BTĐKT - Hưởng ứng phong trào thi đua Chuyển đổi số, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) đã có những bước đi tiên phong trong xây dựng Đại học số tại Việt Nam. Đây là cơ hội để Học viện bứt phá, tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô và tầm ảnh hưởng trên nền tảng nghiên cứu đào tạo chất lượng cao. Đặc biệt, việc hợp tác chiến lược với Công ty Cổ phần EON Reality Việt Nam để triển khai các giải pháp chuyển đổi số ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo sẽ giúp Học viện đẩy nhanh hơn quá trình này.
Ông Dan Lejerskar, Chủ tịch Tập đoàn EON Reality Toàn cầu chia sẻ tại Tọa đàm “Giải pháp chuyển đổi số ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục và đào tạo” tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là trường đại học trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực ICT, là một trong các đơn vị đào tạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, được lãnh đạo Bộ tin tưởng, giao nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, áp dụng trong việc giảng dạy, theo dòng chảy và xu thế của chuyển đổi số quốc gia trong giáo dục.
Học viện xác định ứng dụng công nghệ số để tối ưu hóa các quy trình đào tạo, giảng dạy nhằm đào tạo quy mô lớn, chất lượng cao với nguồn lực tối ưu, phục vụ đa dạng hóa các nhu cầu đào tạo, đào tạo lại, nâng cao đào tạo suốt đời, mang lại trải nghiệm tốt nhất và phát triển toàn diện về năng lực cho người học. Học viện xác định 3 yếu tố then chốt của chuyển đổi số là: Chuyển đổi số toàn diện công tác quản trị đại học, chuyển đổi số đa dạng phương pháp dạy và học, lấy người học và giảng viên làm trung tâm.
Đến năm 2023, Học viện đã hoàn thiện được 11 nền tảng cho giáo dục Đại học số. Các nền tảng nổi bật như hệ thống thực hành Dlab có bài (với 10 học phần) đã thu hút hơn 5,6 triệu lượt truy cập.
Mới đây, ngày 14/5/2024, Công ty Cổ phần EON Reality Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm “Giải pháp chuyển đổi số ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục và đào tạo” tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Với mục đích mang tới thông tin chi tiết và toàn diện về việc ứng dụng các giải pháp thực tế ảo, thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục và đào tạo, đặc biệt đối với khối Giáo dục Nghề nghiệp trong xu hướng chuyển đổi số quốc gia, tọa đàm tập trung vào các nội dung chính: Giới thiệu những công nghệ mới nhất về VR, AR và AI trong giáo dục và đào tạo; chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng VR, AR và AI thành công tại các trường đại học, quốc gia hàng đầu thế giới; thảo luận về những thách thức và cơ hội trong việc áp dụng VR, AR và AI vào giáo dục và đào tạo tại Việt Nam; triển lãm các giải pháp VR, AR và AI của EON Reality. Trong phần tham luận chính, ông Dan Lejerskar, Chủ tịch Tập đoàn EON Reality Toàn cầu với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành đã chia sẻ và mang đến nhiều thông tin thú vị cùng phần trình diễn công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo đặc sắc qua nền tảng EON-XR. Các sản phẩm được phát triển bởi EON Reality đã và đang được tin dùng bởi nhiều chính phủ, doanh nghiệp và trường học, nổi bật trong đó là Chính phủ Romania (Đề án cách mạng hóa giáo dục và đào tạo), Tập đoàn Boeing, Airbus, Singtel, Samsung, Audi, Shell, Exxon Mobil; Coca Cola, FIFA, Đại học Louisiana, Đại học East London, Trường cao đẳng cộng đồng Eastern Iowa, ITE Singapore… Qua đó đã cho thấy nền tảng EON-XR có tiềm năng áp dụng được đa ngành, đa lĩnh vực đồng thời mang đến sự đột phá trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và Công ty Cổ phần EON Reality Việt Nam ký kết hợp tác chiến lược triển khai các giải pháp chuyển đổi số ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo
Nhân dịp này, hai bên đã ký kết hợp tác chiến lược để triển khai các giải pháp chuyển đổi số ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo. Đặc biệt, hai bên công bố cùng đầu tư, thiết lập Trung tâm Trí tuệ Nhân tạo Không gian (“Spatial AI Center”) đầu tiên tại Việt Nam. Trung tâm Trí tuệ Nhân tạo Không gian này sẽ được đặt trụ sở tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và được trang bị các phòng lab, các thiết bị VR, AR, AI tiên tiến nhất, nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các giải pháp ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường, trí tuệ nhân tạo trong đào tạo - giảng dạy.
Việc hợp tác chiến lược này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số tại Học viện Bưu chính Viễn thông nói riêng và trong giáo dục Việt Nam nói chung, mang đến những giải pháp sáng tạo và hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong thời đại công nghệ số.
PGS.TS Trần Quang Anh, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng, việc chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ là một lựa chọn mà là sự cần thiết. Chúng ta cần áp dụng công nghệ mới và kỹ thuật số vào quy trình giảng dạy, học tập để nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo rằng mọi người đều có cơ hội tiếp cận các chương trình giáo dục chất lượng, phù hợp với thời đại.
Phương Thanh