Tổng kết công tác thi đua - khen thưởng năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017
24/12/2016 - 00:00

TĐKT - Ngày 23/12, tại Hà Nội, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2016 triển khai nhiệm vụ năm 2017. Đến dự, có các đồng chí:  Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân; Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà, cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương trong cả nước.

 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác thi đua - khen thưởng năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017

Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thương Trần Thị Hà cho biết, trong năm qua, công tác tham mưu, đề xuất chủ trương, chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng tiếp tục được xác định là nhiệm vụ, trọng tâm của toàn ngành, nhằm tăng cường vai trò quản lý Nhà nước về thi đua, khen thưởng. Bên cạnh đó, các bộ, ngành trung ương tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào thi đua nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; tăng cường nghiên cứu, tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật, xây dựng và tổ chức bộ máy nhà nước, góp phần đẩy mạnh sản xuất, phát triển văn hoá, xã hội thực hiện cải cách hành chính, đảm bảo an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh...

Ngoài ra, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua trong lao động sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu ngành nông nghiệp gần với xây dựng nông thôn mới... Đến nay, trên cả nước đã có 27 huyện và 23 % tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Xác định năm 2017 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020), tạo tiền đề cho những năm tiếp theo. Để phong trào thi đua và công tác khen thưởng góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2017 và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm (2016 - 2020), các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể trung ương và địa phương tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm: tập trung tham mưu tổng kết 15 năm thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng và 5 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng. Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2017. Thực hiện công tác khen thưởng đảm bảo chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, tăng cường phát hiện, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua. Đồng thời, nâng cao vai trò hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng và chất lượng công tác tham mưu của cơ quan chuyên trách thi đua, khen thưởng các cấp, các ngành. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hiện và nhân điển hình tiên tiến  nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác thi đua, khen thưởng thời gian qua, đã tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của toàn xã hội trong các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng và bảo đảm an sinh xã hội. Qua đó, phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, huy động được sức mạnh của toàn dân, tạo khí thế thi đua sôi nổi và rộng khắp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội… Thông qua các phong trào thi đua đã có nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc được khen thưởng.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém và nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017 để có những giải pháp khắc phục hiệu quả, nghiêm túc sửa chữa đối với công tác thi đua, khen thưởng.

Đó là, cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng. Tập trung nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi đua, khen thưởng, tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng, làm rõ những vướng mắc, bất cập để sửa đổi, bổ sung, đề xuất các hình thức khen thưởng phù hợp với công cuộc đổi mới của đất nước, chú ý khen thưởng cho người lao động trực tiếp ở cơ sở như công nhân, nông dân, chiến sĩ.

Căn cứ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cần có kế hoạch phát động phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, bảo đảm dân chủ trong bình chọn các danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương khi trình khen thưởng cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đối tượng, hình thức, điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng. Thực hiện việc xem xét, lựa chọn những tập thể, cá nhân thật sự tiêu biểu, xuất sắc để khen thưởng và trình khen thưởng, tránh khen thưởng tràn lan, vượt cấp, phải vận dụng các quy định của pháp luật trong khen thưởng.

Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh: cần hết sức lưu ý khi đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước cho tập thể, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực ngân hàng, dịch vụ, doanh nghiệp, doanh nhân. Trước khi đề nghị khen thưởng cần lấy ý kiến rộng rãi trên các phương tiện thông tin, phối hợp với các cơ quan để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, thực hiện các quy định của pháp luật, nghĩa vụ đóng góp đối với Nhà nước và chịu trách nhiệm khi trình khen thưởng. Tập trung chỉ đạo, tạo sự chuyển biến tích cực trong khen thưởng cho các đơn vị cơ sở, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp.

Theo đó, cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp thực hiện tốt chức năng, tham mưu, thẩm định hồ sơ khen thưởng bảo đảm quy trình, thủ tục, hồ sơ và thời gian theo quy định. Phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan: thuế, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, môi trường và cơ quan truyền thông trong việc nắm bắt thông tin, lấy ý kiến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông về tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng.

Hiện chưa có nhiều giải pháp nắm bắt các thông tin về thành tích của các tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng, vì vậy, có trường hợp được khen thưởng nhưng tính tiêu biểu và lan toả chưa cao.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh đã nêu ra một số nội dung trọng tâm cần quan tâm triển khai. Thứ nhất, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, nhằm thực hiện tốt chức năng tham mưu, tư vấn cho cấp ủy đảng, chính quyền về công tác thi đua, khen thưởng. Thứ hai, với vai trò cơ quan thường trực của Hội đồng và tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tiếp tục thực hiện tốt công tác nghiên cứu, tham mưu xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện để nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng. Tập trung đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ban, ngành, địa phương tổ chức phát động các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là các phong trào do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động. Thứ ba, để các phong trào thi đua, các mô hình sáng tạo, hiệu quả, gương người tốt, việc tốt tiếp tục lan tỏa, các bộ, ngành, địa phương cần có kế hoạch, bố trí thời gian và tạo điều kiện để các điển hình, các tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý, các hình thức khen thưởng huân chương bậc cao được tuyên truyền, báo cáo điển hình tại bộ, ngành, địa phương, nêu gương, học tập trong cơ quan, đơn vị, giữ vững và phát huy các điển hình. Thứ tư, các cơ quan thông tin truyền thông tăng cường thời lượng phát sóng, mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về các phong trào thi đua, các điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cuối cùng, cần củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp theo hướng thống nhất từ trung ương đến địa phương, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Chú trọng tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đây là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng công tác tham mưu và kết quả triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả tốt nhất phong trào thi đua và công tác khen thưởng trong phạm vi cả nước.

Với những nhiệm vụ nêu trên, Phó Chủ tịch nước đề nghị Hội đồng Thi đua – Khen thưởng các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và địa phương, ngay sau hội nghị hôm nay tổ chức tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2016, phát động phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2017, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng năm 2017 và kế hoạch 05 năm (2016 - 2020) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Hồng Thiết