TP. Hồ Chí Minh Tổng kết đánh giá 13 năm Thi hành Luật Thi đua, Khen thưởng
04/10/2017 - 11:01

TĐKT- Ngày 03/10, UBND TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị Tổng kết 13 năm thi hành Luật Thi đua – Khen thưởng và phát động phong trào thi đua đặc biệt chào mừng Kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018)

Đến dự hội nghị có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong; Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Trưởng ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà; Vụ trưởng Vụ III, Ban Thi  đua – Khen thưởng Trung ương Lê Văn Vũ.

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Huỳnh Công Hùng đã trình bày báo cáo đánh giá 13 năm thi hành Luật Thi đua - Khen thưởng.

Từ năm 2004 đến nay, thành phố có 934 phong trào thi đua và hơn 6.000 công trình, mô hình, giải pháp tổ chức thi đua, khen thưởng. Thành phố đã khen thưởng cho 112.423 trường hợp đúng quy định, nhiều phong trào thi đua yêu nước mang tính truyền thống của các cấp, các ngành thuộc thành phố được thực hiện thường xuyên; các phong trào thi đua theo chuyên đề được chú trọng, quan tâm với nhiều hình thức tổ chức phong phú, đa dạng, thiết thực và hiệu quả trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội của thành phố; nhiều phong trào thi đua mang tính đột phá, đi vào nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của từng cấp, từng ngành, địa phương và đơn vị.

Đặc biệt, các phong trào thi đua luôn gắn với cuộc vận động lớn “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Các phong trào thi đua yêu nước luôn phát triển mạnh, sâu rộng trên khắp địa bàn thành phố. Nhiều phong trào được cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân hưởng ứng tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực và tạo dấu ấn sâu đậm, góp phần tô thắm thêm truyền thống yêu nước của nhân dân thành phố. Trong đó nêu những kết quả đạt được và những bất cập, hạn chế trong thi hành Luật Thi đua - Khen thưởng; đồng thời nêu những kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua - Khen thưởng.

Hội nghị đã nghe 03 đơn vị báo cáo tham luận về thực hiện các nội dung trong công tác thi đua khen thưởng.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, phát biểu và chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao và biểu dương những kết quả mà TP. Hồ Chí Minh đã đạt được, đồng thời chỉ đạo: TP Hồ Chí Minh tiếp tục chủ động, sáng tạo tìm kiếm các giải pháp đổi mới nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng. Kết quả đó phải được gắn với thực tiễn đổi mới phát triển triển kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế của thành phố và đất nước, hiệu quả, thực chất, cần tiếp tục phát huy các cách làm sáng tạo, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thông qua các mô hình, giải pháp cụ thể nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của các cấp các ngành, cần tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa phong trào thi đua yêu nước, người tốt, việc tốt và các phong trào khác gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tổ chức các phong trào thi đua “ Cả thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch nước, thay mặt lãnh đạo thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong khẳng định, Luật Thi đua - Khen thưởng được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo sự thống nhất trong tổ chức và triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước. Trong 13 năm thực hiện thi hành Luật Thi đua - Khen thưởng, có nhiều cách làm mới và sáng tạo, chất lượng công tác thi đua, khen thưởng của thành phố được thực hiện thiết thực, hiệu quả hơn. Người lao động trực tiếp có thành tích được phát hiện và khen thưởng kịp thời, tỷ lệ ngày càng tăng đạt 88%). Thành phố cũng đã làm tốt việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cũng nêu một số bất cập, hạn chế trong quy định của Luật Thi đua - Khen thưởng. Đó là, các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Thi đua - Khen thưởng nhìn chung chưa được ban hành kịp thời; hệ thống văn bản còn tương đối cồng kềnh, phức tạp. Luật Thi đua - Khen thưởng có đối tượng điều chỉnh rộng nhưng tiêu chuẩn khen thưởng cho từng đối tượng còn mang tính khái quát, chưa cụ thể hóa, chủ yếu tập trung trong cán bộ, công chức, công nhân viên nhà nước. Thủ tục hành chính, thẩm quyền khen thưởng quy định trong Luật Thi đua - Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành còn phức tạp, nhiều điểm chưa rõ ràng, còn chồng chéo. Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định, sau hội nghị này, TP. Hồ Chí Minh sẽ hoàn thiện báo cáo gửi Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương để tổng hợp, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua- Khen thưởng.

Trong thời gian tới Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc thành phố bám sát chỉ đạo của trung ương và thành phố. Theo đó, cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau: Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các quận, huyện; các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể, các đơn vị phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TƯ ngày 7-4-2014 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị thuộc thành phố, trưởng các phòng, ban, ngành phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng tại cơ quan, đơn vị. Lấy kết quả thực hiện công tác thi đua, khen thưởng của cơ quan, đơn vị là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Tập trung chỉ đạo đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng. Đổi mới hoạt động cụm thi đua; đổi mới nội dung, hình thức phát động các phong trào thi đua; đổi mới công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân điển hình tiên tiến; nâng cao chất lượng công tác khen thưởng; ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành và việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính có liên quan đến quy trình, thủ tục, hồ sơ khen thưởng; kiện toàn tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp gắn với hoạt động thực tiễn của từng đơn vị.

Các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc được tặng Bằng khen của UBND thành phố

Nhân dịp này, UBND TP tặng Bằng khen cho 74 tập thể và 11 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức, triển khai, thi hành Luật Thi đua, Khen thưởng liên tục nhiều năm (2004 – 2017), góp phần tích cực trong phong trào thi đua của thành phố.                                                                                      

Đào Xuân Phúc