BTĐKT - Trong những năm qua, TP Cần Thơ luôn chú trọng duy trì tăng trưởng kinh tế và triển khai, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, gắn với thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Thi đua là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế
Trong giai đoạn 2012 – 2023, GRDP của TP Cần Thơ duy trì tăng trưởng bình quân 5,87%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp, giảm đáng kể tỷ trọng khu vực nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng, hiệu quả. Đặc biệt, tăng dần tỷ trọng ngành chế tạo, chế biến, sản phẩm có hàm lượng tri thức, công nghệ, kỹ thuật tiến bộ, có lợi thế cạnh tranh; tỷ trọng các khu vực công nghiệp - xây dựng, dịch vụ tăng từ 79,24% lên đến 83,36% năm 2022 và lên đến 91,07% dự kiến năm 2023, tỷ trọng khu vực nông nghiệp giảm từ 15,33% năm 2012 xuống còn 8,93% trong cơ cấu GRDP năm 2023.
Quy mô nền kinh tế tiếp tục mở rộng, đóng góp bước đầu vào phát triển chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước, đến năm 2023, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn đạt hơn 120.000 tỷ đồng, gấp 3,9 lần so năm 2012. Hàng năm, đóng góp khoảng 1,2% GDP cả nước, khoảng 9,5% GRDP của vùng ĐBSCL. Tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP/người) ước năm 2023 đạt 95 triệu đồng, gấp 2,5 lần so năm 2012.
Về lĩnh vực phát triển công nghiệp duy trì tăng trưởng khá, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng bình quân gần 8%/ năm, đóng góp trên 29% GRDP.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường kiểm tra cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng
Trong 11 năm (2012 - 2023) công nghiệp TP Cần Thơ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn trên 96% giá trị toàn ngành công nghiệp; tổng sản phẩm công nghệ cao trên 90% giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Kinh tế dịch vụ phát triển nhanh, khẳng định vai trò chủ lực của kinh tế thành phố trở thành trung tâm động lực ĐBSCL; tốc độ tăng trưởng GRDP ngành dịch vụ giai đoạn 2011 - 2019 tăng bình quân 7,48%/năm, năm 2019 đóng góp 59,34% trong GRDP.
Riêng các lĩnh vực, thương mại tổng mức hàng hóa bán lẻ và dịch vụ luôn đứng đầu khu vực ĐBSCL, đứng thứ ba trong 5 thành phố trực thuộc trung ương (sau Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội), tăng từ 13.027 tỷ đồng (năm 2006) lên 107.767 tỷ đồng năm 2019, gấp 12,5 lần so năm 2012, tăng bình quân 19%/năm.
Dịch vụ - du lịch tập trung đầu tư khai thác những tiềm năng du lịch của thành phố, phát huy vai trò trung tâm du lịch vùng ĐBSCL. Thành phố phê duyệt đề án điều chỉnh “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch TP Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030’’ xác định thế mạnh “Du lịch đô thị sông nước” từng bước đưa du lịch Cần Thơ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định thương hiệu, phát triển bền vững.
Đặc biệt, TP Cần Thơ luôn chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đô thị và xây dựng kiến trúc đô thị theo quy hoạch được duyệt. Hạ tầng khung giao thông đầu tư đồng bộ, nâng cao năng lực vận tải, tăng cường tính kết nối, kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu vận tải thông suốt từ Cần Thơ đi các tỉnh ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh và trong cả nước.
Để tăng cường hợp tác quốc tế lĩnh vực biến đổi khí hậu, TP Cần Thơ phối hợp Cộng hòa Liên bang Đức thực hiện Dự án “Xây dựng hệ thống thông tin liên quan đến nước để phát triển bền vững ĐBSCL”; phối hợp Tổ chức ISET tiến hành Dự án “Nâng cao khả năng chống chịu của thành phố Cần Thơ để ứng phó xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu gây ra”, “Dự án 100 thành phố có khả năng chống chịu”; phối hợp Tổ chức Không khí sạch xây dựng “Kế hoạch hành động không khí sạch thành phố Cần Thơ”; phối hợp Viện Chiến lược môi trường toàn cầu xây dựng kịch bản “Xã hội các-bon thấp thành phố Cần Thơ”; phối hợp tỉnh Hiroshima tổ chức Hội thảo “Kết nối các doanh nghiệp lĩnh vực môi trường các tỉnh ĐBSCL”… đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, tạo nền tảng thực hiện các dự án, kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường của thành phố.
UBND TP Cần Thơ ban hành nhiều văn bản thực hiện Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Để thực hiện liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ đã ký 11 văn bản thỏa thuận hợp tác với 10 tỉnh, thành và Trường Đại học Cần Thơ. Các lĩnh vực ký kết tập trung chủ yếu: công nghiệp; thương mại - dịch vụ; thông tin - truyền thông; văn hóa, thể thao, du lịch; y tế; lao động, thương binh, xã hội; tài nguyên - môi trường; quốc phòng, an ninh…
Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước
Trong những năm qua, UBND TP Cần Thơ đã quán triệt thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, UBND TP Cần Thơ đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 15/8/2016 về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch 5 năm (2016 - 2020) và Chỉ thị số 11/CT- UBND ngày 5/8/2021 về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội hàng năm và kế hoạch 5 năm (2021 - 2025), gắn phong trào thi đua với “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị triển khai đến các sở, ban, ngành, cơ quan Đảng, MTTQ, các đoàn thể, UBND các quận huyện, các cơ quan, đơn vị trung ương đóng trên địa bàn thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện, tổ chức phát động thi đua phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Lãnh đạo thành phố thăm hỏi, tìm hiểu hoạt động sản xuất tại công ty TNHH Kwong Lung Meko
Để hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, năm 2024 và 5 năm (2021 - 2025), UBND TP Cần Thơ tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch số 33/KH-UBND ngày 21/2/2024 và tiếp tục phát động phong trào thi đua đợt cao điểm “Đẩy nhanh tiến độ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2024 và 5 năm (2021 - 2025) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XIV” và kịp thời đăng ký giao ước thi đua năm 2024 với Hội đồng Thi đua – Khen thưởng (TĐKT) Trung ương, Bộ Nội vụ, Ban TĐKT Trung ương và Cụm thi đua 5 thành phố trực thuộc trung ương.
Thành phố cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời các văn bản của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Nội vụ và Ban TĐKT Trung ương về TĐKT, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản liên quan theo thẩm quyền của địa phương về TĐKT phù hợp với quy định hiện hành, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn đồng bộ trong thành phố. Qua đó, đã nâng cao chất lượng phong trào và thực hiện công tác khen thưởng công khai, minh bạch, kịp thời.
Thực hiện Nghị định số 98/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TĐKT; Thông tư số 01/2024/TT-BNV ngày 24/02/2024 của Bộ Nội vụ quy định biện pháp thi hành Luật TĐKT. Qua đó, Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể, đảm bảo tính dân chủ, quyết định các vấn đề bằng hình thức bỏ phiếu; các kỳ họp của Hội đồng phải có ít nhất hai phần ba số thành viên. Các thành viên Hội đồng tham gia xây dựng các nội dung trong hoạt động của Hội đồng và thẩm định cho ý kiến đánh giá…
Thành phố ban hành Quyết định số 10/2024/QĐ-UBND ngày 13/6/2024 quy định về công tác TĐKT trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Tính từ đầu năm đến nay, đã phối hợp với Ban TĐKT Trung ương và UBND các quận, huyện tổ chức được 6 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác TĐKT với số lượng tham gia là 975 lượt cán bộ, công chức phụ trách công tác TĐKT, tại các sở, ban, ngành, quận, huyện và xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố. Đồng thời, trong năm có cử 2 công chức tham dự Hội nghị tập huấn công tác TĐKT tại thành phố Đà Nẵng do Ban TĐKT Trung ương tổ chức.
Thực hiện Kế hoạch số 137/KH-UBND ngày 22/6/2022 của UBND TP Cần Thơ về tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cần Thơ chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn thành phố.
Tính đến nay, TP Cần Thơ có 36/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 31/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 7/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 4/4 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới; toàn thành phố hiện có đã có 154 sản phẩm OCOP đạt 3 đến 4 sao.
Từ chương trình quỹ “Vì người nghèo” Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Cần Thơ đã vận động các tổ chức, nhà hảo tâm cùng chung tay chăm lo cho người nghèo với số tiền trên 10,6 tỷ đồng. Đồng thời, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp thành phố tổ chức triển khai xây dựng và sửa chữa 395 căn nhà đại đoàn kết, tổng trị giá 21 tỷ 916 triệu đồng. Ngoài ra, Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3, đã vận động các tổ chức, nhà hảo tâm đóng góp ủng hộ với tổng số tiền hơn 7,4 tỷ đồng và khoảng 20 tấn hàng hóa các loại, trị giá khoảng 118 triệu đồng.
UBND TP Cần Thơ đã phát động các phong trào như: “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030"; “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 và kỷ niệm 16 năm Ngày Khuyến học Việt Nam 2/10" với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập”. Đồng thời, UBND TP Cần Thơ còn thực hiện Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 19 /9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”.
Để chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI và chào mừng Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, UBND TP Cần Thơ đang hướng đến mục tiêu “là cực tăng trưởng của vùng ĐBSCL; thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Tây Đô”.
Các tổ chức, hội, đoàn thể đã có nhiều phong trào như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Xây dựng người phụ nữ Cần Thơ thời đại mới - năng động sáng tạo, khỏe mạnh, nghĩa tình, yêu gia đình, yêu quê hương đất nước”; “Cựu chiến binh gương mẫu, sáng tạo, chung sức, đồng lòng”; “Cài đặt, kích hoạt và sử dụng Nền tảng số Nông dân Việt Nam”; “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”; “Năm Thanh niên tình nguyện”; “Dân vận khéo”…
Trong năm 2024, UBND TP Cần Thơ ban hành 2 Tờ trình đề nghị đề nghị truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cho 1 trường hợp. Kết quả: Bộ Nội vụ đã ban hành Tờ trình số 3455/TTr-BNV ngày 19/6/2024, về việc đề nghị truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" cho 1 trường hợp.
Ngoài ra, thành phố đã kịp thời ban hành 12 văn bản hiệp y, thống nhất đề nghị các bộ, ban, ngành trung ương, đề nghị Ban TĐKT Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, khen thưởng cho 9 tập thể và 13 cá nhân.
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: Để đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, TP Cần Thơ luôn chú trong thực hiện tốt 4 khâu “Phát hiện - Bồi dưỡng - Tổng kết - Nhân rộng điển hình tiên tiến” và tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức các phong trào thi đua đảm bảo thiết thực, cụ thể, bám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, công việc hàng ngày của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động…
Đồng thời, thành phố thực hiện tốt công tác tuyên truyền về tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về TĐKT; kịp thời biểu dương, tôn vinh và nhân rộng các điển hình tiên tiến, “người tốt, việc tốt”, cách làm hay, mô hình mới. Trong đó, thành phố luôn quan tâm, chú trọng khen thưởng cho đối tượng trực tiếp lao động và tổ chức nhỏ, để công tác TĐKT là động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực phát triển, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và tạo sự lan tỏa trong từng cơ quan, đơn vị và cộng đồng xã hội.
Trong thời gian, qua Chủ tịch nước khen thưởng 449 Huân chương Lao động các hạng cho 120 tập thể, 329 cá nhân; 1 Huân chương Độc lập hạng Ba; 3 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cho 604 mẹ, khen thưởng cho 487 trường hợp về thành tích kháng chiến; Thủ tướng Chính phủ tặng 119 Cờ thi đua, 1.764 Bằng khen cho 314 tập thể, 1.450 cá nhân, tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc cho 16 cá nhân. Chủ tịch UBND TP Cần Thơ khen thưởng cho 66.905 trường hợp (Cờ thi đua cho 1.115 tập thể, danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc cho 9.171 tập thể; danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp thành phố 2.436 cá nhân; Bằng khen cho 14.898 tập thể, 39.285 cá nhân). |
Xuân Phúc