TĐKT - Từ ngày 9 - 10/11, Đoàn Giám sát của Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương do đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ III làm Trưởng đoàn đã giám sát việc triển khai phong trào thi đua và công tác khen thưởng thành tích trong phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 – 2025 tại tỉnh Lạng Sơn.
Đoàn Giám sát đã làm việc với Sở Nội vụ tỉnh Lạng Sơn, huyện Cao Lộc và khảo sát mô hình trồng hồng tại xã Lộc Yên, huyện Cao Lộc.
Đoàn Giám sát làm việc với Sở Nội vụ tỉnh Lạng Sơn
Theo báo cáo của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh Lạng Sơn, phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã được triển khai rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào được các cấp, các ngành tích cực thực hiện, tạo được sự ủng hộ của toàn xã hội trong việc huy động nguồn lực giúp đỡ các hộ nghèo.
Các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo đã được triển khai, thực hiện tốt, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Các chính sách giảm nghèo được các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Người nghèo, người cận nghèo đều được thụ hưởng đúng chính sách, cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội ngày càng thuận lợi.
Đoàn Giám sát làm việc với huyện Cao Lộc
Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo mang lại hiệu quả cao, như: Tổ chức các hoạt động trong “Tháng cao điểm vì người nghèo”; giới thiệu địa chỉ để các tập thể và cá nhân, các nhà hảo tâm hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo; các tổ chức thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc triển khai nhiều phong trào thi đua như: “Phụ nữ giúp nhau xóa đói giảm nghèo có địa chỉ”; “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng”…; triển khai kịp thời công tác cứu trợ, hỗ trợ các gia đình nghèo, khó khăn bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh...
Các huyện đã nghiên cứu xây dựng các mô hình thí điểm như mô hình tạo việc làm công cho người nghèo thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng nhỏ cấp thôn bản, thông qua các dự án thí điểm các hộ tham gia dự án được trang bị kỹ thuật, kỹ năng làm việc tập thể, huy động được sự sáng tạo, chủ động, đóng góp thêm của cộng đồng để thực hiện dự án thành công, qua đó tạo được sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Khảo sát mô hình trồng hồng tại xã Lộc Yên, huyện Cao Lộc
Trong quá trình thực hiện phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu có nhiều mô hình, cách làm hay nhằm giúp đỡ những người nghèo, những người yếu thế trong xã hội như: Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức chương trình “Tết Sum vầy”; Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh triển khai thực hiện mô hình “Cùng em vượt khó”; Hội Chữ thập đỏ tỉnh triển khai cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” và mô hình "Nồi cháo dinh dưỡng vì bệnh nhân nghèo"... Đồng thời, nhiều doanh nghiệp đã đi đầu trong công tác nhân đạo từ thiện, đóng góp tích cực trong công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, tiêu biểu như: Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH Bảo Long, Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Lạng Sơn…
Ngoài ra, các Khối, Cụm thi đua tỉnh cũng đã có cách làm sáng tạo như: Tham gia hỗ trợ kinh phí sửa nhà, xóa nhà tạm; thăm hỏi, tặng quà hộ nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiêu biểu...
Các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã đề ra các chủ trương, giải pháp thiết thực, hiệu quả để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội. Qua công tác tuyên truyền và các cuộc truyền thông, người nghèo, hộ nghèo đã có thay đổi về nhận thức, cách nghĩ, cách làm để nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Thu Thủy - Nguyệt Hà