chức năng (công an, cục điều tra chống buôn lậu - Tổng cục hải quan, quản lý thị trường) cập nhật, trao đổi thông tin liên quan đến chuyến bay, hành khách xuất nhập cảnh kịp thời và đầy đủ hơn. Công tác kiểm tra, kiểm soát  hoạt động của hàng miễn thuế, hàng hóa kinh doanh trong khu vực cách ly, hoạt động kho ngoại quan được tăng cường. Từ đó đưa ra các phương án, tình huống cụ thể để có biện pháp đấu tranh hiệu quả. Đồng thời Chi cục đã ký kết quy chế phối hợp với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài về công tác quản lý, bảo trì và khai thác hệ thống máy soi hành lý, hàng hóa của hành khách nhập cảnh tại cảng; phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh kho hàng hóa quốc tế về cung cấp thông tin, giám sát, soi chiếu và quản lý hàng hóa tại các kho hàng thuộc Sân bay quốc tế Nội Bài… Bên cạnh đó, Chi cục chú trọng công tác tự đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức tập trung vận hành sử dụng hệ thống máy soi; khai thác có hiệu quả hệ thống camera, công tác xử lý vi phạm, quản lý rủi ro… Bố trí đủ lực lượng khai thác, sử dụng trang thiết bị kỹ thuật, dữ liệu tại trung tâm phân tích hình ảnh; nghiên cứu mô hình trung tâm chỉ huy, tiếp nhận thông tin trước chuyến bay…Chủ động, tích cực trong công tác phối hợp thu thập và xử lý thông tin với các lực lượng trong và ngoài ngành, phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Ngày 14/3, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội bài phối hợp với Đội 1 - Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan bắt giữ 102 kg sừng tê giác nhập lậu vào Việt Nam từ Narubi-Kenya Do đó, đến nay, trong nhận thức của mỗi cán bộ hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài, việc phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại đã trở thành việc làm thường xuyên hàng ngày. Với vai trò là người lãnh đạo, có thâm niên nhiều năm trong công tác phòng chống buôn lậu, Phó Chi cục trưởng Trần Lương Bắc thường xuyên đốc thúc anh em đồng nghiệp thực hiện đúng quy chế, làm đúng quy trình hải quan, nhằm ngăn chặn những kẻ cơ hội, lợi dụng kẽ hở để thực hiện hành vi buôn lậu. Đồng thời, với kinh nghiệm trực tiếp tham gia điều tra, bắt, tổng hợp và xử lý nhiều vụ buôn lậu và gian lận thương mại, anh Bắc thường xuyên chủ động truyền đạt tới anh em những phương thức, thủ đoạn tinh vi của loại tội phạm này, nhằm trang bị thêm cho anh em những kiến thức và ý thức cảnh giác cao nhất. Công tác phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài là một trong những nhiệm vụ vô cùng phức tạp. Đối tượng thực hiện hành vi buôn lậu rất rộng, đó có thể là người thăm thân, đi du học, người đi công tác, người nước ngoài… nên yêu cầu người cán bộ phải tâm huyết, kiên trì và thực sự nhạy bén. Câu chuyện cán bộ hải quan sân bay Nội Bài vội gửi con lại cho vợ và gia đình ngay trong đêm khuya để đi bắt chuyến hàng lậu hay nằm mật phục, rình bắt hàng vận chuyển trái phép qua cửa khẩu suốt hàng tuần, hàng tháng trời là thường xuyên. Do lực lượng những người làm công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại tại Chi cục hiện còn khá mỏng nên đôi khi vụ buôn lậu này chưa kịp khép lại thì người cán bộ hải quan đã tiếp tục nhận được lệnh lên đường để bắt giữ một vụ gian lận thương mại khác. Thậm chí, không ít lần, cán bộ hải quan cửa khẩu sân bay Nội Bài bị viết thư, gọi điện đe dọa sẽ làm hại đến bản thân và gia đình…  Song song với nhiệm vụ chuyên môn, phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại đã trở thành nhiệm vụ, việc làm thường xuyên hàng ngày của Phó Chi cục trưởng Trần Lương Bắc Hiểu được những khó khăn, thiệt thòi đó của anh em, lãnh đạo Chi cục thường xuyên động viên, tạo không khí vui tươi, tinh thần lạc quan cho mọi người khi thực hiện nhiệm vụ. “Tuy nhiên, để tạo thêm động lực cho những người làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, trong thời gian tới, ngoài động viên về tinh thần, rất cần có sự quan tâm động viên, khen thưởng bằng vật chất cho họ. Đó có thể là những khoản tiền phụ cấp cho công tác chống buôn lậu; hay động viên qua việc tăng lương đột xuất đối với những người lập nhiều thành tích trong phòng, chống buôn lậu…”  Phó Chi cục trưởng Trần Lương Bắc đề xuất. Ngoài ra, theo đồng chí Bắc, việc lựa chọn nhân sự tham gia công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại tại cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài rất cần thêm những người giỏi “nghiệp vụ chìm” - tức là có khả năng thu thập và phân tích thông tin, xây dựng hồ sơ rủi ro, đưa ra được những đánh giá đâu là tuyến đường trọng điểm của buôn lậu; từ đó có những định hướng, kế hoạch triệt phá các vụ án. Ngoài ra, lực lượng này phải là những người tâm huyết, có nhiều kinh nghiệm thực tế ở những khâu: mở tờ khai, kiểm hóa, tính thuế hoặc kiểm tra soi máy, hình ảnh…. Năm 2017, chi cục đặt ra mục tiêu thu ngân sách 3.150 tỷ đồng; tăng số vụ buôn lậu bị phát hiện và bắt giữ lên 15; số vụ gian lận thương mại là 5; thu thập thông tin 100 doanh nghiệp…Đó là nhiệm vụ không dễ dàng đạt được. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu năm 2017, lực lượng hải quan Chi cục cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài đã vào cuộc và bắt giữ nhiều chuyến hàng lậu lớn. Tiêu biểu trong số đó: lô hàng chứa gần 400 kg vẩy tê tê; một ngà voi cắt khúc được chạm khắc tinh xảo, có trọng lượng hơn 20 kg. Ngày 14/3, lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội bài đã vui mừng, tự hào thông tin “nóng” với báo chí về thành tích mới lập được khi phối hợp cùng Đội 1 - Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan bắt giữ 102 kg sừng tê giác nhập lậu vào Việt Nam từ Narubi-Kenya. Tin rằng, với tình yêu nghề, quyết tâm thi đua cao độ, lực lượng hải quan Chi cục cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài sẽ tiếp tục phát hiện và xử lý nhiều vụ buôn lậu và gian lận thương mại nổi cộm khác, tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho ngân sách Nhà nước.      Mai Thảo

Trang