TĐKT - Thấm nhuần tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện lời dạy của Người “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, phong trào thi đua yêu nước đang tiếp tục được lan rộng trên các lĩnh vực, được phát động và tổ chức triển khai cụ thể ở các ngành, các cấp, các vùng, miền địa phương trong cả nước, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh…
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba của Chủ tịch nước cho các cá nhân tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ VI
Thi đua thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội
Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Phát huy những thành tựu của phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020, tiếp tục thi đua quyết tâm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021 và giai đoạn 2020 - 2025 đề ra, lập thành tích chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, phát huy tinh thần thi đua yêu nước với chủ đề “Đoàn kết, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021”, các cấp ủy Đảng, chính quyền và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã chủ động, tích cực tổ chức triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/5/2014 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 19/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện của Trung ương về công tác thi đua, khen thưởng.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua, công tác khen thưởng trên địa bàn tỉnh luôn gắn với đẩy mạnh việc rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện hiệu quả tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang. Cùng với đó, tỉnh cũng tích cực chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường mở các chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền những cách làm sáng tạo, hiệu quả gắn với các điển hình tiên tiến, gương “người tốt - việc tốt” trên các lĩnh vực để học tập và làm theo.
Song song với đó, tỉnh Hà Giang phát động chuỗi thi đua trọng tâm nhằm lan tỏa sau Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X với các hoạt động như: Tích cực thi đua thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Thi đua đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Thi đua phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao dân trí, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực; đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; xây dựng và phát triển bản sắc văn hóa con người Hà Giang đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững; tập trung thực hiện có hiệu quả “Mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Tiếp đó là thi đua tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thi đua thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về quốc phòng - an ninh. Đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn trước, trong và sau đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Nội dung thi đua hướng tới đạt được các chỉ tiêu như: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt 7,5%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 2.700 tỷ đồng. Tổng giá trị hàng hóa xuất - nhập khẩu qua cửa khẩu trên địa bàn đạt 270 triệu USD.
Đặc biệt, triển khai sâu rộng, có hiệu quả các phong trào thi đua: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với “Thực hiện Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Hà Giang”...
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, huy động các nguồn lực đóng góp để triển khai Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo các xã biên giới có khó khăn về nhà ở. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và đảm bảo chất lượng công trình, đặc biệt quan tâm đến giữ gìn bản sắc kiến trúc truyền thống.
Hơn hết, tỉnh Hà Giang liên tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả; các mô hình điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; chủ động phát hiện, xây dựng, lựa chọn những điển hình tiêu biểu toàn diện trên các lĩnh vực để tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm với những cách làm hay, sáng tạo để nêu gương, học tập, làm theo.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã ban hành chương trình phát động thi đua, kế hoạch công tác để triển khai thực hiện, đồng thời phân công các nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng, thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia. Qua đó, các thành viên đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các phong trào thi đua và công tác khen thưởng trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện, đảm bảo, kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng, tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước phát triển, góp phần hoàn thành xuất sắc các mục tiêu chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra trong năm. Tiêu biểu trong công tác lãnh chỉ đạo, thực hiện các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả có các huyện Xín Mần, Vị Xuyên, Quản Bạ, Bắc Mê, Hoàng Su Phì...
Giải pháp nhân rộng các phong trào
Với tinh thần thi đua yêu nước, sự quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cùng với sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh; để phong trào thi đua tiếp tục được lan tỏa mạnh mẽ, tỉnh Hà Giang đã chủ động đưa ra giải pháp nhân rộng các phong trào: Thứ nhất, tích cực triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các quy định của pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng đến các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và người dân, để thấy được vai trò, tác dụng của phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong sự nghiệp xây dựng vào bảo vệ tổ quốc.
Thứ hai, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thi đua, khen thưởng. Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua. Các khối thi đua của tỉnh xác định chủ đề thi đua năm 2021, bám sát nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương và nhu cầu, nguyện vọng của người dân nhằm đưa phong trào thi đua đi vào đời sống, lan tỏa sâu rộng trong đời sống kinh tế - xã hội. Tiến hành sơ, tổng kết, đánh giá kết quả các phong trào thi đua, thực hiện lồng ghép, gắn kết nội dung các phong trào thi đua hợp lý, hiệu quả.
Thứ ba, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, biểu dương khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Việc tôn vinh, khen thưởng tập thể, cá nhân phải thực sự tiêu biểu, có tác dụng nêu gương, giáo dục, có sức lan tỏa trong cơ quan, đơn vị, địa phương. Công tác khen thưởng đảm bảo chính xác, kịp thời, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc khen thưởng cho cá nhân không giữ chức vụ lãnh đạo, các tập thể nhỏ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả; thực hiện tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đổi mới các hoạt động của các cơ quan truyền thông, định hướng dư luận, tôn vinh, tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến trên các chuyên trang, chuyên mục gương người tốt, việc tốt, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.
Thứ năm, nâng cao chất lượng, đổi mới hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng từ tỉnh đến cơ sở; phát huy vai trò, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng thi đua, khen thưởng các cấp trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng; tăng cường trách nhiệm, vai trò của cơ quan, cá nhân chuyên trách làm công tác thi đua, khen thưởng trong việc tham mưu thực hiện nhiệm vụ.
Thứ sáu, các cấp, các ngành chú trọng đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, bố trí ổn định cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng nhằm nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và năng lực thẩm định, bình xét khen thưởng, kịp thời phát hiện, đề xuất các tập thể, cá nhân điển hình, nhân tố mới, mô hình mới để tuyên truyền, nhân rộng.
Thứ bảy, đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua do các cấp, các ngành phát động, nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của từng cá nhân, tập thể trong các phong trào thi đua.
Cuối cùng, đơn vị Trưởng khối các khối giao ước thi đua trên địa bàn tỉnh, UBND huyện, thành phố, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị và các cấp, các ngành có trách nhiệm tổ chức hưởng ứng phong trào thi đua của tỉnh, tổ chức phát động phong trào thi đua và ký kết giao ước thi đua năm 2021 ở cấp mình.
Hồng Thiết