Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên môi trường
08/01/2018 - 14:55

TĐKT - Sáng 8/1, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2017, triển khai kế hoạch năm 2018 ngành TNMT. Tới dự, có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà.

Toàn cảnh Hội nghị

Năm 2017, lấy phương châm "Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững" làm trọng tâm hành động, toàn ngành TNMT đã tiếp tục tăng cường hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; đổi mới công tác kế hoạch, đầu tư; triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Kết quả, toàn ngành đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo thế và lực cho năm 2018 và những năm tiếp theo.

Ngành TNMT đã tập trung nguồn lực đánh giá tình hình thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, tập trung vào các lĩnh vực như đất đai, khoáng sản, môi trường. Bộ đã trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến đối với dự án Luật Đo đạc và bản đồ; trình, tiếp thu giải trình ý kiến của các thành viên Chính phủ đối với 9 Nghị định và được ban hành 7 Nghị định, 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; trình Thủ tướng Chính phủ 14 đề án; ban hành theo thẩm quyền 74 thông tư. Hệ thống chính sách, pháp luật mới được ban hành đã bám sát yêu cầu của thực tiễn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC).

Đặc biệt, Bộ đã chủ trì tổ chức thành công Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, mở ra một mô hình mẫu về phát triển các vùng đồng bằng lớn thích ứng với biến đổi khí hậu trên phạm vi cả nước.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với những vấn đề bức xúc từ thực tiễn. Trong năm 2017, toàn ngành đã tiến hành hơn 2300 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với gần 7500 tổ chức, cá nhân; tổ chức tiếp công dân 5800 lượt; tiếp nhận gần 13300 lượt đơn thư, trong đó có 9700 lượt đơn đủ điều kiện xử lý; đã có văn bản hướng dẫn, giải quyết hơn 7000 đơn thư.

Công tác cải cách hành chính được tiếp tục đẩy mạnh, gắn với mục tiêu cắt giảm chi phí, cắt giảm thời gian, loại bỏ phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân, doanh nghiệp. Bộ đã trình Chính phủ cắt giảm từ 1/3 đến 1/2 thời gian thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến quyền của người sử dụng đất; rà soát, đề xuất cắt giảm 45% điều kiện kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ. Bên cạnh đó, công bố bộ TTHC trong lĩnh vực quản lý đất đai, khoáng sản, biển và hải đảo; thực hiện liên thông TTHC đối với 11 thủ tục môi trường, biển và hải đảo, tài nguyên. Thực hiện việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 đối với 58 thủ tục và ở mức độ 4 đối với 13 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ...

Ngoài ra, Bộ TNMT tiếp tục chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Việc hợp tác, hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh trên tất cả các lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Công tác kế hoạch, tài chính, cách thức chỉ đạo, điều hành trong xây dựng, triển khai kế hoạch và dự toán ngân sách; công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin được đổi mới.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2018, toàn ngành TNMT sẽ nghiêm túc quán triệt phương châm hành động của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả", tiếp tục tăng cường kỷ cương hành chính, tạo đột phá về thể chế, chính sách, pháp luật trong quản lý, sử dụng, phát huy nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cho phát triển bền vững. Đồng thời, tổ chức tốt việc thực thi; từng bước hiện đại hóa nền hành chính.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ghi nhận trong thành tích chung của cả nước trong năm 2017, có sự đóng góp quan trọng của ngành TNMT, Bộ TNMT, đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm 2018:

Ngành TNMT cần tập trung cải thiện chất lượng môi trường, điều kiện sống của người dân; thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ và xử lý môi trường; kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm; khắc phục có hiệu quả ô nhiễm môi trường do chiến tranh để lại. Tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng; kiểm soát chất lượng không khí ở khu vực đô thị có mật độ dân cư cao; thực hiện quy chuẩn, tiêu chuẩn phát thải và công nghệ theo lộ trình phù hợp.

Tăng cường bảo vệ, phát triển rừng bền vững, nhất là rừng phòng hộ ven biển, rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo và các nguyên liệu, vật liệu mới, thân thiện với môi trường.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển. Rà soát lại tất cả các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực tài nguyên và môi trường để điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới cho phù hợp với thực tiễn phát triển.

Tạo đột phá trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất. Đẩy mạnh hơn nữa công tác điều tra, đánh giá đầy đủ tài nguyên nước, nâng cao ý thức của cộng đồng trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản theo quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, bảo vệ môi trường.

Ngành chú trọng huy động nguồn lực quốc tế, nguồn lực xã hội triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh 2016 - 2020, đặc biệt xây dựng lộ trình hành động cụ thể đối với Kế hoạch triển khai thỏa thuận Paris về khí hậu tại Việt Nam, làm cơ sở để triển khai thực hiện các hoạt động. Nhất là triển khai hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và nghiên cứu các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và các vùng chịu ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu…

Phương Thanh