Triển khai công tác kiểm sát nhân dân năm 2018
29/12/2017 - 15:11

TĐKT - Sáng 29/12, tại Hà Nội, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ công tác Kiểm sát năm 2018. Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Cùng dự, có: Ủy viên Bộ Chính trị, Tham gia Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Năm 2017, ngành kiểm sát nhân dân tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Quốc hội; tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Toàn ngành đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự và công tác điều tra tội phạm thuộc thẩm quyền. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra. Nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự, bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm; chú trọng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng.

Kết quả ngành đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong các nghị quyết của Quốc hội, góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tiến sĩ Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao trình bày tóm tắt Báo cáo tổng kết công tác năm 2017 của ngành kiểm sát nhân dân

Viện Kiểm sát các cấp đã kiểm sát chặt chẽ 100% các quyết định giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; kiểm sát chặt chẽ 100% vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố vụ án và trong suốt quá trình điều tra. Tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, bảo đảm thực hiện triệt để các nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật; theo sát, nắm chắc tiến độ điều tra, việc lập hồ sơ của Cơ quan điều tra.

Toàn ngành tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm chỉ thị của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ phát hiện, tiến độ, chất lượng điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; chú trọng phát hiện, khởi tố các vụ án tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp. Tăng cường trách nhiệm trong quản lý, giải quyết các vụ án tạm đình chỉ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những trường hợp oan sai, bỏ lọt tội phạm qua việc tạm đình chỉ án hình sự. Kịp thời phát hiện kháng nghị yêu cầu Tòa án khắc phục những bản án, quyết định vi phạm pháp luật. Tập trung thanh tra, kiểm tra trong nội bộ ngành, để chấn chỉnh, xử lý nghiêm cá nhân có vi phạm liên quan đến oan, sai.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao kết quả công tác của ngành kiểm sát nhân dân đã đạt được trong năm 2017, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, phục vụ thắng lợi sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế của đất nước.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu năm 2018, ngành kiểm sát nhân dân chủ động nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp các chủ trương, giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, đặc biệt là tội phạm tham nhũng, chức vụ, tội phạm kinh tế; đề cao tinh thần “Thượng tôn pháp luật”, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm công lý phải được thực thi, góp phần xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương, văn minh.

Ngành cần đề cao trách nhiệm, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; tập trung đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là các loại tội phạm mới. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, thu hồi tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt; bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, xử lý đúng người, đúng tội, không để lọt tội phạm, không làm oan, sai người vô tội.

Tiếp tục hoàn thiện, thực hiện tốt cơ chế phối hợp chặt chẽ với Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và trong công tác xây dựng thể chế; tập trung nghiên cứu, xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh xây dựng và thực hiện đầy đủ các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Cùng với đó, ngành kiểm sát nhân dân phải chú trọng chăm lo xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân vững mạnh toàn diện, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”…

Nguyệt Hà