TĐKT – Trải qua 9 thập kỷ hình thành và phát triển, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, đồng hành cùng dân tộc, là lực lượng và chỗ dựa tin cậy, trung thành của Đảng, gắn bó máu thịt với nhân dân, hết lòng phấn đấu vì quyền lợi của giai cấp công nhân, người lao động và đã có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
Cách đây 90 năm, trong không khí sục sôi cách mạng của nhân dân cả nước, giai cấp công nhân Việt Nam đã quả cảm tham gia vào cuộc đấu tranh giành quyền lợi cho giai cấp, sâu xa hơn là để giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Ngày 28 tháng 7 năm 1929, tại ngôi nhà số 15 phố Hàng Nón, Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Đông Dương Cộng sản Đảng, Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ chính thức được thành lập, do lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh đứng đầu. Sự kiện thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ là mốc son chói lọi, đánh dấu bước ngoặt lớn của phong trào công nhân và hoạt động công đoàn cách mạng Việt Nam, khẳng định sự lớn mạnh của phong trào công nhân Việt Nam, là kết quả tất yếu của phong trào công vận đúng đắn và sự truyền bá lý luận công đoàn cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - người đặt nền móng lý luận, tư tưởng và tổ chức cho Công đoàn Việt Nam.
Trải qua 90 năm hình thành và phát triển, được Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, rèn luyện, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và có những đóng góp to lớn vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện cán bộ công đoàn tiêu biểu
Thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930 – 1945), Công đoàn Việt Nam thực sự là trung tâm đoàn kết của công nhân, lao động (CNLĐ) Việt Nam, tích cực vận động đoàn viên, người lao động tham gia đấu tranh chính trị và vũ trang trong các cuộc diễn tập cách mạng. Với hơn 20 vạn người trong năm 1945, đoàn viên công đoàn trở thành lực lượng nòng cốt làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Sau Cách mạng tháng Tám thành công, những năm đầu đất nước giành được độc lập, tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ và phát huy thành quả của cách mạng.
Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra, tổ chức Công đoàn đã vận động công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, vượt mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, chiến đấu anh dũng, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), Công đoàn Việt Nam đã tuyên truyền, giáo dục, vận động được đông đảo CNVCLĐ tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, “lao động sản xuất giỏi”, “mỗi người làm việc bằng hai”, “ba sẵn sàng”, “năm xung phong”, “giết giặc lập công”, phối hợp với lực lượng vũ trang tiêu diệt địch, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào tháng 4 năm 1975.
Giai đoạn cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội (1975 - 1986), Công đoàn Việt Nam được thống nhất trên phạm vi cả nước, tập trung tuyên truyền, vận động CNVCLĐ hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa trong cả nước, đi đầu trong thực hiện ba chương trình kinh tế lớn của Đảng, tham gia bảo vệ Tổ quốc. Từ đây, nhiều phong trào thi đua đã được phát động, các hoạt động của tổ chức công đoàn dần hướng vào nhiệm vụ chủ yếu là chăm lo, bảo vệ quyền lợi đoàn viên, người lao động, được xã hội ghi nhận, đánh giá cao.
Thời kỳ thực hiện công cuộc đổi mới đất nước (từ 1986 đến nay), Công đoàn Việt Nam đã có nhiều đổi mới, bám sát các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo CNVCLĐ để đề ra và tổ chức các hoạt động ngày càng thiết thực, hiệu quả. Những năm đầu đất nước đổi mới, cả nước hân hoan chào đón các quyết sách đột phá, vượt trước của các đồng chí lãnh đạo xuất sắc của Đảng, và tổ chức công đoàn tự hào vì những công trình sư của công cuộc đổi mới ấy cũng chính là những cán bộ, đoàn viên của tổ chức mình.
Lực lượng CNVCLĐ là những người đi tiên phong, đưa chủ trương đổi mới của Đảng vào cuộc sống, thẩm thấu đến mọi người dân, tác động đến toàn xã hội, góp phần làm nên những thành tựu to lớn của Đảng và Nhân dân ta trong hơn 30 năm qua. Thành tựu đất nước ta giành được trong công cuộc đổi mới là to lớn, có ý nghĩa lịch sử, khẳng định sự đóng góp rất quan trọng của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Những năm gần đây, trước yêu cầu đổi mới toàn diện và đồng bộ đất nước, các cấp công đoàn, trực tiếp là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn. Trước hết là đổi mới tư duy về công đoàn và hoạt động công đoàn trong bối cảnh mới.
Các hoạt động dần đi vào chiều sâu, bám sát chức năng, nhiệm vụ và nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, trong đó tập trung thực hiện chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Các cấp công đoàn đang nỗ lực hết mình để trả lời một cách thuyết phục câu hỏi, người lao động vào tổ chức công đoàn thì được lợi ích gì.
Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn ngang tầm nhiệm vụ, củng cố, kiện toàn tổ chức, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động. Nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Tăng cường tính minh bạch, công khai, tiết kiệm và hiệu quả trong công tác tài chính. Bước đầu nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát. Đổi mới hoạt động công tác nữ công và chăm lo, bảo vệ lao động nữ. Mở rộng quan hệ đối ngoại với tổ chức công đoàn các nước và các tổ chức quốc tế.
Đổi mới mạnh mẽ công tác chỉ đạo và nội dung, phương thức hoạt động công đoàn. Nội dung và tinh thần đổi mới đang được các cấp công đoàn triển khai sâu rộng, sôi nổi, tạo xung lực mới cho tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam.
90 năm xây dựng và phát triển, trải qua 12 kỳ đại hội, với các tên gọi khác nhau: Công hội Đỏ, Nghiệp đoàn ái hữu, Hội Công nhân phản đế, Hội Công nhân cứu quốc, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng Công đoàn Việt Nam và nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam đã lớn mạnh toàn diện, với gần 10,5 triệu đoàn viên, đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, tham gia đóng góp ngày càng to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giai cấp công nhân Việt Nam tự hào luôn là lực lượng tiên phong, đứng ở trung tâm các sự kiện quan trọng của đất nước.
Chương trình Vinh quang Việt Nam – một trong những sáng kiến tiêu biểu của Công đoàn Việt Nam được duy trì nhiều năm qua
Mặc dù có những khó khăn trong bối cảnh mới, song giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam vẫn giữ vững truyền thống yêu nước, lao động cần cù, sáng tạo, tin tưởng vào chế độ, vào sự lãnh đạo của Đảng, xứng đáng là giai cấp đi đầu trong công cuộc đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Công đoàn Việt Nam luôn là tổ chức rộng lớn của giai cấp công nhân, được giai cấp công nhân và người lao động tin cậy, gắn bó; là chỗ dựa vững chắc, người cộng tác đắc lực của cơ quan nhà nước, là sợi dây nối Đảng, Nhà nước với quần chúng công nhân, lao động, đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Trong tiến trình lịch sử vẻ vang của mình, Công đoàn Việt Nam đã tiến hành những cuộc vận động cách mạng to lớn, phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước rộng khắp; đã thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng giai cấp công nhân, giới thiệu số lượng lớn đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp và đào tạo được nhiều cán bộ xuất sắc giữ các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị.
Tổ chức Công đoàn không chỉ là người đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, người lao động mà thực sự còn là tổ chức để tập hợp, đoàn kết, giáo dục công nhân, người lao động phấn đấu vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa, vì sự phồn vinh của đất nước.
Ngoài hoàn thành sứ mệnh trên, tổ chức Công đoàn còn là người bạn đồng hành gắn bó, thủy chung với giai cấp nông dân và các tầng lớp lao động khác, góp phần củng cố khối liên minh vững chắc của cách mạng Việt Nam.
Bên cạnh những thành tích to lớn, những đổi mới đúng hướng và đáng khích lệ, công tác công đoàn và phong trào công nhân còn một số hạn chế, bất cập và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động không nhỏ đến phong trào công nhân và công tác tập hợp, phát triển đoàn viên công đoàn. Việc nước ta cam kết đảm bảo sự ra đời và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đặt Công đoàn trước những thách thức và yêu cầu mới chưa từng có.
Với tinh thần nhìn lại để đi tới, đổi mới để phát triển, thời gian tới, cán bộ công đoàn các cấp tiếp tục đổi mới tư duy về công đoàn, nghề công đoàn và hoạt động công đoàn trong bối cảnh mới. Tập trung thực hiện thật tốt chức năng cốt lõi, cơ bản của công đoàn là đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bằng các hoạt động đa dạng, thiết thực nhất là hoạt động chăm lo lợi ích đoàn viên; tích cực tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội và tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động công đoàn theo hướng đa dạng, linh hoạt, hướng về cơ sở, trong mọi hoàn cảnh chỉ tổ chức những hoạt động thực sự thiết thực, mang lại hiệu quả cao.
Phát động và triển khai rộng rãi các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, tạo môi trường để CNVCLĐ sáng tạo và đóng góp cho sự phát triển của từng cơ quan, đơn vị và đất nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo sức lan tỏa, hấp dẫn đối với người lao động, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để các chủ trương, chỉ đạo và những thông tin cần thiết của tổ chức công đoàn đến được với số đông người lao động.
Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn và đoàn viên có chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công đoàn tiếp tục tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Mai Thảo