TĐKT - Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” là một trong những hoạt động trọng tâm của Tháng Công nhân năm 2021 được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động và triển khai tại các cấp công đoàn nhằm phát huy sáng kiến, ý tưởng sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ, cải tiến kỹ thuật trong đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ).
Ở nhiều doanh nghiệp, việc phát động, đẩy mạnh phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo và nay là chương trình“75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” đã và đang giúp đội ngũ công nhân, lao động phát huy khả năng, sức sáng tạo để thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của doanh nghiệp và kinh tế - xã hội của đất nước.
Tạo động lực thi đua sôi nổi
Chương trình được triển khai từ tháng 2 đến 31/5/2021 trong bối cảnh các cấp, các ngành, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp tập trung quyết liệt thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khắc phục nhanh hậu quả của đại dịch nên đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động; sự triển khai đồng bộ của các cấp công đoàn, sự vào cuộc trách nhiệm của cán bộ công đoàn các cấp, sự hưởng ứng nhiệt tình của đoàn viên, CNVCLĐ cả nước.
Đặc biệt, Ban chấp hành Công đoàn cơ sở đã chủ động triển khai, phối hợp với Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp ký kết Biên bản ghi nhớ thực hiện Chương trình với các chỉ tiêu cụ thể, thống nhất tạo điều kiện về thời gian, kinh phí, cơ sở vật chất để thực hiện các sáng kiến; các quy định về khen thưởng đối với sáng kiến được áp dụng hiệu quả.
Rô-bốt vận chuyển nhu yếu phẩm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 là một sáng kiến tiêu biểu của người lao động. Trong ảnh: Rô-bốt hoạt động tại khu cách ly tập trung huyện Kim Thành (Hải Dương). (ảnh báo Nhân dân)
Kết thúc Chương trình, đã có 290.311 lượt đăng ký sáng kiến đến từ tất cả 83 đầu mối công đoàn cấp tỉnh, thành phố, ngành trực thuộc Tổng Liên đoàn gửi trực tiếp trên hệ thống phần mềm trực tuyến – địa chỉ https://sangkien.congdoanvietnam.org). Trong số đó có 250.177 sáng kiến cập nhật đầy đủ thông tin hợp lệ theo quy định.
Các sáng kiến đến từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau: Sản xuất có giá trị làm lợi cao; sáng kiến tạo ra sản phẩm mới; an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường; cải cách hành chính, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, quản lý, điều hành; sáng kiến vì cộng đồng trong các lĩnh vực y tế, giáo dục… Điều đáng kể là những sáng kiến này đều tiêu biểu, thu hút được sự sáng tạo, gắn kết giữa đoàn viên, người lao động với doanh nghiệp, người đứng đầu đơn vị hành chính…
Kết thúc thời gian cập nhật trực tuyến, các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương, Công đoàn Tổng công ty đã tiến hành xét chọn được 318 hồ sơ sáng kiến tiêu biểu, xuất sắc nhất đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động khen thưởng. Trong số đó, có 175 sáng kiến trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; 41 sáng kiến trên lĩnh vực công tác cải cách hành chính, xây dựng Đảng, quản lý, điều hành; 82 sáng kiến trên lĩnh vực y tế, giáo dục có và 20 sáng kiến trên lĩnh vực bảo vệ môi trường, antoàn lao động.
Các đơn vị có nhiều sáng kiến chất lượng tốt là Công đoàn Than - Khoáng sản, Công đoàn Quốc phòng, Công đoàn Dệt may, Công đoàn Công thương, Công đoàn Xây dựng, Công đoàn Tổng công ty Hàng không; LĐLĐ các tỉnh Thái Nguyên, Đồng Nai, Quảng Ninh, Thanh Hóa. Một số doanh nghiệp có nhiều sáng kiến giá trị làm lợi cao như: Công ty TNHH Samsung Việt Nam Thái Nguyên, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel, Công ty Cổ phần Teakwang Vina Industrial.
Trong quá trình triển khai Chương trình đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo. Công đoàn Tổng công ty Hàng không Việt Nam tổ chức cuộc thi “VNAer tự hào, cống hiến” với 52 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, quy trình làm việc, giải pháp mới nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ, tăng sức cạnh tranh đến từ 21 đơn vị trực thuộc. Phương thức thi trực tuyến với hai nội dung (xây dựng clip truyền thông về phong trào Lao động giỏi, Lao động sáng tạo và thuyết trình sáng kiến online)… Công đoàn Công ty TNHH Pousung Vina (Đồng Nai) tổ chức cuộc thi “Sáng kiến cải tiến kỹ thuật năm 2021”; thưởng 10 triệu đồng cho công nhân có sáng kiến tiết kiệm 10.000 USD/tháng; Công đoàn Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Huyndai Vinashin (Khánh Hòa) tặng giấy khen và tiền thưởng đối với tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác cải tiến sản xuất…
Kết quả trên là một minh chứng cho sức sáng tạo phong phú và lòng nhiệt huyết cống hiến của người lao động Việt Nam ở mọi lĩnh vực, ngành nghề; là kết quả của tinh thần trách nhiệm của cán bộ công đoàn, sự quyết liệt của các cấp công đoàn trong thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Khen thưởng công khai
Chia sẻ về thành công của Chương trình, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, bên cạnh phương thức triển khai truyền thống bằng văn bản chỉ đạo lần lượt qua từng cấp công đoàn, Tổng Liên đoàn đã tổ chức một phong trào có kết hợp ứng dụng công nghệ như một kênh đo lường kết quả, đảm bảo tính công khai trong thi đua và khen thưởng và kỹ thuật truyền thông để các nội dung phát động nhanh chóng, trực tiếp đến với đông đảo đoàn viên, CNVCLĐ và các công đoàn cơ sở trên mọi vùng miền của Tổ quốc.
Công đoàn Công ty TNHH Đóng Tàu Huyndai Việt Nam khen thưởng các đoàn viên công đoàn có thành tích trong Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển”
Cùng với đó, Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo tổ chức phát động thi đua điểm tại 6 đơn vị cơ sở thuộc Liên đoàn Lao động các tỉnh Đồng Nai, Thanh Hóa, Hà Nam, Khánh Hòa, Ban Công đoàn Quốc phòng và Công đoàn Dầu khí Việt Nam. Qua đó, chương trình đã được lan tỏa rộng khắp; một số nội dung của chương trình cũng được điều chỉnh linh hoạt, đảm bảo phù hợp với thực tiễn của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Trên báo chí, trang thông tin điện tử, các diễn đàn mạng xã hội trong và ngoài hệ thống công đoàn đã có hơn 1 triệu bài viết có nội dung về chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển”. Cổng trực tuyến cũng đã nhận được hơn 13 nghìn tin nhắn hỏi – đáp về cách thức tham gia Chương trình, hơn 1 triệu lượt truy cập. Số điện thoại đường dây nóng có thời điểm nhận được gần 200 cuộc gọi/ngày của đoàn viên, CNVCLĐ. Các cấp công đoàn đã đổi mới, sáng tạo trong công tác hướng dẫn đoàn viên, CNVCLĐ tham gia thông qua video và các ấn phẩm thiết kế đồ họa thông tin đăng tải trên internet, dán ở các phân xưởng sản xuất, nhà máy…
Theo ông Trần Thanh Hải, việc công khai danh sách tên sáng kiến, người có sáng kiến, đơn vị có sáng kiến trước khi tổ chức xét chọn và khen thưởng cũng là một biện pháp tốt góp phần khắc phục những tồn tại trong công tác thi đua, khen thưởng. Bởi một khi công khai là có sự giám sát chéo của các cấp công đoàn, của đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ và dư luận nên hạn chế được những sai sót, không để lọt những nhân tố xuất sắc trong quá trình xét duyệt. Tuy nhiên, các cấp công đoàn cũng cần rõ ràng hơn, chặt chẽ hơn trong xét chọn, giới thiệu, đề nghị khen thưởng các sáng kiến.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, bài học kinh nghiệm từ chương trình là hoạt động công đoàn phải tập trung vào những nội dung, vấn đề cụ thể, cách làm sáng tạo và giao nhiệm vụ cho từng cấp công đoàn một cách rõ ràng hơn.
Qua đây, các cấp công đoàn cần tự giác, nhanh chóng tiếp cận với những cách làm mới để đáp ứng yêu cầu của đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ. Đặc biệt là cần chú ý đến thi đua ngắn hạn để tập trung mọi nguồn lực cho triển khai thực hiện, đồng thời cần quán triệt quan điểm số lượng đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ tham gia một cách tự giác, trách nhiệm và hưởng thụ lợi ích từ phong trào thi đua là thước đo đánh giá hiệu quả và tính thiết thực trong hoạt động công đoàn.
Ngọc Tú